Giảm nhiệt điện than, thay thế bằng năng lượng gì?
Tin Tức Năng Lượng Tháng mười hai 5, 2015 News Energy
Nangluong.news – Một số ý kiến chuyên gia đóng góp ý kiến cho việc hiệu chỉnh quy hoạch điện VII là giảm dần tỷ lệ nhiệt điện than. Song, ở một số nước phát triển như Pháp, Australia, tỷ lệ nhiệt điện than vẫn chiếm số lượng lớn. Việt Nam vẫn đang lúng túng trong sự lựa chọn phương án.
Giảm nhiệt điện than
Phát triển nhiệt điện than là một trong những nội dung quan trọng của Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện VII). Theo đó, đến năm 2020 tổng công suất nhiệt điện than cả nước đạt 36.000 MW, sản lượng điện đạt khoảng 156 tỷ KWh/năm (chiếm 46,8% tổng sản lượng điện quốc gia) và tiêu thụ khoảng 67,3 triệu tấn than. Đến năm 2030, tổng công suất nhiệt điện than sẽ tăng lên 75.000 MW, sản lượng điện đạt 394 tỷ kWh (chiếm 56,4% tổng sản lượng điện) và tiêu thụ 171 triệu tấn than.
Theo đại diện của Trung tâm phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) và các thành viên Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), nhiệt điện than chiếm một tỷ trọng tương đối lớn trong cơ cấu nguồn điện dự báo của quy hoạch điện VII, cả công suất và điện lượng đều chiếm hơn 50% vào năm 2030.
“Với cơ cấu nguồn như trên, Việt Nam kỳ vọng sẽ dựa vào nguồn nhiệt điện than để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển. Tuy nhiên, sự lựa chọn này cùng với những tồn tại trong phát triển thủy điện trước đây đồng nghĩa với việc chấp nhận gia tăng ô nhiễm môi trường sống”, báo cáo của GreenID nêu rõ.
Nêu lên những tác hại đến môi trường của nhiệt điện than, ông Trần Đình Sính, Phó Giám đốc GreenID cho hay, các loại độc hại CO2, NOx, SOx, PM tăng 6-7 lần từ năm 2011 đến 2030, thiệt hại kinh tế từ 1,2 tỷ USD năm 2011 lên 9 tỷ USD năm 2030.
Đặc biệt, GreenID dẫn số liệu một nghiên cứu của Đại học Harvard 2015, số người chết yểu do điện than ở Việt Nam là 6.000 người vào năm 2011 và tăng lên 26.000 người vào năm 2030.
Không chỉ gây tác hại với môi trường, xã hội, việc phát triển nhiệt điện than còn gặp phải nhiều khó khăn như khả năng cung cấp than nội địa cho điện còn hạn chế, lượng than nhập khẩu để đáp ứng cho nhiệt điện than cũng là một bài toán nan giải.
Do vậy, GreeID đề xuất, cần giảm tỷ trọng nhiệt điện than, thay vào đó là năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.
Xem lại
Đồng tình với quan điểm nhiệt điện than gây ô nhiễm lớn nhất về không khí nhưng ông Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Nhiệt học Việt Nam cho rằng, sau thủy điện thì giá điện từ nhiệt điện than là thấp nhất, khoảng 7-7,5cent/kWh, trong khi nhiệt điện khí 13-14 cent/kWh.
Tại buổi tọa đàm đóng góp ý kiến cho quy hoạch điện VII hiệu chỉnh ngày 3-12, ông Nghĩa đặt vấn đề: “Nếu không làm nhiệt điện than thì chúng ta lấy gì để cung cấp nhu cầu năng lượng điện cho xã hội và nhu cầu ấy ngày càng tăng? Có cách gì để giảm bớt nhiệt điện than không?”.
Hiện ở Việt Nam tổng nhiệt điện than chiếm chưa đến 20% tổng lượng điện nhưng ở Mỹ, tỷ lệ này vẫn là 40%. Hay như Australia, 82% sản lượng điện của nước này đến từ nhiệt điện than. Đây đều là những nước rất chú trọng đến vấn đề môi trường, do vậy, những con số mà GreenID đưa ra về số người chết yểu vì nhiệt điện than ông Nghĩa cho rằng cần tính toán lại.
“Đề xuất giảm nhiệt điện than là đúng bởi nguồn than nhập khẩu khó, nhưng nếu đặt ra như một chủ trương là tiến tới tăng năng lượng khác khi những nguồn năng lượng này cho giá thành lớn thì cần phải xem lại”, ông Nghĩa nói.
Cũng theo ông Nghĩa, năng lượng tái tạo nếu làm được thì rất tốt, hiệu quả nhưng cũng cần phải lưu ý. Tỷ trọng năng lượng táo tạo trong tổng năng lượng quốc gia rất ít, trong khi nhu cầu năng lượng của quốc gia lớn, đóng góp năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng bé. Nếu tập trung cho năng lượng tái tạo quên năng lượng lớn khác thì đất nước không phát triển được.
Vấn đề thứ 2 là, giá năng lượng tái tạo bao nhiêu thì chấp nhận được chứ không thể làm năng lượng tái tạo bằng mọi giá.
“Ví dụ, giá thành sản xuất điện gió vào khoảng trên 8cent/kWh và yêu cầu được bù giá. Tuy nhiên, nước ta còn nghèo nếu làm điện gió mà phải bù giá thì không nên làm”, ông Nghĩa nêu quan điểm.
PGS. TS Nguyễn Minh Duệ, Hội Kinh tế Việt Nam đánh giá, nhiệt điện than đã đóng góp rất lớn cho phát triển và đến năm 2030, tỷ lệ nhiệt điện than vẫn chiếm 60,3%.
“Vấn đề là làm thế nào giảm phát thải nhà kính và các ô nhiễm khác. Mặt khác, giá than nhập khẩu ngày càng tăng, than trong nước không đủ cung cấp. Nếu dùng than nhập, giá thành 1kWh từ nhiệt điện than lên tới 8-9 cent thì quá cao. Việc hạn chế nhiệt điện than, tăng năng lượng tái tạo và các nguồn khác cần được tính toán hợp lý”, PGS. TS Nguyễn Minh Duệ cho hay.
Nguồn: Báo Hải Quan