Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Tăng trưởng xanh để phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu Tăng trưởng xanh để phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu
Nangluong.news – Từ năm 2008, trong chiến lược phát triển kinh tế, nhiều tổ chức quốc tế như Liên hiệp quốc, Tổ chức Hợp... Tăng trưởng xanh để phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu

Nangluong.news – Từ năm 2008, trong chiến lược phát triển kinh tế, nhiều tổ chức quốc tế như Liên hiệp quốc, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Liên hiệp châu Âu (EU), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)… cũng như các quốc gia có nền kinh tế phát triển đã triển khai và thúc đẩy các dự án xanh và coi đây là một trong những giải pháp giúp thoát khỏi tình trạng suy thoái hiện nay.

1_Energy-27

Chương trình Môi trường của Liên hiệp quốc (UNEP, 2011) định nghĩa kinh tế xanh (KTX) là nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các rủi ro về môi trường và khủng hoảng sinh thái. Đặc trưng của nền KTX là sự tăng trưởng bền vững của các hợp phần kinh tế có khả năng duy trì và gia tăng nguồn vốn tự nhiên của trái đất. Các hợp phần này bao gồm: năng lượng tái tạo, giao thông ít phát thải các-bon, công nghệ sạch, hệ thống quản lý chất thải tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, nông – lâm – ngư nghiệp bền vững. Hiểu một cách đơn giản, KTX là nền kinh tế ít phát thải các-bon, tiết kiệm tài nguyên, tạo ra việc làm và công bằng xã hội.

KTX là một nền kinh tế hay mô hình phát triển dựa trên phát triển bền vững (PTBV) và kiến thức về kinh tế học sinh thái. Các hoạt động trong nền KTX tạo ra lợi nhuận hoặc giá trị có ích lợi, hướng đến phát triển cuộc sống của cộng đồng xã hội con người (đặc biệt là yếu tố văn hóa), đồng thời những hoạt động này thân thiện với môi trường (thành tố quan trọng nhất), 3 yếu tố này đạt trạng thái cân bằng sẽ thỏa mãn tính bền vững.

Trong KTX, nhân tố môi trường thật sự đóng vai trò như là chất xúc tác cho tăng trưởng, đổi mới nền kinh tế và phúc lợi xã hội. Khi mà sinh kế của một bộ phận người dân có mức sống dưới mức nghèo khổ phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, hơn nữa họ là những đối tượng dễ bị tổn thương do tác động của thiên tai cũng như biến đổi khí hậu, việc chuyển đổi sang nền KTX cũng góp phần cải thiện sự công bằng xã hội, và có thể được xem là một hướng đi tốt để PTBV. Tăng trưởng xanh còn là định hướng mới thúc đẩy kinh tế phát triển theo những mô hình tiêu thụ và sản xuất bền vững, nhằm đảm bảo nguồn vốn tự nhiên tiếp tục cung cấp những nguồn lực và dịch vụ sinh thái mà đời sống của chúng ta phụ thuộc vào cho thế hệ hiện nay cũng như mai sau. Như vậy, KTX không thay thế PTBV mà đây là chiến lược kinh tế để đạt được các mục tiêu PTBV.

Trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, KTX cũng góp phần quan trọng nhằm giảm nhẹ tác động của hiện tượng này. Theo tính toán, chỉ cần đầu tư khoảng 1,25% GDP toàn cầu vào việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các ngành và phát triển năng lượng tái tạo, bao gồm cả nhiên liệu sinh học thế hệ hai, mức độ tiêu thụ năng lượng trên toàn thế giới có thể giảm đi 36% vào năm 2030 và lượng khí CO2 thải ra hàng năm sẽ giảm từ 30,6 tỷ tấn (năm 2010) xuống 20 tỷ tấn (năm 2050). Thêm vào đó, nhờ vào nông nghiệp xanh, kịch bản KTX ước tính có thể giảm nồng độ khí nhà kính xuống 450ppm vào năm 2050, một mức được cho là hợp lý và đủ hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở ngưỡng 2oC.

Có thể nói, trong giai đoạn hiện nay, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta thúc đẩy mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đang mở ra cơ hội cho Việt Nam xây dựng mô hình PTBV trong bối cảnh biến đổi toàn cầu, KTX. Đây vừa là cơ hội để Việt Nam phát triển, song cũng đặt ra rất nhiều khó khăn, thách thức để có thể bắt kịp, đón đầu và hội nhập với làn sóng KTX đang lan rộng khắp thế giới hiện nay.

 

Chiến lược của Việt Nam về tăng trưởng xanh, giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050, đã xác định 3 mục tiêu: Khuyến khích các ngành kinh tế sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên với giá trị gia tăng cao, hạn chế tiến tới xóa bỏ những ngành sử dụng lãng phí tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường. Ứng dụng và phát triển công nghệ hiện đại nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Nâng cao đời sống nhân dân thông qua việc tạo thêm việc làm từ các ngành công nghiệp xanh và cải thiện chất lượng cuộc sống thông qua việc xây dựng lối sống thân thiện với môi trường.

Theo Báo Đồng Khởi