Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Khẩu vị của nhà đầu tư Hoa Kỳ Khẩu vị của nhà đầu tư Hoa Kỳ
Năng lượng tái tạo, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ… là những lĩnh vực được nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ... Khẩu vị của nhà đầu tư Hoa Kỳ

Năng lượng tái tạo, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ… là những lĩnh vực được nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ quan tâm hiện nay.

“Nóng” chuyện đầu tư năng lượng tái tạo

Một trong những vấn đề “nóng” được các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hoa Kỳ quan tâm tại hội thảo có chủ đề “Gặp gỡ Hoa Kỳ 2017” được tổ chức giữa tuần này tại TP.HCM, với sự tham gia của gần 200 doanh nghiệp Hoa Kỳ đang hoạt động tại Việt Nam, là các vấn đề hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Ông Freb Burke, đại diện Công ty Baker & McKenzie nhận định, năng lượng tái tạo đang là lĩnh vực đầu tư hấp dẫn nhất hiện nay. Việt Nam sẽ tránh được việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện khi chuyển sang đầu tư nhà máy điện gió, điện mặt trời.

Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn đa quốc gia có những tiêu chuẩn khắt khe về môi trường, họ muốn những tiêu chuẩn này được áp dụng trên toàn cầu. Các nhà sản xuất cũng muốn sản xuất hàng tiêu dùng sử dụng năng lượng sạch. Ví như Apple đang thực hiện cam kết đạt 100% năng lượng sạch trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì vậy, Việt Nam muốn thu hút các nhà đầu tư như Apple thì cần phải sản xuất đủ năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu của họ.

Theo lý giải của ông Burke, năng lượng tái tạo đảm bảo an ninh năng lượng và môi trường cho Việt Nam, giúp Việt Nam khai thác tiềm năng của mình và xuất khẩu nguồn năng lượng. Các nhà máy điện từ năng lượng tái tạo thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp Hoa Kỳ như First Solar và GE… Việt Nam vừa tăng giá mua điện lên 9,35 UScent/kWh. Đây là mức giá tương đối hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài do giá điện gió và điện mặt trời đã giảm xuống cùng sự phát triển của công nghệ. Tuy nhiên, Việt Nam cần có sự đảm bảo lâu dài để nhà đầu tư vay ngân hàng và tiến hành đầu tư.

Ông Jonathan Moreno, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho biết, Hiệp hội và các đối tác đang soạn thảo Kế hoạch Năng lượng sản xuất tại Việt Nam cung cấp một lộ trình cải cách cần thiết để thu hút nhà đầu tư, công ty cung ứng thiết bị, nhà sản xuất và điều hành đến từ Hoa Kỳ.

Kế hoạch này tập trung vào hiệu quả kinh tế, rủi ro thấp và tốc độ khi sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, khí đốt tự nhiên và công nghệ tiết kiệm năng lượng, nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng cao tại Việt Nam. Kế hoạch này cũng đưa ra lộ trình bảo đảm an ninh năng lượng cho Việt Nam từ năm 2018 đến năm 2030.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng, tại Việt Nam vẫn còn khoảng cách trong khuôn khổ pháp lý hiện hành khiến không ít nhà đầu tư e dè. “Nếu dự thảo thông tư quy định về phát triển dự án và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện năng lượng mặt trời (PPA) không được cải thiện thì việc phát triển và đầu tư thực tế các dự án điện mặt trời đến từ Hoa Kỳ sẽ hạn chế hơn dự kiến của Quy hoạch Phát triển Điện VII, mặc dù Việt Nam có nhiều tiềm năng để trở thành nhà sản xuất năng lượng mặt trời”, Chủ tịch AmCham nói.

Tăng đầu tư công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ

Trong khuôn khổ hội thảo, nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ cũng bày tỏ sự quan tâm đến thành phố thông minh, dự án xử lý chất thải, công nghiệp công nghệ cao… Nhiều doanh nghiệp cho rằng, dù Hoa Kỳ đã rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng quan hệ thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Trong thực tế, thời gian gần đây, lĩnh vực công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ đã xuất hiện nhiều hơn các dự án của nhà đầu tư Hoa Kỳ. Thông tin từ chủ đầu tư Dự án Sài Gòn Silicon cho biết, sau khi khởi công xây dựng tại Khu công nghệ cao TP.HCM vào nửa cuối năm 2016, đến nay, đã có nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ “đánh tiếng” về việc sẽ triển khai dự án tại đây. Theo kế hoạch, sau khi hoàn thiện hạ tầng, Dự án có thể thu hút được khoảng 20 dự án hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, với vốn đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD.

Trong khi đó, mới đây, một nhóm các nhà khoa học, doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng đã đạt được thỏa thuận bước đầu về việc triển khai dự án sản xuất kính thông minh tại Long An với vốn đầu tư hàng tỷ USD. Theo nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư, đây là dự án sản xuất công nghệ cao và khoảng 90% sản phẩm làm ra sẽ được xuất khẩu. Dự kiến, trong quý III năm nay, doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp sẽ tiếp tục làm việc với nhà đầu tư để triển khai các bước của dự án này.

Theo các doanh nghiệp, kết quả thu hút đầu tư chưa xứng với tiềm năng của 2 nước. Hiện Hoa Kỳ đứng thứ 9 trong số các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, với vốn đầu tư khoảng 10 tỷ USD theo thống kê đăng ký từ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nếu tính vốn đầu tư từ Hoa Kỳ qua những nước thứ ba, thì số vốn đầu tư phải lớn hơn, đơn cử Dự án Intel hơn 1 tỷ USD, nhưng đăng ký vốn đầu tư từ doanh nghiệp có trụ sở ở Hà Lan.

Một tin vui nữa là, trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vào cuối tháng 5/2017, các doanh nghiệp Hoa Kỳ và Việt Nam đã ký kết các hợp đồng có tổng trị giá hàng chục tỷ USD trong nhiều lĩnh vực.

Do đó, theo các doanh nghiệp, nếu các vướng mắc, nhất là những vấn đề về cơ chế, khuôn khổ pháp lý về đầu tư…, được cải thiện, thì dòng vốn đầu tư từ Hoa Kỳ chắc chắc sẽ tăng trong thời gian tới.

Nguồn tinnhanhchungkhoan.vn