Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Điện mặt trời: Giải pháp cho áp lực cung – cầu năng lượng Điện mặt trời: Giải pháp cho áp lực cung – cầu năng lượng
Nhu cầu năng lượng của Việt Nam được dự báo sẽ tăng vọt trong thập kỷ này, tăng thêm áp lực về cán cân... Điện mặt trời: Giải pháp cho áp lực cung – cầu năng lượng

Nhu cầu năng lượng của Việt Nam được dự báo sẽ tăng vọt trong thập kỷ này, tăng thêm áp lực về cán cân cung – cầu. Điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo đang được xem là một giải pháp giúp giảm bớt áp lực đó.

Hai xu hướng ảnh hưởng đến nhu cầu năng lượng

Trong những năm qua, nhu cầu năng lượng của Việt Nam không ngừng tăng lên, mức tiêu thụ điện năng trên đầu người của Việt Nam hiện đạt khoảng hơn 2.000 kWh/năm. Có nhiều tín hiệu chỉ ra rằng nhu cầu điện năng sẽ tăng cao hơn nữa vào thời gian tới. Số liệu do Nhóm nghiên cứu vĩ mô của Fitch Solutions công bố, nhu cầu năng lượng của Việt Nam sẽ tăng vọt, tăng bình quân 6,7% trong giai đoạn 2019-2028.

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, có hai xu hướng quan trọng đang và sẽ tác động rất lớn đến nhu cầu điện trong nước:

  • Làn sóng dịch chuyển sản xuất từ các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ… sang các nước khu vực Đông Nam Á và Nam Á, trong đó có Việt Nam. Xu hướng này bắt đầu từ vài năm trở lại đây, khi các nhà đầu tư nhận thấy “đại công xưởng của thế giới” đang quá lớn và bắt đầu đi đến giới hạn, cần phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng để phân tán rủi ro. Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung và dịch COVID-19 khiến xu hướng này càng gia tăng mạnh mẽ. Sự mở rộng khu vực công nghiệp và sản xuất với mục tiêu định vị Việt Nam là “công xưởng sản xuất mới” của thế giới kéo theo nhu cầu năng lượng tăng cao. Trong tương lai, nếu Việt Nam “đón sóng” thành công, nhiều khả năng sẽ có sự đổ bộ của những ngành công nghiệp tốn kém năng lượng, nhu cầu điện phục vụ sản xuất sẽ càng tăng cao hơn nữa.

dien-mat-troi-giai-phap-cho-ap-luc-cung-cau-nang-luong-1Việt Nam đang thu hút vốn FDI và có nhiều lợi thế để đón làn sóng dịch chuyển đầu tư (Ảnh internet)

  • Sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế nội tại: Vài năm trở lại đây, Việt Nam đã nhận thấy rõ ràng sự cần thiết của việc thay đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế để chủ động thích ứng trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Theo đó, nền kinh tế phải từng bước chuyển dịch sang chiều sâu, từ dựa vào thâm dụng lao động và tài nguyên thiên nhiên hướng sang thâm dụng vốn, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Khi cấu trúc nền kinh tế thay đổi theo hướng này, sẽ có những nhân tố mới xuất hiện như chuyển đổi số, sản xuất thông minh, đô thị thông minh, tiêu dùng thông minh… Kéo theo đó, nhu cầu điện sẽ tăng lên, cả trong sản xuất và sinh hoạt.

Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam tại Diễn đàn Năng lượng Việt Nam 2020 mới diễn ra, trong năm nay, Việt Nam cơ bản vẫn có thể đảm bảo nhu cầu điện. Nhưng từ năm 2021 trở đi, nguy cơ thiếu điện đang trở nên hiện hữu. Đặc biệt, tình trạng thiếu điện ở miền Nam có thể tăng cao hơn và kéo dài trong 5 năm tiếp theo. Rõ ràng, lệch cán cân cung – cầu năng lượng đang tạo áp lực rất lớn, không chỉ cho ngành điện mà cho cả an ninh năng lượng quốc gia.

Sự kỳ vọng vào điện mặt trời và năng lượng tái tạo

Hiện tại, các nguồn điện truyền thống như nhiệt điện, thủy điện hầu như đã được khai thác hết hoặc có giới hạn phát triển. Việc phát triển các loại điện sử dụng nguyên liệu than, dầu thô hay khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cũng đặt ra nhiều vấn đề, điển hình là sự phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu và rủi ro tăng giá, nhất là khi nhu cầu năng lượng của thế giới cũng tăng cao và các nguồn năng lượng hóa thạch, thủy năng của hành tinh ngày càng trở nên khan hiếm. Hơn nữa, biến đổi khí hậu đang ngày càng tác động lớn đến cuộc sống của con người. Do đó, điện mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo khác như điện gió, điện sinh khối… trở thành một trong những giải pháp hiệu quả nhất lúc này.

dien-mat-troi-giai-phap-cho-ap-luc-cung-cau-nang-luong-2Điện mặt trời đang được kỳ vọng sẽ giảm bớt sự chênh lệch cung – cầu năng lượng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia

Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển điện mặt trời và điện gió. Thời gian qua, nhờ những cơ chế, chính sách khuyến khích của Nhà nước, ngành năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện năng lượng mặt trời đã có bước phát triển nhảy vọt. Từ con số 0 trước năm 2016, tính đến tháng 5/2020, tổng công suất điện gió và điện mặt trời được đưa vào vận hành đã lên đến 5.400 MW, chưa kể 15.500 MW đã được bổ sung vào quy hoạch. Tính riêng điện mặt trời, hiện Việt Nam có 92 dự án đã vận hành thương mại với tổng công suất 4.693 MW và 135 dự án được bổ sung vào quy hoạch. Việt Nam đang là một trong những thị trường năng lượng tái tạo sôi động nhất trong khu vực.

Điện mặt trời tại Việt Nam không chỉ thu hút sự tham gia của khối tư nhân, các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài với các dự án lớn mà còn đang phát triển rộng khắp với các hệ thống điện mặt trời áp mái. Sự phát triển mạnh mẽ của điện năng lượng mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt gánh nặng của sự lệch pha cung – cầu và các nguy cơ cho an ninh năng lượng quốc gia.

Để điện mặt trời và năng lượng tái tạo tại Việt Nam phát triển đúng với tiềm năng, vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Tuy nhiên, với những tín hiệu đáng mừng thời gian qua, có thể tin tưởng rằng, năng lượng sạch sẽ tiếp tục được phát triển, mang lại những lợi ích thiết thực cho tăng trưởng kinh tế, cuộc sống con người và sự bền vững của hệ sinh thái.

Nguồn: Vuphong.vn