Tương lai của năng lượng mặt trời: Phấn đấu 1 triệu ngôi nhà xanh vì Việt Nam thịnh vượng
Năng Lượng Mặt TrờiNăng Lượng Tái TạoTin Tức Năng Lượng Tháng tám 23, 2018 Năng Lượng News
Ngày 22/8/2018 tại Hà Nội, trong khuôn khổ Tuần lễ Năng lượng Tái tạo Việt Nam 2018, Liên minh Năng lượng Bền vững Việt Nam (VSEA) đã tổ chức hội thảo để nhìn lại 1 năm thực hiện Quyết định 11 và Thông tư 16 về phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.
Hội thảo đã thu hút rất đông đại biểu tham gia nhưng rất tiếc lại không có sự hiện diện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Hội thảo về phát triển điện mặt trời trong khuôn khổ Tuần lễ Năng lượng Tái tạo 2018
Tóm tắt về tình hình 1 năm thực hiện hai văn bản nói trên, ông Nguyễn Ninh Hải – Trưởng phòng Năng lượng mới và Năng lượng Tái tạo, Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo, Bộ Công thương cho biết, tính đến tháng 6/2018 đã có 100 dự án điện mặt trời được bổ sung vào quy hoạch cấp điện tỉnh/quốc gia với tổng công suất đăng ký là 4,7 GW vào năm 2020 và 1.770 GW những năm sau đó. Còn với các dự án điện mặt trời trên mái nhà có tổng số 748 dự án với tổng công suất 11,55 MW.
Tuy nhiên, các dự án điện mặt trời nói trên cũng gặp phải một số khó khăn như: Mâu thuẫn với các quy định về thuế, thiếu các quy trình đấu nối, chưa có cơ chế rõ ràng cho người bán điện với người mua, cơ chế mua lại điện của EVN chưa thực sự hấp dẫn…
PGS TS Lê Anh Tuấn – Đại học Cần Thơ thì cho biết, Cần Thơ và các tỉnh Nam Bộ rất có tiềm năng về điện mặt trời do có số giờ nắng nhiều. Việc triển khai lắp đặt pin mặt trời không chỉ có thể trên các mái nhà mà hoàn toàn có thể đặt trên ao hồ và như vậy sẽ giảm thiểu sức bốc hơi của nước, giảm sự phát triển của tảo.
Bản thân, PGS TS Lê Anh Tuấn cũng là người đã đầu tư lắp điện mặt trời cho ngôi nhà của mình. Phần điện năng dư thừa, ông đã bán cho các nhà trọ xung quanh với giá cả cạnh tranh và thậm chí còn sạc điện miễn phí cho xe đạp điện của sinh viên.
Ông cũng cho biết, giá thành của pin mặt trời đang ngày càng hạ và có tuổi thọ lên tới 15 – 20 năm nên cũng rất đáng để đầu tư với không chỉ các cơ quan mà ngay cả với nhà dân. Tuy nhiên, đi kèm với pin mặt trời thì còn phải đầu tư ắc quy để tích điện và sử dụng vào thời gian không có ánh sáng mặt trời.
PGS TS Lê Anh Tuấn – Đại học Cần Thơ trả lời phỏng vấn báo chí tại hội thảo.
Còn theo ông Trần Hồng Kỳ – chuyên gia năng lượng của Ngân hàng Thế giới, việc phát triển năng lượng tái tạo trong đó có năng lượng mặt trời rất nên được khuyến khích. Nhà nước nên miễn thuế với mặt hàng pin mặt trời để thúc đẩy người dân và doanh nghiệp, tổ chức đầu tư sử dụng.
Cuối buổi hội thảo, bà Ngụy Thị Khanh – Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (Green ID) đã trình bày Đề án “Triệu ngôi nhà xanh vì Việt Nam” thịnh vượng. Theo đề án này, các nguồn năng lượng tái tạo trong đó có điện mặt trời được ưu tiên đầu tư. Green ID sẽ giữ vai trò xây dựng ý tưởng, kết nối các bên, điều phối và truyền thông, trực tiếp tham gia hỗ trợ…
Điện mặt trời đã xuất hiện tại cả nhiều vùng nông thôn, miền núi. Ảnh: Green ID
Green ID cũng sẽ vận động các ngân hàng và tổ chức tài chính tham gia vào đề án này để hỗ trợ vốn cho các tổ chức và người dân có nhu cầu trang bị điện mặt trời. Lộ trình của Đề án sẽ được triển khai thử nghiệm từ năm 2018 đến cuối 2019; triển khai và chuẩn hóa từ tháng 1/2020 đến tháng 12/2022; sau đó sẽ nhân rộng và củng cố từ 2023 trở đi. Được biết, với các hộ gia đình có thể đầu tư tối thiểu khoảng 3.000 USD để có điện mặt trời với công suất 1,5 KW. Còn các khách sạn thì cần đầu tư tối thiểu 20.000 USD để có công suất 15 KW.
Nguồn: Báo Mới