Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Vào năm 2030 ước tính 670 triệu người sống thiếu điện Vào năm 2030 ước tính 670 triệu người sống thiếu điện
Tính đến năm 2020, vẫn còn 733 triệu người trên thế giới chưa được sử dụng điện và 2,4 tỷ người vẫn phải nấu... Vào năm 2030 ước tính 670 triệu người sống thiếu điện

Tính đến năm 2020, vẫn còn 733 triệu người trên thế giới chưa được sử dụng điện và 2,4 tỷ người vẫn phải nấu ăn bằng các nhiên liệu có hại cho sức khỏe và môi trường. Với tiến độ hiện tại, đến năm 2030, ước tính sẽ còn 670 triệu người sống thiếu điện.

Đây là số liệu được đưa ra trong Theo dõi SDG7: Báo cáo Tiến bộ Năng lượng 2022, do Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Cơ quan Năng lượng tái tạo Quốc tế (IRENA), Cơ quan Thống kê Liên Hợp Quốc (UNSD), Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đồng thực hiện.

Ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19

Mục tiêu cụ thể đầu tiên trong Mục tiêu Phát triển Bền vững 7 (SDG7) là phổ cập tiếp cận năng lượng hiện đại, đáng tin cậy với giá cả phải chăng vào năm 2030. Tuy nhiên, mục tiêu này đang bị cản trở bởi các tác động của dịch Covid-19.

Tỷ lệ dân số thế giới được sử dụng điện đã tăng từ 83% vào năm 2010 lên 91% vào năm 2020, tương đương với thêm 1,3 tỷ người được dùng điện. Từ 1,2 tỷ người không được tiếp cận điện vào năm 2010 đã giảm xuống còn 733 triệu người vào năm 2020. Tuy nhiên, sự phức tạp ngày càng tăng để đảm bảo khả năng tiếp cận điện của nhóm dân cư xa hơn và nghèo hơn cũng như tác động của dịch Covid-19 đã khiến tốc độ điện khí hóa chậm lại. Phải tạm ngừng hoạt động, gián đoạn chuỗi cung ứng, nguồn lực tài chính chuyển hướng để giữ giá thực phẩm và nhiên liệu ở mức hợp lý đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Mục tiêu 7. Có đến khoảng 90 triệu người ở châu Phi và châu Á, những người trước đây được sử dụng điện, hiện không còn đủ khả năng chi trả cho các nhu cầu năng lượng. Mới đây nhất, cuộc xung đột Nga – Ukraine đã khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn, vì nó dẫn đến giá năng lượng tăng đột biến.

SDG7_Vu-Phong-Energy-GroupTỷ lệ dân số thế giới được sử dụng điện đã tăng nhưng vẫn còn nhiều khu vực chưa có điện, đặc biệt là tại châu Phi (Ảnh minh họa internet)

Khu vực ít được sử dụng điện nhất trên thế giới vẫn là châu Phi, trong đó các quốc gia có số người chưa được tiếp cận điện nhiều nhất là Nigeria (92 triệu người), Cộng hòa Dân chủ Congo (72 triệu người) và Ethiopia (56 triệu người).

Các chính sách mạnh mẽ và hỗ trợ tài chính là rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực điện khí hóa, không để ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất. Nếu không có nỗ lực hơn nữa để tiếp cận những vùng nghèo nhất và hẻo lánh nhất, dự báo sẽ còn tới 670 triệu người không có điều kiện tiếp cận điện vào năm 2030 – báo cáo chỉ ra.

Năng lượng tái tạo cần được phát triển mạnh mẽ hơn

Năng lượng tái tạo đang tăng trưởng nhanh chóng. Công suất năng lượng tái tạo tính bình quân trên đầu người tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 9,5% trong giai đoạn 2015–2020, đạt mức kỷ lục 246W vào năm 2020 (tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 11,6%). Dù Covid-19 khiến nhiều dự án bị trì trệ nhưng năng lượng tái tạo vẫn chiếm hơn 80% tổng công suất điện mới được bổ sung vào năm 2020. Kịch bản của cả IEA và IRENA đều cho thấy điện mặt trời và điện gió sẽ chiếm phần lớn trong tăng trưởng năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, giá hàng hóa gia tăng cùng các biện pháp hạn chế thương mại khiến chi phí sản xuất và vận chuyển tăng sẽ là một nguy cơ. Chính vì thế, báo cáo cho rằng, để đạt được Mục tiêu 7, trong đó có Mục tiêu 7.2 về tỷ trọng năng lượng tái tạo, cũng như tham vọng của Thỏa thuận Paris, sẽ cần sự hỗ trợ chính sách mạnh mẽ hơn và huy động vốn tư nhân nhiều hơn cho các dự án năng lượng tái tạo.

