Điều đáng kinh ngạc mà tàu vũ trụ Juno của NASA vừa làm được, từ 2,7 tỷ km chỉ còn vài chục km
Tin Tức Năng LượngỨng Dụng Năng Lượng Mặt Trời Tháng bảy 6, 2016 Năng Lượng News
Nangluong.news – Juno là một trong những sứ mệnh đặc biệt của NASA, là điều khó khăn nhất mà NASA từng làm được.
Ngày hôm nay, Google thay đổi doodle của mình để chào mừng một sự kiện vô cùng quan trọng của ngành hàng không vũ trụ. Đó là việc tàu vũ trụ Juno của NASA đã chính thức tiếp cận được Sao Mộc, sau khi trải qua một chặng đường rất dài cùng không ít khó khăn.
Doodle mới của Google chào mừng sự kiện đặc biệt này.
Bay trong vũ trụ với vận tốc 265.000 km/h, tàu vũ trụ Juno hướng đến một trong những đệm khí xoáy khổng lồ của Sao Mộc và nó sẽ không có cơ hội thứ hai. Nếu như động cơ Leros 1b, mà được chuẩn bị cho thời khắc này, đốt cháy quá lâu thì Juno sẽ bị nuốt chửng vào xoáy khí khổng lồ của Sao Mộc.
Tàu vũ trụ Juno dang những tấm pin năng lượng Mặt Trời, chuẩn bị tiếp cận quỹ đạo Sao Mộc.
Nhưng nếu động cơ này phóng trong khoảng thời gian quá ngắn, Juno sẽ bị ném trở lại vào không gian và biến mất mãi mãi. Chỉ một sai lầm nhỏ cũng có thể khiến cho cả sứ mệnh quan trọng này thất bại.
Và thật tuyệt vời khi vào đêm ngày 4 tháng 7, động cơ Leros 1b đã phóng chuẩn xác trong tổng cộng 2.102 giây. Đưa tàu vũ trụ Juno tiếp cận quỹ đạo của Sao Mộc một cách hoàn hảo, đây là lần đầu tiên một tàu thăm dò có thể bay vào quỹ đạo của Sao Mộc.
Tàu Juno trong Phòng thí nghiệm Jet Propulsion, California
Trở lại Trái đất, các kỹ sư tại Phòng thí nghiệm Jet Propulsion, California đã rất mừng rỡ trước thành công này. Trong vòng 5 năm qua, một đội ngũ gồm 300 nhà khoa học đã dẫn đường cho Juno để đến được với Sao Mộc.
900 kỹ sư khác tham gia vào việc thiết kế và chế tạo tàu Juno. Trong giây phút mà tàu Juno tiếp cận được quỹ đạo của Sao Mộc, giám sát viên chính của dự án là ông Scott Bolton hưng phấn và nói với các kỹ sư khác:
“Các bạn vừa làm được điều khó khăn nhất mà NASA từng làm”.
Tàu Juno được đưa vào ống chân không khổng lồ để thử nghiệm.
Đó là sự thật. NASA đã mất tới gần một thập kỷ để chế tạo một chiếc tàu vũ trụ có thể ‘sống sót’ trước bức xạ nhiệt rất mạnh của bầu khí quyển Sao Mộc. Sau đó phải đưa con tàu này vào vũ trụ, giúp nó bay qua quãng đường 2,7 tỷ km trong 5 năm. Cuối cùng là thực hiện một màn chốt hạ mà chỉ cần sai một chút thôi là tất cả các công sức trước đây đều vứt bỏ.
Trên thực tế, tàu Juno cũng xác định sẽ không thể quay trở về, đồng nghĩa với việc 1,1 tỷ USD của NASA sẽ bị thiêu rụi bởi bức xạ Sao Mộc. Ngay cả khi đã được trang bị một lớp vỏ titan dày 1cm, tàu Juno cũng sẽ không thể chịu được bức xạ Sao Mộc quá 20 tháng.
Tấm pin năng lượng Mặt Trời của Juno có kích thước bằng cả sân bóng rổ.
Do đó, nhiệm vụ tiếp theo của tàu Juno phải được gấp rút tiến hành trước khi thời hạn đến. Với các cảm biến và camera, tàu vũ trụ này sẽ thu thập dữ liệu bầu khí quyển của Sao Mộc và tìm dấu hiệu của oxy.
Tuy nhiên do bức xạ mạnh, nên tàu Juno sẽ không thể gửi các dữ liệu về Trái đất ngay lúc này. Mà các nhà khoa học sẽ phải đợi đến cuối tháng 8 để nhận được các dữ liệu quan trọng này. Sau đó, Juno sẽ tiến tới tầng quỹ đạo thấp hơn của Sao Mộc.
Sao Mộc là gã khổng lồ trong hệ Mặt Trời của chúng ta, với trọng lượng gấp 2,5 lần tổng trọng lượng của tất cả các hành tinh khác cộng lại. Các nhà khoa học không hy vọng tìm được dấu hiệu sự sống tại đây, nhưng Sao Mộc vẫn có rất nhiều điều bí ẩn cần được khám phá.
Tiếp cận Sao Mộc (Jupiter) là sứ mệnh quan trọng trong việc khám phá hệ Mặt Trời của chúng ta.
Đó là sự tồn tại của khí hydro ở áp suất rất lớn của hành tình này, hay việc tồn tại từ trường cực mạnh, các đám mây xoáy khí khổng lồ cũng là bí ẩn thú vị. Và điều đặc biệt, đó chính là hệ thống các mặt trăng.
Trong đó, mặt trăng Europa được quan tâm nhiều nhất. Bởi vệ tinh nhỏ nhất của Sao Mộc này có rất rất nhiều nước. Hầu hết nước ở dạng băng và đó là những khối băng khổng lồ giống như cả một đại dương.
Rất có thể sau khi tiếp cận được Sao Mộc, NASA sẽ tiếp tục sứ mệnh thăm dò mặt trăng Europa để tìm kiếm kỹ hơn dấu hiệu của sự sống. Juno là một sứ mệnh đặc biệt của NASA, chứng minh rằng chúng ta có thể tiếp cận những hành tinh ở xa hơn nữa trong vũ trụ.
Nguồn: Genk (Tham khảo: arstechnica)