Phát triển năng lượng tái tạo: Vấn đề là khơi thông nguồn vốn
Năng Lượng Mặt TrờiNăng Lượng Tái TạoTin Tức Năng Lượng Tháng mười một 30, 2018 Năng Lượng News
Mặc dù hiện nay, Việt Nam là nước có tỷ lệ sử dụng năng lượng tái trên tổng nguồn điện vượt xa các nước trong khu vực Asean. Tuy nhiên, trong thời gian tới với mục tiêu hạn chế nguồn năng lượng than và tăng mạnh năng lượng tái tạo đang trở thành thách thức lớn cho ngành năng lượng, đặc biệt là trong việc huy động vốn và thay đổi chính sách từ Chính phủ.
Cần gần 150 tỷ USD để đầu tư đến năm 2030
Trong thời gian qua, ngành năng lượng đã có rất nhiều đóng góp trong sự tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy, hiện nay đã có 14 triệu hộ gia đình, tương đương với 69 triệu người dân được tiếp cận lưới điện với với mức độ tiêu thụ điện thấp, bình quân 1.700 kWh/ người/năm. Tuy nhiên, số lượng này cũng chỉ bằng 1/3 mức độ tiêu thụ điện so với Trung Quốc.
Việt Nam cần nguồn vốn lớn đầu tư năng lượng tái tạo đến năm 2030.
Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển, nhu cầu sử dụng điện năng của người dân cũng theo đó tăng lên khoảng 8%/năm. Do đó, yêu cầu về tài chính của ngành điện là rất lớn. Riêng từ năm 2010 trở lại đây, Việt Nam đã đầu tư hơn 80 tỷ USD vào sản xuất, truyền tải và phân phối điện. Dự kiến, từ nay đến năm 2030 cần thêm gần 150 tỷ USD cho phát triển năng lượng để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội.
Có thể thấy, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, vì thế đòi hỏi ngành năng lượng quốc gia cũng phải xây dựng theo cơ chế thị trường, có khả năng hội nhập và thích ứng cao.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng, trong tiến trình mở rộng để tăng cường hợp tác và huy động sự hỗ trợ quốc tế cho phát triển ngành năng lượng, Việt Nam cần xây dựng một khuôn khổ để gắn kết và điều phối một cách hiệu quả, đồng bộ. Đặc biệt, là hiệu quả giữa các nguồn hỗ trợ, phát triển chính thức với các cơ chế và chính sách quốc gia; đồng thời tăng cường sự phối hợp và đối thoại trong việc sử dụng hiệu quả nguồn tài trợ ODA để phát triển ngành năng lượng một cách bền vững.
Ông Ousmane Dioen, Giám đốc Quốc gia Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, để thu hút được nguồn tài chính lớn cho đầu tư năng lượng tái tạo, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng như các bộ, ngành không thể làm một mình, mà phải thu hút sự tham gia của các đơn vị đối tác.
Ông Ousmane Dioen cũng khẳng định, WB sẽ hỗ trợ tìm kiếm để huy động nhiều hơn nguồn tài chính tư nhân và thương mại. Tuy nhiên, có 3 vấn đề cần giải quyết để huy động được nguồn vốn lớn này, bao gồm: Xây dựng triển khai các công ty phát triển điện tư nhân phục vụ cho Tổng sơ đồ điện VII; giúp doanh nghiệp nhà nước tiếp cận các nguồn tài chính thương mại thông qua việc đánh giá tín dụng và phát hành trái phiếu phi Chính phủ.
Ngoài ra, WB cũng đưa ra sáng kiến chuyển dịch năng lượng, giúp Việt Nam thực hiện kỹ thuật, tài chính để giảm sự phụ thuộc vào than trong sản xuất điện. Theo đó, 4 hoạt động chính cần triển khai song song để Chính phủ giảm phụ thuộc là phát triển năng lượng tái tạo, thúc đẩy khí hóa lỏng, tăng đầu tư hiệu quả năng lượng và thúc đẩy trao đổi điện năng khu vực, đặc biệt với Lào.
