Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Nangluong.news – Mô hình thư viện được thiết kế hoàn toàn “xanh” từ nguồn vật liệu, năng lượng sử dụng đến trồng cây xanh... Nhóm sinh viên TP.HCM dành gần 100 triệu đồng tiền thưởng làm thư viện xanh

Nangluong.news – Mô hình thư viện được thiết kế hoàn toàn “xanh” từ nguồn vật liệu, năng lượng sử dụng đến trồng cây xanh trên mái.

Thành viên nhóm thuyết trình dự án trước Ban giám khảo tại cuộc thi Insee Prize. Ảnh: Ban tổ chức.

Nhóm sinh viên ĐH tài nguyên môi trường TP.HCM dành gần hết số tiền 100 triệu đồng (giải nhất cuộc thi Insee Prize) để làm thư viện xanh cho học sinh nghèo ở Bình Thuận.

Ngoài ra, Bùi Thiện Nhân – thành viên nhóm cho hay, nhóm đã gặp gỡ với một số tổ chức cộng đồng, các mạnh thường quân quyên góp hỗ trợ thêm nguồn tài chính để chính thức triển khai dự án trong thời gian sắp tới.

Trường học mà nhóm sinh viên ĐH tài nguyên môi trường TP.HCM giúp đỡ là trường tiểu học Xuân Mỹ (huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận). “Mối duyên” gắn kết các bạn sinh viên môi trường với ngôi trường khó khăn này xuất phát từ chuyến đi tình nguyện đáng nhớ.

Ba ngày làm tình nguyện với mục đích tặng 1.000 cuốn sách, nhưng nhóm nhận thấy nhà trường không có nơi để chứa sách. Không gian đọc trong trường cũng rất hạn chế. Từ đó, các thành viên nhóm nảy ra ý tưởng xây dựng một thư viện sách cho học sinh nghèo.

“Sự nhiệt tình của các thầy cô trong ban giám hiệu, tinh thần ham thích đọc sách của các em học sinh tại ngôi trường nghèo là động lực rất lớn để nhóm thực hiện ý tưởng” – Thiện Nhân bày tỏ.

Mô hình thư viện xanh được thiết kế hoàn toàn “xanh” từ nguồn vật liệu, năng lượng sử dụng đến trồng cây xanh trên mái.

Bên cạnh chức năng cơ bản là lưu trữ sách, “Thư viện xanh” độc đáo hơn với khu vực trồng thuốc nam nhằm tận dụng khoảng không gian trống trên mái nhà, vừa tạo nguồn dược liệu tại chỗ, vừa giúp các em học sinh tìm hiểu thêm về thực vật và môi trường;

Hệ thống pin năng lượng mặt trời với 5 tấm pin mặt trời công suất 1000W/tấm cung cấp điện năng để sử dụng cho toàn hệ thống và dự trữ vào ắc qui.

Hệ thống lấy sáng và đón gió tận dụng tối đa mặt kính và các cửa sổ của thư viện để đón ánh sáng. Ngoài ra, hai cửa hai bên có chức năng lưu thông dòng không khí trong thư viện, do thuộc khu vực gió quanh năm theo hướng Tây – Bắc và Đông – Nam nên quá trình thông gió cho thư viện đạt hiệu quả rất cao.

Ngoài những nét độc đáo trong xây dựng, thư viện còn là nơi áp dụng một mô hình giáo dục tiên tiến với các lớp học về kỹ năng sống, kiến thức về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu… được tổ chức định kỳ mỗi tuần.

“Với việc truyền đạt kiến thức bằng những hình vẽ sinh động hay các trò chơi vui nhộn, các em học sinh rất hào hứng. Đây là những tín hiệu rất đáng mừng về đào tạo kiến thức bảo vệ môi trường cho học sinh ở đây” – Nguyễn Vũ Luân, thành viên nhóm.

Sản phẩm của 2 sinh viên ĐH tài nguyên môi trường TP.HCM giành giải nhất cuộc thi Insee Prize. Ảnh: Hà Thế An.

Gặp nhiều thuận lợi nhưng trong quá trình thực hiện dự án, nhóm đã gặp không ít những khó khăn nhất định. Kiến thức về kiến trúc, vật liệu, thiết kể bản vẽ… để thực hiện dự án không phải thuộc chuyên môn của các thành viên nhóm vì thế, nhóm phải nhờ sự hỗ trợ của những người bạn có nhiều chuyên môn hơn.

“Nhiều hôm cùng nhau làm việc thức gần trắng đêm để thảo luận hoàn thành bản vẽ. Từ trải nghiệm đó, các thành viên mới thấu hiểu tầm quan trọng của việc làm việc nhóm” – Thiện Nhân cho biết.

Theo ông Nguyễn Công Minh Bảo, đại diện đơn vị tổ chức cuộc thi Insee Prize, giải pháp của nhóm sinh viên ĐH tài nguyên môi trường TP.HCM mang tính khả thi cao, có thể ứng dụng vào thực tế. Trong thời gian tới, Ban tổ chức cuộc thi sẽ tiếp tục hỗ trợ nhóm sinh viên triển khai dự án vào thực tế.

Nguồn: Baomoi