Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Để giữ mọi chuyện đơn giản và dễ hiểu, hãy gói gọn bài bình luận này về một lục địa, trong một tuần: Bắc... Đừng cảnh báo về biến đổi khí hậu nữa, nó đang diễn ra rồi kìa

Để giữ mọi chuyện đơn giản và dễ hiểu, hãy gói gọn bài bình luận này về một lục địa, trong một tuần: Bắc Mỹ bảy ngày vừa qua.

Ở Houston, người ta đang phải bắt tay vào làm những công việc nặng nề và kém phần lãng mạn để phục hồi từ cái mà các nhà kinh tế gọi là “Cơn bão tốn kém nhất lịch sử Hoa Kỳ”, hay “Trận mưa lớn nhất từng được ghi nhận trong lịch sử quốc gia” theo cách gọi của các chuyên gia thời tiết. Tại phần lớn những nơi nó đi qua, nó là cơn bão 25.000 năm có một, nghĩa là quay lại 12 lần kể từ ngày sinh của Đấng Christ; tại một số nơi, nó là cơn bão 500,000 năm có một, tức đâu đó lúc chúng ta còn đang sống trên cây. Trong khi đó, San Francisco không chỉ phá kỷ lục nhiệt độ cao nhất mọi thời đại, mà còn bỏ xa nó tới 3 độ F, một số liệu gần như không tưởng tại nơi đã giữ vững kỷ lục trong suốt 150 năm (tức 55.000 ngàn ngày).

dung-canh-bao-ve-bien-doi-khi-hau-nua-no-dang-dien-ra-roi-kia

Đợt nóng này cũng phá vỡ các kỷ lục dọc bờ Tây, trừ ở một số vùng nơi mà đám khói từ trận cháy rừng khủng khiếp đã tạo ra bóng đen che khuất mặt trời – gây ra bởi một trận cháy rừng mà bằng cách nào đó đã bật nhảy một cách thần kỳ sang tận bờ bên kia của sông Columbia, để mang đám cháy từ Oregon tới tận Wasington. Các cư dân của vùng Tây Nam Thái Bình Dương nói rằng bụi rơi dày đặc từ trên trời xuống khiến họ liên tưởng đến ngày ngọn núi lửa Helens phun trào hồi năm 1980.

Cũng đợt nóng này, đi sâu thêm một chút vào nội địa, đã gây ra trận hạn hán chớp nhoáng dọc theo vành đai lúa mì ở Bắc Dakota và Montana. Sự bốc hơi từ nhiệt độ kỷ lục đã làm giảm sản lượng hạt trên thân lúa đến mức một số người nông dân còn chẳng đoái hoài gì đến việc thu hoạch. Ở Đại Tây Dương, Irma đang băng qua các hòn đảo vùng Caribbean. Một cư dân ở St Maarten bàng hoàng kể lại với cách so sánh đầy thú vị: “…như kiểu có gã nào đó trên trời đã ghé qua hòn đảo cùng với một cái máy cắt cỏ”. Là cơn bão cấp độ 5 đầu tiên đi vào Cuba trong một thế kỷ qua, giờ nó đang bận rộn tàn phá bờ Tây Florida sau khi lập kỷ lục về áp suất không khí thấp nhất từng được ghi nhận tại Keys và cũng nhẹ nhàng phá vỡ luôn kỷ lục 10 ngày tuổi về thiệt hại kinh tế mà Harvey vừa lập; nó hẳn sẽ thay đổi đời sống tâm lý của Florida trong vài thập kỷ tiếp theo.

Mà nhân tiện, khi Irma đang còn xoay như bông vụ, thì cơn bão đi sau Jose đã dần thành một cơn bão lớn, trong khi ở Vịnh Mexico, Katia cũng đang tích tụ để trở thành một cơn bão kinh hoàng, trước khi lao vào lục địa Mexico gần như chính diện, băng qua bán đảo tại nơi mà trận động đất mạnh nhất trong vòng 100 năm đã tước đi hàng chục mạng người.

Hãy bỏ qua cơn động đất, mỗi một sự kiện này phù hợp với những gì mà các nhà khoa học và nhà môi trường đã dành 30 năm tuyệt vọng để nói cho chúng ta nghe về hậu quả của sự nóng lên toàn cầu, còn có những bằng chứng khá thuyết phục về việc biến đổi khí hậu đang gây ra nhiều hoạt động địa chấn hơn nhưng chẳng cần phải đi xa tới vậy.

Những tin tức dày đặc tại một lục địa trong một tuần qua chính là bức họa chính xác và sống động về một thế giới đang nóng lên. Bởi chúng ta đã đốt quá nhiều dầu khí ga và than đá, chúng ta đã thổi những đám mây khí CO2 và Methane khổng lồ vào không trung; bởi cấu trúc của những phân tử này lưu trữ nhiệt làm hành tinh nóng lên; bởi vì hành tinh nóng lên, chúng ta nhận được những trận mưa lớn hơn, những cơn gió mạnh hơn, những cánh đồng và khu rừng khô cằn hơn. Chẳng có gì bí ẩn cả, chẳng một tẹo nào. Nó chẳng phải một chuỗi vận xui. Nó chẳng phải Donald Trump. Nó cũng chẳng phải lửa địa ngục được gửi xuống để trừng phạt chúng ta. Nó là vật lý.

