Nhà máy điện từ sóng biển đầu tiên ở châu Âu bắt đầu đi vào hoạt động
Năng Lượng Tái TạoTin Tức Năng Lượng Tháng năm 31, 2016 Năng Lượng News
Nangluong.news – Lễ cắt băng khánh thành nhà máy điện sản xuất điện từ sóng biển của hãng ECO Wave Power (EWP) đã nằm bên cầu cảng diễn ra ngày 26/5 tại Gibraltar, một vùng lãnh thổ trực thuộc Vương quốc Anh.
Mặc dù sự kiện này chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, song mang ý nghĩa biểu tượng rất lo lớn. Nó đánh dấu một thời khắc quan trọng đối với cả Gibraltar cũng như EWP, một công ty với các dự án lớn lao và những công nghệ năng lượng sạch đầy hứa hẹn có trụ sở ở Israel.
Đây cũng là nhà máy điện từ sóng biển nối lưới đầu tiên ở châu Âu.
Giải pháp sản xuất năng lượng từ những ngọn sóng dập dềnh lên xuống lần đầu thử nghiệm năm 2012 trong một bể chứa tại Viện Thủy Cơ học ở Kiev (Ukraine). Chuyển động của những con sóng được biến thành áp suất chất lỏng, làm quay một máy phát điện, từ đó sản xuất ra điện.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành rất nhiều cuộc thử nghiệm, bao gồm các cuộc thử nghiệm đầy căng thẳng trong điều kiện giông bão tại Biển Đen cũng như một nhà máy điện dạng mô phỏng tại Cảng Jaffa, Israel, nhằm đánh giá và cải tiến công nghệ.
Mặc dù trong lễ khánh thành, các phao nổi của nhà máy không chuyển động mạnh, song EWP khẳng định, nhà máy điện này sẽ thu năng lượng một cách hiệu quả trong suốt cả năm, từ khi vùng biển này khá lặng sóng cho tới khi thời tiết trở nên ít thân thiện cho khách du lịch tắm biển. Chỉ trong những điều kiện gió bão nhất, hệ thống này mới phải ngừng hoạt động. Khi đó, các phao nổi sẽ được nâng lên khỏi mặt nước để tránh bị hư hại.
Toàn bộ hệ thống đầu não của nhà máy này – rất nhiều ắc quy thủy lực, ống dẫn, máy phát điện – đều được điều khiển thông qua một màn hình cảm ứng.
Theo các kỹ sư của EWP túc trực tại nhà máy, nhà máy điện được thiết kế nhằm tự vận hành trong phần lớn thời gian, giảm thiểu tối đa việc sử dụng điện năng hay các nguồn lực khác để vận hành.
Tuy nhiên, hệ thống vận hành bằng tay luôn có sẵn và màn hình cảm ứng cho phép các kỹ sư có thể thực hiện những yêu cầu nhất định, ví dụ như nâng phao lên khỏi mặt nước.
Việc đặt tất cả các thiết bị, trừ phao nổi, tránh xa khỏi mặt nước là cách để khiến công tác bảo trì diễn ra tốt hơn, giảm nguy cơ ô nhiễm nước xung quanh một cách tối đa, trong trường hợp thiết bị bị hỏng hóc. EWP cũng sử dụng biện pháp chống ăn mòn cho các phao nổi, cho phép nó có thể hoạt động tốt trong vòng 30 năm trước khi cần phải đại tu.
Nhà máy điện này hiện nay có công suất 100 kW, song nhóm nghiên cứu phát triển dự kiến tăng sản lượng lên 5MW tới năm 2020. Tới khi đó, nhà máy này sẽ sản xuất được 15% tổng nhu cầu năng lượng mà vùng lãnh thổ này cần.
Để làm được việc này, theo EWP, phòng điều khiển không cần phải mở rộng, nhưng số lượng phao nổi cần phải tăng lên nhiều.
Nhà máy điện từ sóng biển ở Gibraltar mới chỉ là bước khởi đầu của EWP. Công ty hiện này đang tiến hành xây dựng một nhà máy tương tự tại Trung Quốc và điểm đến tiếp theo sẽ là Mexico. Nhà máy ở Mexico vẫn đang chờ được chính phủ cấp phép, song theo dự kiến, công suất của nó sẽ là 25 MW, lớn hơn rất nhiều so với ở Gibraltar.
EWP dẫn các số liệu từ Hội đồng Năng lượng thế giới cho hay, thị trường điện năng từ sóng biển hiện còn đang rất tiềm năng, có trị giá lên tới 1 nghìn tỉ USD.
Nguồn: TKNL (Theo Gizmag)