Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Thủ tướng vừa có cuộc họp Thường trực Chính phủ lắng nghe các cơ quan Bộ, ngành liên quan về cung ứng điện phát... Thủ tướng: “Tuyệt đối không để thiếu điện trong bất cứ tình huống nào”

Thủ tướng vừa có cuộc họp Thường trực Chính phủ lắng nghe các cơ quan Bộ, ngành liên quan về cung ứng điện phát triển kinh tế xã hội đất nước. Theo đó, yêu cầu của Thủ tướng, Thường trực Chính phủ là: Tuyệt đối không để xảy ra thiếu điện trong bất cứ tình huống nào.

Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, EVN, PVN và TKV phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước pháp luật, trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra thiếu điện ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Thủ tướng, Thường trực Chính phủ yêu cầu tuyệt đối không để thiếu điện trong bất kỳ tình huống nào

Nhằm đảm bảo cung ứng điện đến năm 2025, Thường trực Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc xem xét việc áp dụng quy định tại Luật Điện lực để cho phép triển khai các dự án điện cần thiết, cấp bách để đảm bảo cung ứng điện, nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống điện; danh mục các dự án này sẽ được cập nhật vào quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch ngành điện được lập mới hoặc điều chỉnh theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch.

Thường trực Chính phủ yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan giải quyết nhanh các thủ tục để triển khai nhanh 9 dự án nguồn điện của EVN.

Các dự án này bao gồm: Dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I, Quảng Trạch II, Dung Quất I và Dung Quất III (đồng bộ với Dự án khí Cá Voi Xanh), Ô Môn III và Ô Môn IV (đồng bộ với Dự án khí Lô B); các dự án thủy điện nhà máy Hòa Bình mở rộng, Yaly mở rộng, Trị An mở rộng)…

Thường trực Chính phủ cũng đồng ý về nguyên tắc: Áp dụng cơ chế bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ đối với Dự án nhà máy nhiệt điện BOT Vĩnh Tân III với tỷ lệ hợp lý, tối đa 30%; xem xét, ban hành cơ chế đặc thù trong phạm vi thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ áp dụng đối với các dự án điện trọng điểm, cấp bách dự kiến đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành trong giai đoạn tới.

Đặc biệt, xem xét việc mua hết sản lượng điện phát của các nhà máy thủy điện nhỏ và các nhà máy điện mặt trời nếu được đấu nối vào hệ thống điện quốc gia, đảm bảo an toàn vận hành và có giá bán điện hợp lý; kiểm soát việc phát triển thủy điện nhỏ đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tập trung xử lý theo đúng thẩm quyền được pháp luật quy định và các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao trong công tác chuẩn bị đầu tư các dự án điện, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền; tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng kéo dài, trì trệ trong khâu chuẩn bị đầu tư các dự án điện của EVN, PVN và TKV; khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vướng mắc liên quan đến triển khai đầu tư Dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I và một số dự án nhiệt điện khác (nếu có).

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn đặc biệt quan tâm và đặt mục tiêu phát triển điện luôn phải đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước, đáp ứng nhu cầu điện sinh hoạt của nhân dân, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Trong bối cảnh hiện nay, tinh thần chỉ đạo chung là không được để thiếu điện cho sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân trong giai đoạn tới.

Thủ tướng yêu cầu phát triển ngành năng lượng Việt Nam tự lực, tự cường ít phụ thuộc vào nước ngoài, phát triển theo thể chế và cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, nâng cao tính cạnh tranh, chống độc quyền, chống tham nhũng và lợi ích nhóm.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu ngành điện phải tăng cường tính công khai, minh bạch trong quá trình đầu tư, sản xuất điện, truyền tải, phân phối và kinh doanh điện; phát triển đồng bộ nguồn điện và lưới điện truyền tải, chú ý phát triển hợp lý năng lượng tái tạo.

Nguồn: Dân Trí