Có lẽ nó hơi quá khi hi vọng rằng lời cảnh báo của các nhà khoa học sẽ thực sự khiến người ta thay đổi. Nó chắc cũng giống các cảnh báo sức khỏe nói rằng bạn nên ăn ít khoai tây chiên và uống ít soda hơn, điều mà nhìn vào vòng eo là có thể đoán được chúng ta chẳng thèm quan tâm. Cho đến lúc, biết đâu đấy, bạn đi gặp bác sĩ và ông ta bảo: “Anh gặp rắc rối rồi”. Không phải kiểu “cứ ăn tùm bậy đi rồi anh sẽ có chuyện sớm thôi”, mà là “Anh đã gặp rắc rối ngay hôm nay rồi đấy, ngay bây giờ. Tôi thấy giống như anh đang có vài cơn đột quỵ nhỏ”. Bão Harvey và bão Irma giống như một vài cơn thiếu máu chớp nhoáng – gương mặt bên trái của bạn đang vặn vẹo, nhưng bạn vẫn có thể sống tiếp nếu bạn bắt đầu uống thuốc, ăn uống đàng hoàng, tập luyện và chỉnh đốn lại bản thân.

Đó là giai đoạn hiện tại của chúng ta – không chỉ là cảnh báo trên bao bì gói thực phẩm bạn mua, mà là trận ho liên hồi đi kèm theo máu. Nhưng nếu bạn cứ tiếp tục hút thuốc thì sao? Bạn sẽ thảm hơn, cho đến lúc không thể hơn được nữa. Chúng ta đã tăng nhiệt độ của Trái Đất lên hơn 1 độ C, vừa đủ lượng nhiệt để gây ra nỗi kinh hoàng mà chúng ta đang chứng kiến. Và với động lực đã được gắn dính vào hệ thống, chúng ta sắp đạt gần 2 độ C, dù chúng ta có làm gì đi nữa. Điều đó được xem là tồi tệ hơn so với hiện tại, nhưng có thể sẽ chịu được về lâu dài dù có hơi tốn kém.

Vấn đề là lộ trình “kinh doanh như thường” sẽ dẫn ta đến với một thế giới ấm hơn 3,5 độ C. Điều đó nghĩa là, kể cả khi chúng ta giữ những lời đã hứa tại Paris, lời hứa mà ông Donald Trump đã phủ nhận, chúng ta vẫn sẽ tạo ra một hành tinh nóng đến mức chẳng còn nền văn minh nào có thể sống nổi. Chúng ta cần phải nắm lấy thời điểm hiện tại – khi ta đang trong cơn sợ hãi và dễ tổn thương – rồi dùng nó để định hướng lại chính mình. Trong ba năm gần đây, mỗi năm đều phá vỡ kỷ lục về năm nóng nhất từng được đo, chúng chính là tấm biển báo động với dòng cảnh báo “Cho mày chừa”. Không phải uốn cong lộ trình theo như những gì mà Hiệp định Paris đưa ra, mà là phải đồng thời dẫm mạnh cái phanh nhiên liệu hóa thạch ngừng ngay sử dụng chúng và đứng trên máy gia tốc năng lượng mặt trời.

“Đây là cuộc đua với thời gian. Nóng lên toàn cầu là cuộc khủng hoảng có giới hạn – giải quyết nó sớm, hoặc không cần phải giải quyết”.

Chúng ta có thể làm được điều đó. Nó không phải bất khả thi về về công nghệ, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chúng ta có thể đạt đến tỉ lệ 100% năng lượng tái tạo với chi phí chấp nhận được, khi mà giá của các tấm pin mặt trời và cối xoay gió đang tiếp tục giảm mạnh.

Elon Musk cho thấy rằng bạn có thể sản xuất ồ ạt xe điện với giá ít gây sốc nhất. Ở các vùng xa xôi ở Châu Phi và Châu Á, người dân đã bắt đầu bỏ qua việc dùng nhiên liệu hóa thạch và đi thẳng đến mặt trời. Đan Mạch đã bán nhà máy dầu cuối cùng và dùng tiền đó để xây thêm các cối xoay gió. Có đủ các ví dụ để làm cho nỗi thất vọng dường như là sự trốn tránh hèn nhát. Nhưng tất cả mọi người, ở tất cả mọi nơi phải chuyển mình với tốc độ tương tự vì đây thực sự là một cuộc chạy đua với thời gian. Nóng lên toàn cầu là cuộc khủng hoảng đầu tiên có kèm theo giới hạn – giải quyết nó sớm, hoặc không cần phải giải quyết. Thắng chậm rãi chỉ là một kiểu thua khác mà thôi.

Chiến thắng đủ nhanh nghĩa là phải chống lại ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch, thế lực mạnh nhất quả đất. Đó là trì hoãn các doanh nghiệp và chuyển hướng chi tiêu của người khác. Điều này nghĩa là bước vào trình trạng như đang chiến tranh: không bắn vào kẻ thù, nhưng phải tập trung như cách mà các dân tộc và các quốc gia chỉ tập trung khi ai đó bắn vào họ. Mà đúng là có điều gì đó đang làm thế đấy. Bạn nghĩ xem nó có ý nghĩa gì khi những khu rừng bốc cháy, đường sá chìm dưới nước và các tòa nhà của bạn đang sụp đổ.

Nguồn vnreview.vn