EU thúc đẩy năng lượng tái tạo
Tin Tức Năng Lượng Tháng Một 29, 2018 Năng Lượng News
EU thúc đẩy năng lượng tái tạo
Ghị viện EU thông báo, đến năm 2030, nguồn năng lượng sạch sẽ chiếm 35% tổng năng lượng của châu Âu, tuy nhiên mục tiêu này vẫn chưa có hiệu lực pháp lý.
Một turbine gió ở ngoài khơi trên biển Pháp. Ảnh: TL
Các nhà lập pháp châu Âu ủng hộ các biện pháp góp phần đạt được những tham vọng về năng lượng sạch của EU một cách bền vững. Theo quan điểm của Nghị viện châu Âu, vào năm 2030, 1/3 lượng năng lượng tiêu thụ của EU là từ những nguồn năng lượng tái tạo, như điện gió và điện mặt trời, thay vì mục tiêu đề ra là 1/4 như hiện nay.
Áp dụng những biện pháp này, EU mong muốn cắt giảm sự ô nhiễm khí thải carbon dioxide. Với lượng phát thải 10% ô nhiễm toàn cầu, EU hiện là một trong ba nguồn phát thải khí nhà kính của thế giới, sau Trung Quốc và Mỹ. Tại Thoả thuận biến đổi khí hậu Paris năm 2016, các chính phủ EU đã cam kết vào năm 2030 sẽ cắt giảm ô nhiễm khí nhà kính xuống ít nhất 40% so với những năm 1990. Hiện mục tiêu này vẫn giẫm chân tại chỗ.
Tháng trước, để đạt được mục tiêu này, các thành viên Liên minh châu Âu đã bỏ phiếu để đảm bảo đến mốc thời gian 2030, 27% tổng nhu cầu mọi nguồn năng lượng – và một nửa yêu cầu điện năng – có thể từ nguồn điện gió, điện mặt trời và sinh khối, chứ không phải là năng lượng hạt nhân. Đây là mục tiêu mang tính ràng buộc về mặt pháp lý. Tuy nhiên, một vài thành viên ban chuyên gia về công nghiệp, nghiên cứu và năng lượng của Nghị viện châu Âu cho rằng, mục tiêu này vẫn còn dè dặt.
Glen Peters, một chuyên gia về chính sách khí hậu tại trung tâm Nghiên cứu môi trường và khí hậu quốc tế tại Oslo, Na Uy, nhận xét: “Việc gia tăng tham vọng chính trị về cắt giảm ô nhiễm không khí của Nghị viện châu Âu, là một tin tốt đối với châu Âu và thế giới”. Ông cũng cho biết thêm, hiện cả thoả thuận ràng buộc về mặt pháp lý hiện tại, lẫn bản dự thảo về các biện pháp thúc đẩy năng lượng sạch, cũng không đề cập đến việc các quốc gia thành viên EU sẽ cắt giảm khí thải nhà kính bằng cách nào. Do đó “chỉ có thời gian mới cho thấy, sự kết hợp của các chính sách có đủ hiệu lực để góp phần làm giảm ô nhiễm hay không”.
EU cũng có mục tiêu ngắn hạn về năng lượng tái tạo: năm 2020, năng lượng sạch chiếm 20% tổng năng lượng và mục tiêu này vẫn duy trì không thay đổi, EU dường như đang có nhiều cơ hội thuận lợi để đạt được con số này. Năng lượng từ nguồn năng lượng tái tạo đã tăng lên gấp đôi kể từ năm 2004, chiếm 17% tổng lượng tiêu thụ năng lượng (bao gồm cả cung cấp nhiệt năng và vận tải).
Ở một vài quốc gia EU, năng lượng sạch đang chiếm ưu thế: 50% nhu cầu năng lượng của Thuỵ Điển là từ năng lượng tái tạo, Phần Lan là 40%, còn ở Đức, chính phủ đang thực thi các kế hoạch tăng cường năng lực về năng lượng tái tạo cho vài thập kỷ tới… Cũng có nhiều chỉ trích về mặt trái của chính sách năng lượng tái tạo vì lo ngại rằng, mục tiêu mà Nghị viện châu Âu đặt ra có thể khiến một số quốc gia sản xuất nhiều điện năng hơn từ nguồn năng lượng sinh khối – hoạt động có thể làm gia tăng ảnh hưởng đến môi trường và phát thải khí carbon.
Hơn 700 nhà khoa học đã viết thư gửi Nghị viện châu Âu vào tuần trước, để thuyết phục họ cấm sử dụng biện pháp năng lượng sinh khối này. Nhưng “Dự thảo luật” lại không đề xuất cấm hoàn toàn năng lượng sinh khối, mà chỉ đề cập việc “ưu tiên” đốt các chất gỗ thải và mùn cưa. Ông Felix Creutzig, chuyên gia về sử dụng đất tại viện Nghiên cứu Mercator về biến đổi khí hậu và những vấn đề toàn cầu (Berlin, Đức) cho biết: “Việc cho phép đốt cả cây gỗ để sản xuất năng lượng tái tạo sẽ tạo ra một lượng khí carbon gây hại cho khí hậu trong nhiều thập kỷ tới. Đây là một ý tưởng sai lầm”.
Dẫu sao thì bản dự thảo luật đã cấm việc dùng dầu cọ – vẫn bị cho là làm phá rừng, dùng vào việc sản xuất ra nhiên liệu sinh học sau năm 2021. Malaysia đã phản đối ý định này của Nghị viện châu Âu, bởi đây là quốc gia xuất khẩu dầu cọ lớn nhất vào châu Âu.
Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu về việc nâng cao các mục tiêu về năng lượng và đem lại hiệu lực pháp lý. Với kế hoạch về năng lượng hiện nay, các thành viên của nghị viện cần đạt được 30% hiệu quả năng lượng từ năng lượng tái tạo trong các toà nhà và tiêu thụ hàng hoá sau năm 2021; Nghị viện châu Âu hiện cũng đề xuất tăng thêm 5% hiệu suất năng lượng nữa.
Nguồn khoahocphattrien.vn