Lan tỏa chương trình tiết kiệm năng lượng
Năng Lượng Mặt TrờiTin Tức Năng Lượng Tháng mười một 4, 2015 News Energy
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng (TKNL) và sử dụng năng lượng hiệu quả trong giai đoạn 2011-2015, cả nước đã tiết kiệm mỗi năm khoảng một tỷ Kw giờ điện, tương đương 1.600 tỷ đồng; mức năng lượng tiết kiệm được cho cả giai đoạn gần bằng 6% trên tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia. Kết quả nêu trên có được là nhờ nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị, từng ban, ngành; tinh thần tự nguyện không mệt mỏi của cộng tác viên, tuyên truyền viên đã “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” và sự tích cực hưởng ứng của người dân…
Đến thăm nhà chị Đoàn Thị Thu Hằng ở ấp Phú Lợi, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, chị vui mừng cho biết vừa được huyện hỗ trợ xây dựng hầm biogas. Với nghề chính là chăn nuôi heo, trước đây, chuồng heo của gia đình chị luôn bị hàng xóm phàn nàn về mùi hôi. Từ khi tham dự lớp tập huấn TKNL của huyện, chị biết rằng hầm biogas là một giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, đồng thời cũng thực hành tiết kiệm. Chị đã làm đơn vay vốn để xây dựng hầm biogas. Đến nay, gia đình chị tiết kiệm trung bình từ 250 đến 300 nghìn đồng tiền gas mỗi tháng và không còn bị hàng xóm phàn nàn.
Nhận thấy lợi ích từ chương trình TKNL, chị Hằng đã trở thành tình nguyện viên không lương của xã. Khi xã, huyện có chương trình tập huấn TKNL, chị lại đi thông báo, vận động bà con cùng tham gia. Chị bộc bạch: “Tôi thường đọc báo, xem ti-vi cho nên biết nhiều thông tin về nguy cơ thiếu hụt năng lượng. Trước đây, gia đình tôi cũng đã ý thức việc xài tiết kiệm. Lúc đó, mình chỉ nghĩ đơn giản là tiết kiệm điện cho đỡ tốn tiền thôi. Nhưng bây giờ đã được học về TKNL rồi, mình biết rõ hơn là ngoài điện còn có cả xăng dầu, bếp gas… cũng cần sử dụng hợp lý để tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường”.
Còn bà Nguyễn Thị Bé, 70 tuổi, ngụ tại chung cư Ấn Quang, quận 10, được mọi người đặt cho biệt danh là “Bà Bé sáu lô”, bởi các hộ ở sáu lô của chung cư đều được bà vận động, tư vấn cùng tham gia TKNL. Bà Bé vui vẻ cho biết: “Tôi được tham gia khóa học TKNL nên thấy được rằng TKNL không là gì quá khó khăn. Chỉ cần thay đổi cách lựa chọn, thiết kế, lắp đặt thiết bị trong hộ gia đình; tủ lạnh để ở chế độ vừa phải, không mở cửa tủ lạnh thường xuyên, không cho đồ còn nóng vào tủ lạnh; thay các bóng đèn huỳnh quang bằng bóng đèn tiết kiệm điện; là ủi quần áo một lần cho cả nhà, chú ý bơm gas và vệ sinh điều hòa nhiệt độ để máy hoạt động đạt hiệu quả tốt nhất, hạn chế sử dụng điện trong giờ cao điểm… Với những việc đơn giản đó, hằng tháng tiền điện nhà gia đình tôi đã giảm được đáng kể. Thấy nhiều lợi ích cho nên tôi đã vận động các hộ cùng tham gia”.
Nhiều năm qua, để bảo đảm cho sự phát triển kinh
tế – xã hội một cách bền vững, Nhà nước luôn chú trọng đến phát triển các nguồn năng lượng. Trong giai đoạn
2011 – 2015, Chính phủ đã chỉ đạo nhiều giải pháp nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt về cung cấp năng lượng như: Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia xây dựng các nguồn điện; áp dụng biểu giá than, dầu, điện và khí hợp lý, tiệm cận dần cơ chế giá thị trường; tái cấu trúc cơ cấu ngành… Cùng với đó, cả hệ thống chính trị cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động toàn dân sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương Đỗ Đức Quân cho biết, sau gần 5 năm triển khai, Chương trình TKNL đã thu hút được 585 dự án; gần 10.000 mẫu sản phẩm thuộc 14 nhóm sản phẩm mục tiêu đã được dán nhãn TKNL; hơn 100 tòa nhà được vinh danh “Tòa nhà hiệu quả năng lượng”. Bằng việc hỗ trợ ban đầu cho 3.000 giàn nước nóng năng lượng mặt trời từ chương trình đã kích thích và tạo ra một thị trường nước nóng sôi động với nhiều mẫu mã đa dạng. Hiện, cả nước có hơn 700.000 giàn nước nóng năng lượng mặt trời được lắp đặt.
Tại TP Hồ Chí Minh, tổng lượng điện tiết kiệm được trong giai đoạn 2011-2015 đạt hơn 2,2 tỷ kW giờ, tiết kiệm chi phí 3.700 tỷ đồng, làm giảm gần 1,2 triệu tấn CO2 phát thải ra môi trường. Theo Giám đốc Trung tâm TKNL thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Kim Tước, hoạt động TKNL trong mục tiêu tăng trưởng xanh tại thành phố năm 2015 đã có 117 doanh nghiệp xây dựng định mức tiêu thụ năng lượng, 952 doanh nghiệp thực hiện giải pháp TKNL. Tổng điện năng tiết kiệm của riêng khối này đã hơn 43,4 triệu kW giờ/năm.
Cũng theo ông Tước, TKNL là một phần không thể thiếu trong chiến lược tăng trưởng xanh. Muốn đạt được mục tiêu này cần phải có hỗ trợ về mặt chủ trương, chính sách từ chính quyền địa phương trong việc hình thành các chương trình, chiến lược thực hành TKNL, ứng dụng năng lượng tái tạo và mở rộng địa bàn. Tất cả các công ty, tập đoàn, hợp tác xã, các đơn vị quản lý cơ sở hạ tầng đều phải ký cam kết với chính quyền trong việc thực hiện TKNL thì mới đạt hiệu quả cao.
Theo Trưởng Ban Quan hệ cộng đồng Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Vũ, ngoài công tác truyền thông, giáo dục thường xuyên và rộng rãi, các chính sách về hỗ trợ cho chương trình cũng cần phải được bàn đến nhằm giúp doanh nghiệp có đủ lực để thực thi mục tiêu này. Theo đó, nên xây dựng, triển khai các cơ chế tài chính, thúc đẩy các dự án đầu tư vào TKNL như: cho vay ưu đãi, cơ chế hợp đồng dịch vụ năng lượng; hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp thực hiện kiểm toán năng lượng và đầu tư đổi mới công nghệ, thay các thiết bị cũ bằng thiết bị hiệu suất cao.
Cùng với đó, sớm ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển điện mặt trời và hướng dẫn việc mua lại điện năng dư thừa từ hộ tiêu thụ có trang bị hệ thống điện mặt trời để hòa vào lưới điện.