SDG7_Vu-Phong-Energy-GroupCần sự hỗ trợ chính sách mạnh mẽ hơn và huy động vốn tư nhân nhiều hơn cho các dự án năng lượng tái tạo (Ảnh minh họa)

Theo kịch bản Stated Policies Scenario – STEPS của IEA, đầu tư vào năng lượng sạch sẽ tăng lên 1,7 nghìn tỷ USD/năm vào năm 2030, cao hơn khoảng 80% so với năm 2020. Còn tại kịch bản Net Zero Emissions by 2050 Scenario – NZE, IEA cho rằng đầu tư năng lượng sạch cần tăng hơn gấp 3 lần, lên 4 nghìn tỷ USD/năm vào năm 2030. Phần lớn khoản đầu tư này hướng đến năng lượng tái tạo và hiệu quả. Trong khi đó, theo kịch bản 1,5°C của IRENA, đầu tư vào năng lượng sạch cần lên tới gần 5 nghìn tỷ USD/năm cho đến năm 2030, tăng 60% so với các kế hoạch và chính sách hiện tại.

Đặc biệt, tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng (TFEC) – chỉ số chính để đánh giá tiến độ đạt Mục tiêu 7.2 – cũng là vấn đề cần được quan tâm. Mặc dù không có mốc định lượng nào được thiết lập cho SDG 7.2, các cơ quan giám sát đánh giá rằng, xu hướng hiện tại của chỉ số này là chưa phù hợp với tham vọng của mục tiêu và cần phải tăng cường hấp thụ năng lượng tái tạo với tốc độ nhanh hơn.

Tại Việt Nam, hệ thống điện lưới đã đảm bảo cung ứng điện cho 99,47% số hộ dân (99,18% số hộ dân nông thôn). Việt Nam đã hoàn thành lộ trình đặt ra cho năm 2020 và có khả năng hoàn thành lộ trình cho các mốc năm 2025 và 2030 trong Mục tiêu 7.1 của SDG7.

Ở Mục tiêu 7.2 về tăng đáng kể tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp, với định hướng chú trọng phát triển năng lượng tái tạo cũng như tình hình phát triển năng lượng tái tạo thời gian qua, Báo cáo SDGs quốc gia năm 2020 cho rằng Việt Nam sẽ hoàn thành lộ trình đã đặt ra.

Theo báo cáo này, những vấn đề còn gặp thách thức khi Việt Nam thực hiện SDG7 gồm: Hiệu quả sử dụng năng lượng trong một số lĩnh vực, ngành còn thấp; Cơ chế huy động vốn đầu tư cho năng lượng tái tạo còn bất cập; Cơ sở hạ tầng và công nghệ để cung cấp nguồn năng lượng sạch và bền vững còn hạn chế, đặc biệt là việc cung cấp nguồn năng lượng sạch và bền vững cho gần 1% số hộ chưa được tiếp cận nguồn điện vì họ sống ở những vùng sâu vùng xa, nơi địa bàn hiểm trở rất khó tiếp cận.

Với sứ mệnh “Phát triển năng lượng sạch vì một môi trường xanh và phát triển bền vững”, Vũ Phong Energy Group đã và đang nỗ lực để chung tay thực hiện SDG7 – mục tiêu quan trọng đầu tiên trong chuỗi các SDGs mà Vũ Phong theo đuổi. Bên cạnh tham gia phát triển các dự án năng lượng tái tạo ở khắp các vùng miền trên cả nước, Vũ Phong còn tích cực trong các chương trình chia sẻ cộng đồng mang điện mặt trời đến với các gia đình khó khăn, đặc biệt là tại những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới… chưa có điều kiện tiếp cận với điện lưới.

Xem các dự án năng lượng tái tạo Vũ Phong Energy Group đã thực hiện tại đây: https://vuphong.vn/du-an-dien-nang-luong-tai-tao/

Nguồn: Vuphong.vn