Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp kết hợp với đầu tư năng lượng mặt trời được đặt ra như... Đầu tư năng lượng mặt trời kết hợp với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Côn Đảo

Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp kết hợp với đầu tư năng lượng mặt trời được đặt ra như một giải pháp đúng đắn và phù hợp đối với huyện Côn Đảo.

Việt Nam là một đất nước nông nghiệp, nền kinh tế lấy nông nghiệp làm nòng cốt. Tuy nhiên, việc phát triển hạ tầng đô thị và các khu công nghiệp khiến diện tích đất canh tác nông nghiệp dần bị thu hẹp. Sản lượng nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh. Ngược lại với xu hướng đó, nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ nông nghiệp tăng nhanh chóng qua các năm. Để đáp ứng nhu cầu đó, sản xuất nông nghiệp cần ứng dụng các giải pháp công nghệ cao nhằm tăng năng suất, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Xu hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Hiện nay, ngành nông nghiệp trên thế giới đang phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, chuyển sản xuất nông nghiệp sang sản xuất mang tính công nghiệp mà điển hình là ngành nông nghiệp Israel, Nhật, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan… Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cũng đang khuyến khích các hộ gia đình, các tổ chức trong và ngoài nước đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng này. Đây là hướng đi đúng, thúc đẩy phát triển nông nghiệp sạch phục vụ cho người tiêu dùng và xuất khẩu.

dau_tu_nlmt_1

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp có thể đem lại năng suất tăng gấp 5 – 10 lần.

Một số thiết bị hiện đại như nhà kính, nhà lưới, hệ thống điều khiển chế độ tiểu khí hậu, hệ thống cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, hệ thống tưới nước… được áp dụng trong sản xuất những sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao. Khi trồng rau, hoa trong nhà kính hay nhà lưới và áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật tiên tiến sẽ tạo được môi trường tốt cho cây trồng sinh trưởng và phát triển. Nhờ đó, năng suất có thể đạt gấp 5-10 lần so với canh tác truyền thống. Công nghệ sản xuất này đã được khuyến khích ứng dụng tại TP. HCM, Bình Dương, Lâm Đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu,… đem lại năng suất khá cao, chất lượng tốt, bảo đảm về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nằm cách xa đất liền 97 hải lý. Chính vì thế, thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hướng đi đúng và cần thiết. Mô hình sản xuất này vừa cung cấp một phần rau quả sạch, an toàn cho cư dân và khách du lịch; vừa tạo điều kiện cho người dân được học tập kỹ thuật sản xuất rau, quả, vật nuôi theo hướng sạch, an toàn; đồng thời cũng là nơi tham quan cho các đoàn khách du lịch khi đến đảo.

Ứng dụng như thế nào ở Côn Đảo?

Với khoảng 7000 người trên đảo và trên dưới 100.000 khách du lịch mỗi năm thì việc đảm bảo an ninh năng lượng và nguồn cung cấp tại chỗ về lương thực thực phẩm cho Côn Đảo là rất quan trọng; đặc biệt trong những mùa mưa bão, đảo có thể bị cô lập bởi thiên tai.

Hơn nữa, Côn Đảo có tiềm năng điện gió, điện năng lượng mặt trời (ĐMT) rất lớn. Mặc dù đã và đang được Chính phủ quan tâm phát triển song những nguồn năng lượng này chưa được khai thác và sử dụng hiệu quả. Chính vì vậy, bên cạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Côn Đảo còn phải khai thác tối đa nguồn năng lượng tự nhiên như điện mặt trời, điện gió, biomass, nước mưa… để phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái.

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở Côn Đảo kết hợp cùng với các giải pháp tiết kiệm năng lượng nằm trong mối quan hệ tương hỗ, cùng nhau phát triển, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho quân dân hải đảo.

Hàng chục ha đất để lắp đặt tấm năng lượng điện mặt trời có thể tận dụng để xây dựng nhà lưới, nhà kính ươm trồng hoa, rau sạch và an toàn. Sự kết hợp này sẽ làm giảm khá nhiều chi phí đầu tư nhà lưới, tận dụng nguồn điện giá rẻ, và cơ sở vật chất khác phục vụ cho sản xuất nông nghiệp tại đây.

Theo quyết định số 1518/QĐ-TTg của Thủ Tướng chính phủ phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo đến năm 2030 là khu kinh tế, du lịch hiện đại tầm cỡ quốc tế với quy mô dân số đến 2020 là hơn 20.000 người. Khi đó, nhu cầu lương thực thực phẩm sẽ tăng với quy mô lớn hơn nhưng diện tích đất cho sản xuất nông nghiệp còn rất ít (nhất là khi đất núi, đất rừng chiếm 90% diện tích đảo). Do vậy, đầu tư năng lượng mặt trời kết hợp với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất so với sản xuất truyền thống, ổn định nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm, điện năng và giảm giá thành sản xuất điện là một vấn đề hết sức cần thiết mang lại hiệu quả to lớn cho quần đảo trong tăng trưởng phát triển xanh, bảo vệ môi trường bền vững, đưa Côn Đảo trở thành đảo Zero Carbon.

Nhận thức đựợc vấn đề này, Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh cùng các Hiệp hội Năng lượng tái tạo và các công ty Hàn Quốc sử dụng nguồn vốn tăng trưởng xanh của chính phủ Hàn Quốc đầu tư cho lưới điện thông minh trên đảo và đầu tư nhà máy phát điện mặt trời, điện gió, biomass, khu nông nghiệp công nghệ cao, cùng với việc sử dụng chiếu sáng tiết kiệm điện bằng đèn LED phục vụ cho hệ thống đèn đường và sản xuất nông nghiệp. Từ đó, dự án sẽ xây dựng một mô hình độc đáo về sự kết hợp giữa năng lượng ĐMT sản xuất điện cho đảo, và sử dụng nước mưa cung cấp cho khu nông nghiệp công nghệ cao.

Thiện Minh – Anhsangonline