Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Tại Việt Nam, các nguồn năng lượng tái tạo đang phát triển rất mạnh, đặc biệt là điện năng lượng mặt trời. Tổng công... Phát triển các nguồn năng lượng tái tạo: Nhiều giải pháp ổn định vận hành lưới điện

Tại Việt Nam, các nguồn năng lượng tái tạo đang phát triển rất mạnh, đặc biệt là điện năng lượng mặt trời. Tổng công suất lắp đặt năng lượng tái tạo mới ước đạt 7.000 MW, tăng hơn 20 lần so với thời điểm năm 2016.

Các nguồn năng lượng tái tạo “bùng nổ”, áp lực lên lưới điện truyền tải

Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo. Trong đó, theo tính toán của T  rung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia – Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVNNLDC), tiềm năng điện năng lượng mặt trời là lớn nhất với khoảng 1,1 – 1,2 ha/MW, có thể đạt xấp xỉ 380GW. Tiềm năng của điện gió trên bờ (Onshore) đạt xấp xỉ 217GW.

Theo số liệu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong nửa đầu năm 2020, có 5,41 tỷ kWh điện được huy động từ các nguồn năng lượng tái tạo, riêng điện mặt trời đạt 4,71 tỷ kWh – con số này tăng gấp 5,35 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Với các dự án nhà máy điện mặt trời mặt đất, tính đến tháng 8/2019, tổng công suất được đăng ký đã đạt xấp xỉ 32 GW, trong đó gần 1/3 con số này có thể vận hành trước năm 2025. Trong khi đó, tính đến cùng thời điểm tháng 8/2019, tổng công suất các dự án điện gió cũng có thể lên đến 10GW và xấp xỉ 5GW đã được cấp phép bổ sung vào quy hoạch.

Trong vòng 2-3 năm trở lại đây, các nguồn năng lượng tái tạo tăng trưởng rất nhanh, có thể gọi là “bùng nổ”. Thời điểm trước năm 2018, sản lượng điện mặt trời và điện gió còn thấp nhưng tính đến giữa năm 2019, đã có xấp xỉ 4,5GW điện mặt trời và 450MW điện gió đi vào vận hành. Năm 2020, tỷ lệ năng lượng tái tạo mới đã đạt trên 11%, trong đó riêng điện mặt trời đã chiếm 10,22% trong cơ cấu nguồn hệ thống điện.

phat-trien-cac-nguon-nang-luong-tai-taoNăng lượng tái tạo đang trên đà phát triển mạnh, đặc biệt là điện mặt trời

Tuy nhiên, do phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, điện mặt trời và điện gió đều tập trung tại khu vực phía Nam, bao gồm Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, đặc biệt là khu vực Nam Trung Bộ như Bình Thuận, Ninh Thuận… Sự phát triển “bùng nổ” của các nguồn năng lượng tái tạo do vậy lại đặt áp lực lên hạ tầng lưới phân phối, lưới truyền tải trong khu vực.

EVNNLDC triển khai nhiều giải pháp giúp ổn định vận hành lưới điện

Nhằm ổn định vận hành lưới điện trong bối cảnh các nguồn năng lượng tái tạo trên đà tăng trưởng, EVNNLDC đã nghiên cứu, đề xuất và thực hiện nhiều giải pháp như sử dụng công cụ AGC giúp tự động hóa quá trình ra lệnh điều khiển công suất phát điện của các nhà máy năng lượng tái tạo, hệ thống giám sát chất lượng điện năng tại A0 và Trung tâm điều độ hệ thống điện các miền… Trong đó, công cụ giám sát AGC xây dựng trên nền tảng OpenCalc thuộc hệ thống SCADA/EMS hiện hữu của EVNNLDC. Việc sử dụng công cụ AGC giúp tận dụng tối đa khả năng tải của thiết bị, minh bạch cơ chế huy động giữa các nhà máy năng lượng tái tạo, đảm bảo tính công bằng.

Trong tương lại gần, EVNNLDC sẽ nghiên cứu xây dựng các hệ thống, chẳng hạn như pin tích trữ nhằm dịch chuyển phụ tải hoặc hỗ trợ điều tần như Bess; hệ thống điện liên kết đa quốc gia như hệ thống Nordic, Nerc… EVNNLDC cũng đang tham gia nghiên cứu, xây dựng các cơ chế hỗ trợ dành cho những khách hàng mua điện từ khu vực tư nhân và các nhà cung cấp năng lượng tái tạo ký hợp đồng DPPA (hợp đồng mua bán điện trực tiếp). Cơ chế DPPA trong ngành năng lượng đã được nhiều quốc gia trên thế giới triển khai, cho phép các doanh nghiệp mua điện từ các nguồn năng lượng tái tạo với mức giá cạnh tranh hơn, song song đó tạo cơ hội kinh doanh mới cho các công nghệ năng lượng sạch.

Lưới điện vận hành ổn định là điều kiện thuận lợi để các chủ đầu tư mạnh dạn tham gia phát triển các dự án năng lượng sạch, giúp các nguồn năng lượng tái tạo tiếp tục phát triển mạnh hơn nữa ở Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường theo xu hướng của thế giới.

Nguồn: Tổng hợp