5 người Việt ở Hàn Quốc đưa máy phát điện tới Trường Sa
Tin Tức Năng LượngỨng Dụng Năng Lượng Mặt Trời Tháng năm 4, 2016 Năng Lượng News
Nangluong.news – “Khi chúng tôi đến gần nhà giàn DK1-17, bất ngờ sóng nổi lên rất mạnh, xuồng đập vào chân nhà giàn khiến anh em phải quay ra”, Trần Hải Linh, Chủ nhiệm Quỹ Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam ở Hàn Quốc, kể về hành trình gian nan đưa máy phát điện quang năng tới Trường Sa.
Anh Trần Hải Linh, ngoài cùng bên trái cùng Phạm Hải Chiến, giữa, và chiến sĩ vận chuyển tấm pin năng lượng mặt trời lên đá Cô Lin. Ảnh: Hoàng Anh
Cho xuồng tiếp cận chân nhà giàn lần thứ hai, Hải Linh và các thành viên nhóm dùng các tấm lưới bao quanh máy phát điện nặng gần 200 kg và ròng rọc để kéo lên. Nhưng đến lưng chừng thì thiết bị chao đảo do gió và sóng rất lớn. Các thành viên của Quỹ và các chiến sĩ trên nhà giàn đều lo lắng vì khoảng cách từ xuồng lên chân nhà giàn tầm 30 m, mọi người cùng hô lớn “Một, hai, ba” để kéo, rồi thở phào khi chiếc máy lên đến nơi.
Lượt tiếp theo các anh em phải kéo 4 tấm pin năng lượng mặt trời đi kèm nặng gần 100 kg, các thiết bị này còn bị quay theo gió do có kích thước lớn, nhưng cuối cùng nó cũng được đưa lên nhà giàn.
Thời gian được ở trên đảo không nhiều, Linh và các bạn của anh lại vội vã lắp đặt và hướng dẫn các chiến sĩ sử dụng máy phát điện, máy chuyển độ ẩm thành nước ngọt và giàn rau thủy canh.
Hoạt động của nhóm Linh diễn ra trong chuyến đi thăm quần đảo Trường Sa từ ngày 8 đến 28/4 của đoàn Việt kiều đến từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Chiếc máy phát điện này là một trong ba món quà chính mà các thành viên trong đoàn Hàn Quốc dành tặng cho Đá Cô Lin, Đá Lát và DK1-17 trên quần đảo Trường Sa. Mỗi bộ máy phát điện có độ tích điện là 3,6 KW, có thể dùng trong 12 tiếng ban đêm, còn ban ngày dùng năng lượng Mặt trời; máy chuyển đổi độ ẩm không khí thành nước ngọt áp dụng công nghệ của Hàn Quốc, có thể mang lại 20 lít nước mỗi ngày, đảm bảo đủ nước dùng liên tục trong một năm và giàn rau thủy canh hồi lưu tiết kiệm nước.
“Ý tưởng tặng các món quà thiết thực này cho các chiến sĩ nảy ra sau khi tôi cùng một người bạn ở Hàn Quốc được đến thăm Trường Sa năm ngoái. Ngoài việc thiếu điện, thiếu rau, có những anh em chỉ được dùng hai lít nước mỗi ngày cho sinh hoạt chung”, Hải Linh kể với VnExpress.
Trở về Hàn Quốc, Linh cùng một số bạn bè bắt tay vào việc xây dựng đề án thành lập Quỹ Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam (VCQBĐVN), tìm kiếm thông tin và đối tác về các công nghệ nước sạch, năng lượng sạch và giống rau chịu mặn phù hợp với điều kiện ở Trường Sa. Sau khi ra mắt vào tháng 8 năm ngoái, Quỹ VCQBĐVN đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người Việt ở khắp Hàn Quốc và một số người ở Mỹ, Đức, Nga, Australia, Séc và Ba Lan, quyên góp được 30 triệu won, tương đương 28.000 USD.
