Phát triển năng lượng tái tạo: Cần thêm “cú hích”
Năng Lượng Tái TạoTin Tức Năng Lượng Tháng năm 10, 2017 Năng Lượng News
Nangluong.news – Được đánh giá là quốc gia có nguồn năng lượng tái tạo phong phú, đa dạng tuy nhiên hiện nay, việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên này ở Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn. Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng 100% năng lượng tái tạo nếu được đầu tư khai thác.
Thống kê cho thấy, nước ta có tới 8,6% diện tích lãnh thổ được đánh giá có tiềm năng từ tốt đến rất tốt để xây dựng các trạm điện gió cỡ lớn. Tổng tiềm năng điện gió của Việt Nam ước đạt 513.360MW tức là bằng hơn 200 lần công suất của thủy điện Sơn La (con số này bao gồm cả gió trên biển, gió ở thềm lục địa và gió trên đất liền).
Về năng lượng mặt trời, tính từ vĩ tuyến 17 trở vào phía Nam, bức xạ mặt trời nhiều và ổn định trong suốt thời gian của năm, chỉ giảm khoảng 20% trong mùa mưa. Số giờ nắng trong năm ở miền Bắc là vào khoảng 1.500 – 1.700 giờ, ở miền Trung và miền Nam là vào khoảng 2.000 – 2.600 giờ.
Ngoài 2 nguồn năng lượng tái tạo kể trên chúng ta còn những nguồn năng lượng tái tạo khác như năng lượng sinh khối, khí sinh học, rác thải, địa nhiệt… Nguồn năng lượng về rác thải, tổng lượng rác thải toàn quốc khoảng gần 20 triệu tấn một năm, trong đó rác thải sinh hoạt chiếm 85% tương đương khoảng 15 triệu tấn/năm chủ yếu ở các khu đô thị và thành phố. Đây cũng là một nguồn đáng kể để chúng ta có thể sản xuất, biến đổi thành năng lượng.
Tiềm năng thì lớn như vậy, nhưng để có thể năng lượng tái tạo thành năng lượng thương mại là cả một bước dài. Cần phải phát triển kỹ thuật và công nghệ khai thác hiệu quả, giảm giá thành sản xuất và có cơ chế chính sách thúc đẩy hiệu quả và những hành động thực thi chính sách quyết liệt.
TS Đoàn Văn Bình – Viện trưởng Viện Khoa học Năng lượng, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam tính toán, giá đầu tư 1KW điện gió hiện nay khoảng 2.370 USD, giá thành sản xuất điện gió khoảng 10 – 12 cent/KWh tùy theo điều kiện lắp đặt. Giá đầu tư 1KWh mặt trời đã giảm gần một nửa trong 4 – 5 năm trở lại đây, từ 3.500 – 4.000 USD giảm xuống còn khoảng 1.770 – 2.200 USD tùy theo điều kiện lắp đặt.
Tuy vậy thì giá sản xuất điện mặt trời vẫn khoảng 10 – 12 cent/KWh. Rõ ràng giá sản xuất điện như thế này vẫn rất khó cạnh tranh với các dạng năng lượng truyền thống như nhiệt điện than hay thủy điện, giá thành chỉ bằng một nửa.
Vì vậy nếu không có các cơ chế chính sách thích hợp thì cơ hội cạnh tranh của các nguồn năng lượng tái tạo là rất thấp.
“Tôi tin là Chính phủ sẽ sớm ban hành cơ chế thích hợp để khuyến khích phát triển điện mặt trời để đảm bảo mục tiêu đưa tổng công suất điện mặt trời từ mức không đáng kể hiện nay lên 12.000MW vào năm 2030”, TS Đoàn Văn Bình chia sẻ.
Còn theo TS Nguyễn Thăng Long – Điều phối viên giữa Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) và Tổng cục Năng lượng trong dự án Hỗ trợ mở rộng quy mô điện gió tại Việt Nam, những tác hại nghiêm trọng của nhiệt điện than cũng như an ninh năng lượng, do đó Chính phủ cần sửa đổi một số chính sách chưa hiệu quả và đầu tư nghiên cứu, có ưu đãi đầu tư để đưa năng lượng tái tạo vào đời sống, đem đến lợi ích tốt nhất cho quốc gia và người dân.
Nguồn: Baoxaydung