Đại WB cũng đánh giá, giá điện Việt Nam hiện nay vẫn ở mức dưới thu hồi chi phí sản xuất, trong khi EVN không được hưởng trợ cấp từ Chính phủ nên EVN và ngành điện đã cố gắng sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA. Theo WB, Chính phủ đã thực hiện đúng cam kết thực hiện lộ trình thị trường điện cạnh tranh, đến năm 2020 sẽ có thị trường bán buôn vận hành đầy đủ. Kinh nghiệm cho thấy tự do hóa thị trường là tích cực và đóng góp vận hành tốt, các công ty trong EVN có hoạt động hiệu quả về kỹ thuật.
Cần chiến lược phù hợp để phát triển năng lượng tái tạo
Liên quan đến vấn đề môi trường đối với nhiệt điện than, đặc biệt là những giải pháp cho nguồn năng lượng này trong xu thế hội nhập và thực tiễn, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho rằng, Việt Nam cần nghiên cứu cân nhắc thấu đáo bối cảnh, xu thế quốc tế và thực tiễn yêu cầu, tiềm năng trong nước để xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn năng lượng mang tính phù hợp, khả thi đảm bảo tính chiến lược bền vững với những hỗ trợ tài chính đáng kể.
“Bất kì nguồn năng lượng nào được sử dụng cũng phải tính toán dựa trên cơ sở dự trữ tiềm năng phát triển điện quốc gia. Việt Nam trước đây là quốc gia xuất khẩu năng lượng nhưng trong tương lai sắp tới sẽ phải nhập khẩu năng lượng. Do đó, Bộ Công Thương sẽ phải tìm ra giải pháp tối ưu cho các loại hình năng lượng từ thủy điện, nhiệt điện than, tuabin khí, các nguồn năng lượng tái tạo…”- Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, hiện nay chúng ta đặt ra tiêu chí trước tiên là phải đủ điện. Tiếp nữa, tiêu thụ điện đầu người hiện nay ở Việt Nam vẫn còn thấp và cần phải tăng gấp 3 lần để đạt 6.000 kWh như các nước phát triển là Hàn Quốc, Đức…Tất nhiên trong bối cảnh công nghiệp 4.0 thì tiêu thụ năng lượng có thấp hơn một chút nhưng đây là tiêu chuẩn đã được thẩm định bởi các nước công nghiệp phát triển. Vì thế, việc tìm ra cơ cấu năng lượng tối ưu cho một quốc gia là rất phức tạp. Nếu loại bỏ tất cả các nguồn có nguy cơ với môi trường thì sẽ ảnh hưởng ngay đến an ninh năng lượng quốc gia.
Trong khi đó, nhiệt điện than nếu có công nghệ tốt, đầu tư hợp lý thì hoàn toàn có thể hạn chế ô nhiễm môi trường. Hiện nay tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo tại Việt Nam (bao gồm cả thủy điện) trên tổng nguồn điện đang vượt xa các nước khu vực ASEAN. Như vậy có thể nói ta đã đi trước về việc sử dụng năng lượng tái tạo.
Đồng quan điểm với Thứ trưởng Đặng Hoàng An, ông Bruno Angelet, Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam cũng đề nghị, Việt Nam cần có chiến lược phù hợp với thực tế và có tham vọng táo bạo. Hiện tại, mức bán 1 kWh điện từ năng lượng tái tạo của châu Âu còn rẻ hơn điện than. “Không thể cải thiện ngay vấn đề nhiệt điện than nhưng cần phải tính toán. Bangladesh kém phát triển hơn mà làm được thì Việt Nam cũng làm được”, ông Bruno Angelet.
Ông Bruno Angelet cũng cho biết, Liên minh châu Âu sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng chính sách năng lượng bền vững cho tương lai, đồng thời, đưa ra những khuyến nghị chính sách nhanh nhất để thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi năng lượng Việt Nam. “Quan trọng là chiến lược năng lượng mới của Việt Nam phải toàn diện, bổ sung nguồn cung năng lượng tái tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện để tiếp nhận nguồn điện này, thực hiện cam kết để cắt giảm khí thải trên cơ sở quá trình chuyển đổi năng lượng”- ông Bruno nói.
Nguồn: Báo Lao Động Thủ Đô