COP21: Saudi Arabia bị chỉ trích vì cản trở thỏa thuận toàn cầu
Tin Tức Năng Lượng Tháng mười hai 11, 2015 News Energy
Nangluong.news – Saudi Arabia, quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, đang bị chỉ trích là trở ngại chính cho thỏa thuận toàn cầu về chống biến đổi khí hậu.
Theo chuyên gia về môi trường Pascal Canfin, thuộc Viện Tài nguyên Thế giới (World Resources Institute), Saudi Arabia đã ngăn cản đồng thuận trên hầu hết các chủ đề.
Thành viên tổ chức phi chính phủ Action Aid, Harjeet Singh phê phán Saudi Arabia “tìm mọi cách làm suy yếu thỏa thuận, để thỏa thuận này ít ảnh hưởng nhất đến nền kinh tế của họ.”
Hiện dầu mỏ chiếm tới hơn 90% nguồn thu nhập của Saudi Arabia, nền kinh tế lớn nhất trong các nước Arab. Với dự trữ dầu thô được chứng minh lên tới 267 tỷ thùng, Saudi Arabia là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới và sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai trên thế giới.
Ông Harjeet Singh cho rằng Saudi Arabia sẽ mất rất nhiều nếu nền kinh tế thế giới chuyển sang nguồn năng lượng sạch và do vậy nước này đang là trở ngại lớn nhất tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) đang diễn ra ở Pháp.
Tại COP21, Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia Ali al-Naimi tuyên bố ông ủng bộ việc chuyển đổi sử dụng năng lượng từ dầu mỏ sang khí đốt, nguồn năng lượng mà Saudi Arabia cũng có trữ lượng rất lớn, cũng như sử dụng các công nghệ thu gom và cất giữ các khí thải của nhiên liệu hóa thạch.
Mặc dù Saudi Arabia cam kết thúc đẩy sử dụng năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió, nhưng ông al-Naimi vẫn kêu gọi chính sách giảm khí thải không nên có sự phân biệt đối xử với bất cứ nguồn năng lượng nào.
Các chuyên gia môi trường cho rằng dù quan điểm rất cứng rắn, nhưng Saudi Arabia khó có thể cản trở hội nghị COP21 đạt thỏa thuận vào phút chót.
Tại các hội nghị của Liên hợp quốc về biến đối khí hậu, không quốc gia nào có quyền phủ quyết dù rằng mọi thỏa thuận phải dựa trên cơ sở đồng thuận rộng rãi.
Ông Safa Al Jayoussi, người phát ngôn tổ chức bảo vệ môi trường Indy Act, cho rằng Saudi Arabia luôn nói rằng nước này đại diện cho tiếng nói của các nước Arab, nhưng thực tế Riyadh không phản ánh đúng hết quan điểm của các nước Arab, chẳng hạn như Maroc và Jordan, những nước rất tích cực ủng hộ phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.
Thỏa thuận khí hậu COP21 tại Paris sẽ là một khuôn khổ chung cho hành động của các nước trong 15 đến 20 năm tới. Thời gian có ý nghĩa quyết định với tương lai nhân loại.
Thỏa thuận này được hy vọng sẽ mang lại động lực quan trọng cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, giúp cho thế giới tránh được các hậu quả khó lường do Trái Đất nóng lên do sử dụng các năng lượng hóa thạch.
Nguồn: vietnamplus.vn