Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Hà Nội sẽ ưu tiên phát triển điện mặt trời mái nhà Hà Nội sẽ ưu tiên phát triển điện mặt trời mái nhà
Mới đây (ngày 18/11/2020), UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 225/KH-UBND về phát triển năng lượng tái tạo trên... Hà Nội sẽ ưu tiên phát triển điện mặt trời mái nhà

Mới đây (ngày 18/11/2020), UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 225/KH-UBND về phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025, trong đó nhấn mạnh mục tiêu ưu tiên phát triển điện mặt trời mái nhà.

Theo kế hoạch số 225/KH-UBND, việc phát triển năng lượng tái tạo của TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2025 sẽ xoay quanh 3 mục tiêu chính, gồm:

  • Mục tiêu phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo, nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu cung cấp điện, đảm bảo an ninh năng lượng, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường.
  • Ưu tiên phát triển điện năng lượng mặt trời phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý, đặc biệt là điện mặt trời mái nhà và trên mặt nước. Xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện mặt trời phù hợp với điều kiện đặc thù của Hà Nội.
  • Mục tiêu tăng cường phát triển các nguồn điện từ rác thải sinh hoạt và chất thải rắn, khuyến khích đầu tư phát triển điện sinh khối đồng phát.

Trong kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo, Thành phố Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo sẽ đạt khoảng 1% trong tổng cung năng lượng sơ cấp. Trong đó, tổng công suất nguồn điện năng lượng mặt trời dự tính sẽ đạt khoảng 100 MWp và điện rác khoảng 150 MW.

Một hệ thống điện mặt trời áp mái tại Hà Nội Một hệ thống điện mặt trời áp mái tại Hà Nội (Ảnh Vũ Phong Solar)

Số liệu thống kê của Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội (EVNHANOI), trên địa bàn Thành phố đã có tổng cộng 1.199 khách hàng lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái. Điều đáng chú ý là, chỉ tính riêng trong 8 tháng đầu năm nay, có tới 740 khách hàng đăng ký lắp đặt hệ thống, chiếm 62% tổng số khách hàng lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại thành phố này.

Điện mặt trời mái nhà phát triển sôi động tại TP. Hà Nội trong năm 2020 được các chuyên gia lý giải là do có mức giá mua điện cao hơn, hấp dẫn hơn so với các loại điện mặt trời khác (như điện mặt trời nổi, điện mặt trời mặt đất). Một nguyên nhân khác khiến nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp quyết định lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà là chi phí đầu tư đã giảm đáng kể. Sự phát triển của điện mặt trời trên thế giới và cả trong nước làm tăng tính cạnh tranh trên thị trường, giá thành các thiết bị đều giảm trong khi hiệu suất, tuổi thọ sản phẩm tăng lên. Thời gian qua, EVNHANOI đã ký kết hợp tác phát triển bền vững và sử dụng hiệu quả điện mặt trời với một số đối tác, đưa ra nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ khách hàng lắp đặt điện mặt trời áp mái. Đây cũng là một lý do giúp điện mặt trời phát triển mạnh ở địa bàn Thành phố.

Trước đó, để triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 13/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Công văn số 3477/UBND-KT về khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển điện mặt trời trên địa bàn. Sở Công Thương TP. Hà Nội được giao chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan tiến hành nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách… nhằm thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà trên địa bàn Thành phố.

Không chỉ tại TP. Hà Nội, điện mặt trời nói chung và điện mặt trời áp mái nói riêng đang phát triển mạnh trên cả nước. Theo Thông cáo báo chí tình hình hoạt động tháng 10 năm 2020 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), lũy kế 10 tháng năm 2020, năng lượng tái tạo (bao gồm điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) đạt 8,95 tỷ kWh. Riêng điện mặt trời đạt 9,95 tỷ kWh – con số này gấp 2,28 lần so với cùng kỳ năm 2019. Về tình hình lắp đặt điện mặt trời mái nhà, trong 10 tháng đầu năm 2020, trên toàn quốc có 42.102 dự án được đã lắp đặt với tổng công suất 1.608,4 MWp; sản lượng điện phát lên lưới là 637,5 triệu kWh. Trong đó, công suất phát triển điện mặt trời áp mái ở phía Nam chiếm trên 60% tổng công suất.

Nguồn : Công Ty Điện Mặt Trời Vũ Phong Solar