Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Biến đổi khí hậu là ‘mẹ của mọi thảm hoạ’ quốc gia Biến đổi khí hậu là ‘mẹ của mọi thảm hoạ’ quốc gia
Nangluong.news – Nếu đạt được một thỏa thuận và cam kết mạnh mẽ tại hội nghị về chống biến đổi khí hậu toàn cầu COP... Biến đổi khí hậu là ‘mẹ của mọi thảm hoạ’ quốc gia

Nangluong.news – Nếu đạt được một thỏa thuận và cam kết mạnh mẽ tại hội nghị về chống biến đổi khí hậu toàn cầu COP 21 sắp diễn ra tại Paris (Pháp) trong tháng tới, chúng ta có thể hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn cho nhân loại.

 

Để đáp ứng nhu cầu kinh tế, con người đang phát thải ngày càng nhiều CO2

Để đáp ứng nhu cầu kinh tế, con người đang phát thải ngày càng nhiều CO2

Tờ Time dẫn một báo cáo cho biết, biến đổi khí hậu đã đẩy hơn 100 triệu người trên Trái Đất lâm vào cảnh nghèo đói. Nhưng Mỹ và Trung Quốc, hai cường quốc phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, dường như lại đang dửng dưng trước những thảm họa tiệm cận sự tồn vong của con người.

Đối với Mỹ, biến đổi khí hậu không nằm ở khái niệm trách nhiệm. Mặc dù vậy, quốc gia này đang dần coi đó là một nguy cơ đối với an ninh quốc gia.

Với quân đội Mỹ, biến đổi khí hậu giống như một số nhân đầy thử thách và làm trầm trọng thêm những mối đe dọa vốn đã tồn tại bấy lâu tại nhiều khu vực trên thế giới. Trong một thế giới đầy rẫy những cuộc chiến và an ninh bảo mật cao, các quyết định chỉ được thực hiện khi có những đánh giá cẩn thận và chắc chắn trước những rủi ro tiềm ẩn. Vậy phải chăng, biến đổi khí hậu chính là “mẹ” của tất cả những rủi ro đó?

Như lời cảnh báo của Tổ chức liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) hồi năm ngoái cảnh báo, nếu không có hành động thích đáng nào trước tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay, thế hệ con cháu chúng ta sẽ phải đối mặt với những “tác động nghiêm trọng, lan tràn và khó có thể đảo ngược”.

Thách thức không gọi riêng ai

Không phải ai khác khi chính nước Mỹ cũng đang là nạn nhân từ những tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu. Chỉ tính riêng 2014 đã có 8 hình thái thời tiết và khí hậu khắc nghiệt xảy ra trên khắp nước Mỹ. Thiệt hại đo được thậm chí đã vượt trên con số 1 tỷ USD.

Bang California là một bang chủ lực trong nền kinh tế Mỹ cũng đang phải hứng chịu nhiều cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Vừa qua, California đã phải trải qua một trong những đợt hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử. Chưa kể những dự báo về tình trạng nước biển dâng lên cũng khiến nhiều người lo ngại về số phận của cư dân sinh sống ven biển và các căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ.

 

Các thành phố ven biển là nơi bị ảnh hưởng của nước biển dâng nặng nhất

Các thành phố ven biển là nơi bị ảnh hưởng của nước biển dâng nặng nhất

Trong khi đó, Trung Quốc, quốc gia có tỷ lệ phát thải khí nhà kính cao nhất thế giới hiện nay (25%) cũng không phải ngoại lệ. Vấn đề thấy rõ nhất chính là hiện tượng ô nhiễm khói bụi tại các thành phố lớn, ô nhiễm nguồn nước, đất ở các thành phố công nghiệp và tình trạng hạn hán xảy ra triền miên tại nhiều vùng canh tác nông nghiệp.

Theo một báo cáo gần đây, chỉ tính riêng khí thải tại Trung Quốc đã bằng lượng khí thải của Mỹ và Châu Âu cộng lại. Cũng theo báo cáo, tính tới năm 2029, lượng khí thải toàn cầu sẽ đạt tới 43,2 tỷ tấn và riêng Trung Quốc đã chiếm tới 12,7 tỷ tấn (29,3%). Nguyên nhân phần lớn nằm ở cơn khát năng lượng của “gã khổng lồ” Châu Á.

Tại Trung Quốc, nhiệt điện từ than là nguồn cung cấp năng lượng hàng đầu. Tuy nhiên đây cũng chính là căn nguyên của tình trạng ô nhiễm khói bụi tại nước này. Chưa kể, các nhà máy tại đây cũng góp phần tạo lên 37% lượng CO2 phát thải trên toàn cầu. Ấy vậy nhưng quốc gia 1,35 tỷ dân vẫn tiếp tục lên kế hoạch xây dựng thêm 155 nhà máy nhiệt điện mới trong thời gian tới, New York Times cho hay.

Ô nhiễm khói bụi tại Thượng Hải (Trung Quốc)

Ô nhiễm khói bụi tại Thượng Hải (Trung Quốc)

Theo bản báo cáo của các nhà năng lượng khoa học và khí hậu phát hành năm 2013, nếu nhu cầu than vẫn tiếp tục tăng và 1200 nhà máy nhiệt điện than dự kiến sẽ xây dựng trên toàn thế giới, nhiệt độ Trái Đất có thể tăng thêm 6 độ C vào năm 2100. Trước đó, các nhà khoa hoc từng dự đoán nhiệt độ trái đất chỉ có thể tăng thêm tối đa 2 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp.

