Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vào ngày 14/10/2020, điện mặt trời hiện là nguồn điện rẻ nhất ở... Điện mặt trời đang có chi phí thấp nhất trong lịch sử

Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vào ngày 14/10/2020, điện mặt trời hiện là nguồn điện rẻ nhất ở nhiều quốc gia trên thế giới và đang có chi phí thấp nhất trong lịch sử.

Ánh sáng mặt trời là nhiên liệu miễn phí, vô tận, tuy nhiên công nghệ cần thiết để chuyển hóa chúng thành điện năng phục vụ cho cuộc sống của con người thì lại rất tốn kém. Chính vì vậy, để khuyến khích người dân và các doanh nghiệp tham gia phát triển điện mặt trời, tận dụng nguồn năng lượng sạch này nhằm hạn chế điện từ các nguồn nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm môi trường, nhiều quốc gia đã và đang điều chỉnh chính sách, đưa ra các cơ chế ưu đãi để giảm chi phí mua thiết bị.

Theo báo cáo của IEA, hiện nay, đã có hơn 130 quốc gia ban hành và thực hiện chính sách nhằm giảm chi phí xây dựng cho các cơ sở lắp đặt năng lượng mặt trời. Đây cũng là năm đầu tiên trong báo cáo Triển vọng Năng lượng Thế giới hàng năm của IEA xem xét các chính sách giảm chi phí xây dựng các cơ sở khai thác năng lượng mặt trời. Chi phí năng lượng mặt trời theo ước tính của IEA đã giảm từ 20-50% tại mỗi khu vực so với năm 2019.

Báo cáo của IEA cho biết, với việc chi phí tiếp tục giảm, năng lượng mặt trời đang trên đà tiến đến vị trí cao nhất trong các nguồn cung cấp điện năng. IEA dự báo, trong thập kỷ tới, điện năng lượng mặt trời có khả năng sẽ chiếm lĩnh thị trường. Một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy điều này là những nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại tình trạng biến đổi khí hậu đang tác động nghiêm trọng đến đời sống của con người. Cách đây 2 năm, vào năm 2018, Liên minh châu Âu (EU) đã đặt mục tiêu sử dụng năng lượng tái tạo lên 32% vào năm 2030.

chi-phi-lap-dien-mat-troiChi phí ngày càng giảm, điện mặt trời ngày càng được nhiều gia đình và doanh nghiệp đầu tư (Ảnh: Vũ Phong Solar)

Theo số liệu thống kê của IEA, chi phí xây dựng các nhà máy điện mặt trời thấp hơn so với các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than hoặc khí tại hầu hết các quốc gia trên thế giới. Cụ thể, tại các thị trường lớn nhất thế giới về năng lượng mặt trời như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ, chi phí phát điện trung bình ở các dự án năng lượng mặt trời mới được hoàn thành trong năm nay là 35-55 USD/MWh (megawatt giờ). Chi phí này ở mức 100 USD/MWh cách đây 4 năm và cách đây một thập kỷ lên tới 300 USD/MWh.

Trong khi đó, chi phí sản xuất điện tại các nhà máy điện chạy bằng than hiện dao động trong khoảng 55-150 USD/MWh. Theo dự đoán của IEA, việc sử dụng than và các nguồn nhiên liệu hóa thạch sẽ không thể quay trở lại huy hoàng như trước khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, kể cả khi nền kinh tế thế giới được phục hồi vào năm tới.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhu cầu về điện đang giảm. Tuy nhiên, IEA kỳ vọng rằng, khi đại dịch được kiểm soát và nền kinh tế phục hồi, tăng trưởng trở lại, nhu cầu sử dụng điện của người dân cũng sẽ phục hồi nhanh chóng. Cơ quan này cũng dự đoán các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời, sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ kỷ lục nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân trong thời gian tới.

Tại Việt Nam, chi phí lắp đặt hệ thống điện mặt trời cũng đã giảm mạnh so với cách đây 3-4 năm. Chi phí lắp đặt hệ thống giảm, trong khi Việt Nam có điều kiện khí hậu rất thuận lợi để phát triển điện mặt trời, đặc biệt là khu vực phía Nam, giúp thời gian hoàn vốn điện mặt trời chỉ còn khoảng 5-6 năm (tùy công suất, chất lượng hệ thống cũng như thời gian, mức độ sử dụng điện). Điện mặt trời áp mái vì vậy đang được nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp lựa chọn. Bạn có thể tham khảo bảng giá lắp điện mặt trời 2020 cho các hộ gia đình, doanh nghiệp để dự trù kinh phí và tiến hành lắp đặt để kịp hưởng giá bán điện mặt trời FIT 2 theo cơ chế ưu đãi của Chính phủ (thời hạn áp dụng chính sách giá FIT 2 theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg là trước ngày 31/12/2020).

Nguồn: Tổng hợp