Chỉ với 1 chai nước nhựa bỏ đi, đây là cách giúp cho 1 tỷ người trên thế giới có điện thắp sáng
Ứng Dụng Năng LượngỨng Dụng Năng Lượng Mặt Trời Tháng tám 5, 2017 News Energy
Nangluong.news – Khoảng 1,2 tỷ người trên thế giới trên toàn thế giới đang không có điện để sử dụng. Vấn đề này có thể được giải quyết bằng những chai nhựa và dung dịch nước tẩy trắng.
Trong nỗ lực mang lại ánh sáng cho những cộng đồng thiếu điện, một dự án tiên phong đã sử dụng một công cụ không ngờ tới: những chai nhựa cũ.
Liter of Light, một dự án của tổ chức phi lợi nhuận MyShelter Foundation của Philippines, cung cấp ánh sáng đến cho các hộ nghèo trên toàn thế giới nơi có ít điện hoặc không có điện để sử dụng – bằng cách thu gom các chai nhựa, đổ đầy nước và chất tẩy trắng và dán chúng vào mái nhà. Các chai dung dịch nước tẩy trắng khúc xạ ánh sáng ngoài trời vào nhà, thắp sáng căn nhà gần giống như một bóng đèn.
Nhà sáng lập MyShelter, Illac Diaz, nói về những khu vực nghèo ở Philippines: “Ở đây các ngôi nhà ở quá sát nhau đến mức không có cửa sổ – bạn có thể nhìn thấy những khu ổ chuột lợp mái tôn bằng sắt. Nó chống mưa tốt, nhưng khiến cho ánh sáng không thể lọt vào, kể cả ban ngày.”
Tuy nhiên, những ‘bóng đèn’ làm từ những chai nhựa đựng dung dịch nước tẩy trắng – ban đầu được nghĩ ra bởi công nhân cơ khí người Brazil Alfredo Moser, người đã làm việc với MyShelter để đưa chúng đến với người nghèo trên khắp thế giới – có một nhược điểm lớn: Chúng chỉ hoạt động khi mặt trời chiếu sáng.
Để giải quyết vấn đề này, tổ chức MyShelter đã thêm một cơ chế để những chai nhựa này hoạt động vào ban đêm như những chiếc đèn năng lượng mặt trời. Bằng cách cho một ống nghiệm chứa một bóng đèn LED nhỏ vào chai và nối với một bảng năng lượng mặt trời mini, chai nhựa vẫn có thể khúc xạ ánh sáng bên ngoài vào ban ngày, nhưng cũng được sử dụng như một bóng đèn vào buổi tối.
Ngoài việc sử dụng những chiếc chai nhựa phát sáng và bóng đèn năng lượng mặt trời vào ban đêm, MyShelter cũng chuyển đổi đèn dầu hỏa thành đèn năng lượng mặt trời.
Kể từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 2012, Liter of Light đã cung cấp ánh sáng cho 850.000 hộ gia đình trên hơn một chục quốc gia bao gồm Philippines, Ai Cập và Colombia. Theo Diaz, những chai nhựa phát sáng chiếm 5% tổng số đèn, phần còn lại bao gồm những chai nhựa chứa bóng đèn LED, đèn dầu hỏa và đèn đường đều phát sáng nhờ năng lượng mặt trời.
Vào năm 2014, 1,2 tỷ người sống trong tình trạng thiếu điện trên toàn thế giới. Những chai nước phát sáng của Liter of Light đem đến một giải pháp rẻ tiền và dễ làm tại nhà. Chúng cũng là một sự thay thế cho đèn dầu thường được sử dụng bởi các hộ nghèo trên khắp thế giới thay cho đèn điện, nhưng loại đèn này có nguy cơ gây hỏa hoạn và thải ra các khí gây hại cho sức khỏe con người, theo WHO.
Để tạo ra các chai nhựa phát sáng, người dân chỉ cần trộn 3ml chất tẩy trắng vào 1l nước. Một dung dịch như vậy có thể được sử dụng trong vòng 5 năm, sau đó chỉ cần thay bằng dung dịch mới và tiếp tục sử dụng.
Điểm mạnh của Liter of Light
Theo Diaz, đối với những chiếc đèn được chuyển đổi thành năng lượng mặt trời, tổ chức của anh đào tạo phụ nữ tạo ra các mạch điện từ con số không. Những người phụ nữ này sau đó bán những chiếc đèn cho các ngôi làng với giá khoảng 10 USD/chiếc, tạo thu nhập và đảm bảo rằng người dân địa phương biết cách chế tạo và sửa chữa chúng.
Tổ chức MyShelter còn đảm bảo rằng tất cả các nguyên liệu làm đèn đều có nguồn gốc từ địa phương, và đăng những videos trên Youtube để dạy mọi người cách làm chúng. Đối với Diaz, điều quan trọng nhất là đối phó với một vấn đề phổ biến trong cách dự án chống đói nghèo: tính bền vững.
Diaz chia sẻ: “Nếu bạn không thể tạo ra nó và sửa chữa nó ở ngay chính ngôi làng, thì không có cách nào khiến người dân độc lập được. Thị trường có sẵn những thành phần đơn giản – những người phụ nữ thậm chí có thể lấy chúng từ những bãi phế liệu đồ điện tử. Chúng tôi muốn tạo ra một cuộc cách mạng mặt trời từ dưới lên.”
Một vấn đề khác mà Liter of Light có thể giải quyết được với những chiếc đèn làm từ chai là chất thải nhựa. Bằng cách tận dụng các chai nhựa bỏ đi, họ đặt mục tiêu giảm rác thải ở cộng đồng nơi họ hoạt động.
Theo bản báo cáo của Ocean Conservancy năm 2015, có 5 quốc gia đóng góp hơn ½ rác thải nhựa thải ra đại dương trên toàn thế giới, bao gồm cả Philippines, quê hương của Diaz.
Diaz chia sẻ: “Chai nhựa có ở khắp mọi nơi. Chúng tôi sinh sống trên một hòn đảo, và chúng tôi là một trong những quốc gia thải rác nhựa ra biển và đóng góp vào chất thải nhựa đại dương.”
Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2016, đại dương nhận thêm khoảng 8 triệu tấn chất thải nhựa mỗi năm. Điều đó giống như việc đổ một xe tải chở rác nhựa ra đại dương mỗi phút.
Diaz ước tính rằng thông qua những chiếc đến phát sáng, tổ chức của anh đã tái chế được hàng trăm nghìn chai nhựa. Nhưng họ vẫn chưa đến được với nhiều người như mong đợi ban đầu. Trong năm 2013, Liter of Light đã đặt mục tiêu tiếp cận với 1 triệu người vào năm 2015. Nhưng bây giờ họ hy vọng đạt được mục tiêu đó vào năm 2020.
Theo Diaz, làm những chiếc đèn từ chai nhựa là một việc ai cũng có thể làm, “Bạn cần phải hiểu rằng cái khó ló cái khôn: Những người nghèo đã dựa vào ý tưởng của chúng tôi để biến thành công việc kinh doanh năng lượng mặt trời của chính họ.Đó là điều chúng tôi muốn. Một quốc gia của các nhà kinh doanh về năng lượng mặt trời, thay vì việc họ cần phụ thuộc vào tổ chức của chúng tôi.”
K Nguyễn
Theo Thời Đại