Do đó nếu như vượt mức này, con người sẽ phải hứng chịu những thảm họa khí hậu khắc nghiệt và nhiều loài có thể bị tuyệt chủng hàng loạt.

Giải pháp nào cho Mỹ và Trung Quốc?

Mới đây, một nhóm lưỡng đảng bao gồm 48 nhà lãnh đạo chính sách đối ngoại và an ninh của Mỹ đã ban hành một tuyên bố kêu gọi các cấp lãnh đạo cao nhất của nước này, cũng như các doanh nghiệp cần có biện pháp hành động cụ thể nhằm chống lại biến đổi khí hậu.

May thay, các tuyên bố thỏa thuận trên sẽ được đem lên bàn nghị trình của Mỹ tại Paris (Pháp) vào đầu tháng tới. Hiện đã có hơn 150 quốc gia đã tham gia đệ trình kế hoạch chống lại biến đổi khí hậu với những cam kết cắt giảm khí thải khá mạnh mẽ.

Chỉ có cắt giảm phát thải mới làm giảm tình trạng nóng dần lên

Chỉ có cắt giảm phát thải mới làm giảm tình trạng nóng dần lên

Vào cuối tháng 8 vừa qua, Mỹ lần đầu tiên công bố bản kế hoạch lộ trình cắt giảm khí nhà kính trong khoảng từ 26 – 28% từ nay tới năm 2025. Bản kế hoạch phần nào đã nhận được sự ủng hộ và tán thành từ các Đảng trong quốc hội Mỹ và công chúng quan tâm.

Trước đó hồi cuối tháng Sáu, Trung Quốc đã soạn thảo một văn kiện đặt mục tiêu cắt giảm khí CO2 từ nay tới năm 2030 đạt 60 – 65%. Có thể nói, đây là mức cam kết mạnh mẽ nhất từ trước đến nay của một quốc gia, đặc biệt là quốc gia có đóng góp phần lớn vào hiện tượng biến đổi khí hậu.

Một số các quốc gia khác như Nhật Bản cam kết tới năm 2030, cắt giảm 26% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với năm 2005. Trong khi đó, EU cam kết cắt giảm 40% so với mức năm 1990 và Việt Nam là 8% từ nay tới năm 2030, và có thể giảm tiếp nếu như nhận được hỗ trợ từ quốc tế.

Thoả thuận trên của các quốc gia và cộng đồng sẽ là kim chỉ nam đặc biệt cho những thay đổi to lớn trong nhận thức của nhân loại với biến đổi khí hậu. Và chính những cam kết này cũng sẽ là lợi ích đạt được cho mỗi quốc gia, kể cả Mỹ. Một cam kết toàn cầu tại Paris (Pháp) trong thời gian tới sẽ mở ra một lộ trình đổi mới năng lượng sạch tại Mỹ, giúp đem lại sự kiểm soát tối đa an ninh năng lượng.

Tính tới 2014, Mỹ hiện đang là nhà đầu tư năng lượng tái tạo lớn thứ hai thế giới. Vào tháng Chín vừa qua, chính quyền Tổng thống Obama cũng đã tiến hành tài trợ số tiền lên tới 120 triệu USD cho những phát kiến đổi mới năng lượng tái tạo.

Nếu con người hôm nay không thay đổi, hậu thế sẽ gánh chịu những "khoản nợ" rất nặng nề

Nếu con người hôm nay không thay đổi, hậu thế sẽ gánh chịu những “khoản nợ” rất nặng nề

 

Ngoài ra tháng trước, 81 công ty với hơn 9 triệu lao động ở 50 tiểu bang của Mỹ đã cùng nhau ký vào Đạo luật kinh doanh chống lại biến đổi khí hậu. Đạo luật này nhằm ủng hộ cho những nỗ lực đầy tham vọng tại hội nghị COP 21 và yêu cầu các công ty cần đầu tư hơn nữa cho năng lượng tái tạo. Với doanh thu tổng cộng lên tới 3 nghìn tỷ USD/năm, sự ủng hộ từ những công ty này một lần nữa đại diện cho những chuyển biến trong nhận thức chống biến đổi khí hậu của cả nước Mỹ.

Còn đối với Trung Quốc, đây sẽ là một cuộc chiến dài trong nhận thức của một nền kinh tế luôn khao khát tăng trưởng bằng mọi giá, thậm chí là đánh đổi cả môi trường và sức khoẻ người dân. Ngay cả khi đưa ra những cam kết mạnh mẽ nhưng chính giới chức Trung Quốc cũng đang mâu thuẫn trong suy nghĩ cho rằng, thuỷ điện có thể thay thế cho nhiệt điện để đáp ứng nhu cầu năng lượng.

Nếu hai cường quốc về phát thải khí nhà kính có thể đặt bút ký vào bản thỏa thuận tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP 21) trong đầu tháng tới, đây sẽ là một chìa khóa quan trọng đưa nhân loại bước sang một trang mới.

Tiến Thanh