Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Trong nửa đầu năm 2022 đầu tư cho năng lượng tái tạo đã đạt 226 tỷ USD Trong nửa đầu năm 2022 đầu tư cho năng lượng tái tạo đã đạt 226 tỷ USD
Trong 6 tháng đầu năm 2022, đầu tư toàn cầu vào năng lượng tái tạo đã đạt 226 tỷ USD, tăng 11% so với... Trong nửa đầu năm 2022 đầu tư cho năng lượng tái tạo đã đạt 226 tỷ USD

Trong 6 tháng đầu năm 2022, đầu tư toàn cầu vào năng lượng tái tạo đã đạt 226 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021. Đầu tư vào các dự án năng lượng mặt trời đạt mức kỷ lục 120 tỷ USD trong khi điện gió thu hút 84 tỷ USD.

Đầu tư cho năng lượng tái tạo tiếp tục lập kỷ lục

Số liệu báo cáo của BloombergNEF, đầu tư vào năng lượng tái tạo trên toàn cầu đã đạt kỷ lục mới trong 6 tháng với 226 tỷ USD nửa đầu năm 2022, phản án sự quan tâm mạnh mẽ hơn lúc nào hết của các nhà đầu tư đối với năng lượng sạch. So với cùng kỳ năm ngoái, tổng đầu tư vào năng lượng tái tạo 6 tháng đầu năm nay đã tăng 11%.

Trong đó, các khoản đầu tư vào năng lượng mặt trời đạt 120 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2021, còn vốn tài trợ cho các dự án điện gió tăng 16%, đạt 84 tỷ USD. Bất kể những thách thức do sự gia tăng chi phí đầu vào của các vật tư chính, gián đoạn chuỗi cung ứng và chi phí tài chính cao hơn, cả điện mặt trời và điện gió đều tăng trưởng.

Sự gia tăng này được hỗ trợ một phần bởi nguồn vốn của các quỹ đầu tư mạo hiểm và quỹ đầu tư tư nhân (PE), với tổng cộng 9,6 tỷ USD – tăng 63% so với cùng kỳ năm 2021. Theo ông Albert Cheung, Trưởng bộ phận phân tích của BloombergNEF, bất chấp những khó khăn đang được gây ra bởi lạm phát cũng như những thách thức trong chuỗi cung ứng, nhu cầu đối với các nguồn năng lượng sạch chưa bao giờ cao hơn thời điểm hiện tại và cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu được kỳ vọng sẽ tiếp tục là nhân tố thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch.

dau-tu-cho-nang-luong-tai-tao-Đầu tư cho năng lượng tái tạo tiếp tục lập kỷ lục trong nửa đầu năm 2022 (Ảnh minh họa internet)

Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu về dòng vốn đầu tư, ở cả điện mặt trời và điện gió. 41 tỷ USD được đầu tư vào các dự án năng lượng mặt trời quy mô lớn và 58 tỷ USD được đầu tư vào các dự án điện gió tại quốc gia này. Trung Quốc được nhận định đang trên đà đạt được mục tiêu tổng công suất 1.200 GW gió và năng lượng mặt trời vào năm 2030 để đáp ứng các mục tiêu giảm phát thải.

Sự gia tăng nhanh chóng của dòng vốn đầu tư cho gió ngoài khơi là một điểm đáng chú ý. Đầu tư vào gió ngoài khơi trong nửa đầu năm nay lên tới 32 tỷ USD – tăng đến 52% so với cùng kỳ năm trước. Theo chuyên gia phân tích của BloombergNEF, các khoản đầu tư năm 2022 sẽ đổ vào các dự án sẽ đi vào vận hành trong vài năm tới, vì dự báo công suất lắp đặt gió ngoài khơi đến năm 2035 sẽ tăng gấp 10 lần do với năm 2021 – từ 53 GW lên 504 GW. Anh, Pháp, Đức chỉ là một số quốc gia đã tăng mục tiêu công suất gió ngoài khơi trong nửa đầu năm 2022, báo hiệu sự hỗ trợ hơn nữa đối với đầu tư vào công nghệ. Trong giai đoạn hiện tại, vốn tài trợ cho dự án Trang trại gió ngoài khơi Yangjiang Yangxi Shapa Qingzhouwu công suất 1 GW của Trung Quốc đang là thỏa thuận lớn nhất.

Đầu tư cho năng lượng sạch năm 2022 dự kiến đạt 1.400 tỷ USD

Theo một báo cáo mới của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), đầu tư vào năng lượng toàn cầu được dự đoán sẽ tăng 8% vào năm 2022, đạt 2.400 tỷ USD, với sự gia tăng chủ yếu là năng lượng sạch – dự kiến đạt 1.400 tỷ USD.

Trong vòng 5 năm sau khi Hiệp định Paris được ký kết (năm 2015), đầu tư vào năng lượng sạch chỉ tăng khoảng 2% mỗi năm. Nhưng kể từ năm 2020, vốn đầu tư vào năng lượng sạch đã tăng nhanh đáng kể lên 12%, nhờ sự hỗ trợ tài chính từ các chính phủ, xu hướng tài chính bền vững, đặc biệt là ở các nền kinh tế tiên tiến. Năng lượng tái tạo, lưới điện và lưu trữ năng lượng hiện chiếm hơn 80% tổng vốn đầu tư của ngành điện. Đầu tư cho điện mặt trời, pin và xe điện hiện cũng đang tăng tốc để phù hợp với mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 trên toàn cầu vào năm 2050.

dau-tu-cho-nang-luong-tai-tao-Đầu tư cho năng lượng sạch hàng năm (Nguồn ảnh IEA)

Tuy nhận định rằng đây là một bước đi đúng hướng nhưng IEA cũng cảnh báo rằng, đầu tư vào năng lượng tái tạo vẫn chưa đạt mức cần thiết để đáp ứng các mục tiêu khí hậu quốc tế.

Tại Việt Nam, năng lượng tái tạo vẫn đang là lĩnh vực hấp dẫn các nhà đầu tư, đặc biệt khi Việt Nam đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ hiện thực hóa các cam kết về ứng phó biến đổi khí hậu tại Hội nghị COP 26 cũng như đang có những bước tiến trong tiến trình chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng, ưu tiên các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, phát thải thấp.

Theo Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo bao gồm thủy điện, điện gió, điện mặt trời, sinh khối đến năm 2030 sẽ chiếm ít nhất 33% tổng sản lượng điện phát. Đến năm 2050, tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo chiếm ít nhất 55% trong tổng sản lượng điện phát.

Để đạt được mục tiêu này, cần nguồn vốn đầu tư rất lớn. Nhận định từ nhiều chuyên gia trong ngành, cơ chế, chính sách rõ ràng, mang tính chắc chắn và lâu dài sẽ thu hút thêm nguồn vốn đầu tư trong lĩnh vực năng lượng sạch, từ đó có thể duy trì thị trường phát triển trong dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu điện cũng như mục tiêu phát triển kinh tế bền vững cho Việt Nam.

Nguồn: https://vuphong.vn/dau-tu-cho-nang-luong-tai-tao/