Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Việt Nam đã và đang thúc đẩy hợp tác phát triển năng lượng với các nước trong khối ASEAN, đồng thời tăng cường hợp... Hội nhập năng lượng trong bối cảnh mới

Việt Nam đã và đang thúc đẩy hợp tác phát triển năng lượng với các nước trong khối ASEAN, đồng thời tăng cường hợp tác với các đối tác khác như Australia, Mỹ, Đan Mạch…

Tuy nhiên, với nhu cầu năng lượng đáp ứng cho sự tăng trưởng của nền kinh tế đang ngày càng tăng cao, đồng thời phải góp phần thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính cũng như bảo vệ môi trường, thực hiện thành công mục tiêu thiên niên kỉ và giữ vững hình ảnh Việt Nam là thành viên nghiêm túc, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, ngành năng lượng cần có chiến lược hợp tác, phát triển như thế nào nhất là trong môi trường hội nhập ngày càng mạnh mẽ? Với khách mời là ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, chương trình “Hội nhập: Thách thức và Cơ hội” phát sóng ngày 7/6 đã làm rõ chủ đề này.

Ông Trần Viết Ngãi (trái) – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam trên trường quay chương trình “Hội nhập: Thách thức và Cơ hội”

Trong thời gian qua, Bộ Công Thương và ngành năng lượng đã có những nỗ lực nhất định trong hợp tác phát triển năng lượng trong khu vực cũng như trên thế giới. Cụ thể, Việt Nam đã tham gia kí kết 11 văn kiện hợp tác năng lượng ASEAN, trong đó có một số văn kiện quan trọng đã có hiệu lực như: Hiệp định an ninh dầu khí ASEAN, Biên bản ghi nhớ về hợp tác lưới điện ASEAN, Biên bản ghi nhớ hợp tác về đường ống dẫn khí xuyên ASEAN…

Tuy nhiên, ông Trần Viết Ngãi cho rằng, nếu chúng ta vẫn giữ cách làm như hiện nay, Việt Nam sẽ tụt hậu rất xa bởi vẫn chưa đầu tư, tận dụng phù hợp khai thác nguồn năng lượng tái tạo được như năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Theo ông, Bộ Công Thương đã phấn đấu rất nhiều nhưng ngành năng lượng vẫn cần một tổ chức ngang tầm Bộ để chịu trách nhiệm về năng lượng quốc gia. Đồng thời, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng cho rằng, kinh phí của Nhà nước cung cấp cho ngành năng lượng vẫn còn eo hẹp.

Theo các chuyên gia, Việt Nam có thể sẽ vẫn duy trì những nhà máy nhiệt điện chạy than nhưng cần bổ sung vào sơ đồ điện nhiều hơn nữa những nhà máy điện chạy khí hóa lỏng, nhất là nguồn năng lượng từ mặt trời và gió.

Cùng với những cam kết giảm thiểu đáng kể lượng khí thải nhà kính tại Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu COP21, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo là một xu hướng tất yếu. Đây cũng chính là mục tiêu phấn đấu trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam.

Trước những khó khăn, thách thức trong việc đi theo xu hướng sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, theo ông Trần Viết Ngãi, Việt Nam có thể ứng phó bằng cách nhập khẩu công nghệ và nguyên liệu, từ đó tự chế tạo những bộ phận thiết yếu của những bộ máy khai thác nguồn năng lượng tái tạo.

Nguồn vtv.vn