Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Việc phát triển năng lượng tái tạo giúp cho Việt Nam giảm được 60% nhiên liệu nhập khẩu, cũng như giảm rủi ro từ... Sự tiến bộ của công nghệ giúp chi phí sản xuất năng lượng tái tạo ngày càng rẻ

Việc phát triển năng lượng tái tạo giúp cho Việt Nam giảm được 60% nhiên liệu nhập khẩu, cũng như giảm rủi ro từ việc biến động giá nhiên liệu.

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt, tổng công suất lắp đặt nguồn điện cả nước sẽ tăng từ 47.000 MW hiện nay, lên đến 130.000 MW vào năm 2030. Như vậy, hơn 80.000 MW nguồn điện mới cần phải được xây dựng và đưa vào vận hành trong khoảng 10 năm tới, cùng đó là các cơ sở hạ tầng truyền tải và phân phối.

su-tien-bo-cua-cong-nghe-giup-chi-phi-san-xuat-nang-luong-tai-tao-ngay-cang-reSự tiến bộ của công nghệ đã khiến chi phí sản xuất năng lượng tái tạo ngày càng rẻ

Để đạt được mục tiêu công suất nguồn điện của cả nước trong hơn 10 năm tới, Chính phủ đã có những chính sách ưu tiên đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo như: điện mặt trời, điện gió… và giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng phát điện truyền thống.

Việt Nam là quốc gia được đánh giá có nguồn năng lượng tái tạo dồi dào và đa dạng. Các nghiên cứu cho thấy đến năm 2030, Việt Nam có khả năng phát triển 20.000 MW điện gió và 35.000 MW điện mặt trời.

Việc phát triển năng lượng tái tạo, còn giúp cho Việt Nam giảm được 60% nhiên liệu nhập khẩu, cũng như giảm rủi ro từ việc biến động giá nhiên liệu.

Năng lượng tái tạo là nguồn năng lượng được dùng từ những nguyên liệu có khả năng tái tạo, phổ biến và được biết rộng rãi nhất là năng lượng gió, năng lượng mặt trời và năng lượng sinh khối. Cho dù có những lợi thế rõ nét về tác động môi trường, so với năng lượng hóa thạch (nhiệt điện than, nhiệt điện khí) hay thủy điện, năng lượng tái tạo vẫn chưa thực sự phổ biến bởi vấn đề chi phí.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của nhiều tổ chức năng lượng, chính sự tiến bộ của công nghệ đã khiến chi phí sản xuất năng lượng tái tạo ngày càng rẻ. Số liệu của hãng tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey & Company nêu rõ, tại Việt Nam giá vốn điện mặt trời đã giảm 75% và điện gió giảm 30% từ 2012-2017. Xu hướng này còn tiếp tục giảm và năng lượng tái tạo đang trở thành nguồn sản xuất điện rẻ.

Trước đó, đại diện Tổ chức tài chính quốc tế IFC từng đưa ra công thức tính chi phí năng lượng với 4 biến số phụ thuộc bao gồm: chi phí tài nguyên, chi phí công nghệ, chi phí vốn và cạnh tranh.

Là năng lượng tái tạo, chi phí tài nguyên như ánh nắng, gió, nước là không đáng kể, và không khác nhau nhiều giữa các dự án đầu tư trong khi chi phí công nghệ là yếu tố có thể cải thiện nhờ thương mại hóa, trình độ chuyên môn và quy mô dự án. Chi phí vốn là yếu tố phụ thuộc vào mức độ rủi ro của dự án. Chi phí này phụ thuộc trình độ chuyên môn của nhà đầu tư và đánh giá của nhà tài trợ. Cạnh tranh lành mạnh trong đấu thầu dự án năng lượng là yếu tố giúp giảm đáng kể chi phí đầu tư, đưa giá thành về đúng với giá thị trường.

Trên cơ sở đó, IFC đưa đề xuất giảm chi phí năng lượng bằng cách lập các dự án có khả năng được tài trợ bởi các ngân hàng quốc tế để thu hút các nhà đầu tư/phát triển quốc tế, đồng thời đấu giá mua sắm thiết bị, giải quyết các yếu tố chi phí vốn và cạnh tranh. Với cách này, sản xuất năng lượng tái tạo không còn quá nhiều cản trở so với các nguồn năng lượng khác.

Tuy nhiên, IFC cũng lưu ý rằng, chi phí dành cho năng lượng tái tạo không chỉ ở khâu sản xuất, mà còn ở khâu phân phối và truyền tải. Những chi phí đã được tính toán nói trên vẫn chưa tính đến công đoạn này. Vì thế, đây vẫn đang là một điểm nghẽn trong quá trình mở rộng đầu tư năng lượng tái tạo ở Việt Nam.

Nguồn: Petrotimes