Toàn bộ số tiền đó được dùng để mua các món quà cho chuyến thăm lần này. Ngoài ba điểm nói trên, đoàn còn mang tới Đá Lớn A, Phan Vinh và Trường Sa Đông mỗi nơi hai giàn rau trồng bằng đất tổng hợp có hệ thống tưới tiêu tự động. Ở tất cả những điểm đoàn đến, các chiến sĩ, hộ dân cũng được nhận quà tặng là nhu yếu phẩm, hạt giống rau chịu mặn.
Sinh sống ở Hàn Quốc gần 10 năm, Hải Linh theo học chương trình Tiến sĩ ngành công nghệ sinh học và hiện nghiên cứu kiêm giảng viên tại Đại học Quốc gia Chonbuk. Anh Linh cũng đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội người Việt ở Hàn Quốc.
Là thành viên nhỏ tuổi nhất trong nhóm Hàn Quốc, sinh năm 1988, Nguyễn Văn Chính được giao nhiệm vụ khá nặng nề trong chuyến đi năm nay: phụ trách kỹ thuật, lắp đặt và đảm bảo các thiết bị hoạt động được.
Từng tốt nghiệp thiết kế cơ khí ở Việt Nam, Chính đến Hàn Quốc năm 2011 theo diện xuất khẩu lao động, hiện anh là nhân viên thống kê hàng hóa của Công ty Dong Sung thuộc Tập đoàn Huyndai.
“Điều làm em lo nhất là các linh kiện điện tử bị trục trặc do dính nước biển trong quá trình vận chuyển. Trong khi đó lại thiếu dụng cụ để sửa chữa, chỉ xoay xở được bằng những gì có trong tay”, Chính chia sẻ.
Kể về cơ duyên đến với Trường Sa lần này, chàng thanh niên cho hay trước tháng 8 năm ngoái cậu nhận được đề nghị từ anh Linh về việc làm một MV ca nhạc “Đất nước gọi tên mình”, nhân dịp ra mắt Quỹ VCQBĐVN. Vốn là một người tích cực với các hoạt động phong trào lại kiêm Chi hội phó Chi hội người Việt tại Gyeonju, Chính đã hào hứng nhận lời. Sau đó anh tiếp tục tham gia ba dự án máy phát điện, máy lọc nước và giàn rau nói trên.
Theo Chính, việc lắp đặt các thiết bị cho ba điểm ở Trường Sa mới chỉ là thử nghiệm, nếu thành công thì máy phát điện có thể nâng công suất lên đến 5 KWh. Khi đó các chiến sĩ sẽ có dư điện dùng cho cả sinh hoạt và thực hiện nhiệm vụ.
Các thành viên đang hướng dẫn chiến sĩ trên đảo Phan Vinh sử dụng giàn rau tưới tự động. Ảnh: VA
Nguyễn Trung Kiên, nghiên cứu sinh Tiến sĩ Công nghệ sinh học tại Incheon, chính là người đã cùng Hải Linh đi thăm quần đảo năm ngoái và trở thành Phó chủ nhiệm Quỹ VCQBĐVN. Kiên và anh Linh có mối quan hệ thân thiết vì cùng tham gia các hoạt động của người Việt từ khá lâu.
Kể về trải nghiệm của mình, Kiên cho hay trong lúc anh “ôm” giàn rau đưa ra Trường Sa Đông, một chân của giàn đã bị vỡ do va đập trên xuồng vì sóng to, còn một khay rau thì “bay xuống biển”.
Tự nhận là người “có lợi thế” hiểu về cuộc sống trên các đảo ở Trường Sa vì có nhiều bạn cùng quê Hải Phòng là lính làm nhiệm vụ ở đây, Kiên tiết lộ bí quyết trong việc gây quỹ là kêu gọi mỗi người “góp một khoản nhỏ cũng rất đáng quý”. Nếu như một người Việt ở Hàn Quốc đóng 1.000 won, tương đương 20.000 đồng, thì số tiền từ hơn 130.000 người trong cộng đồng cũng khá lớn.
Nói về triển vọng của Quỹ sắp tới sau khi “tiêu hết tiền”, Kiên tin rằng hoạt động ở Hàn Quốc sẽ thuận lợi nhờ có ba ưu điểm. Thứ nhất là chính phủ nước này ngày càng quan tâm đến cộng đồng người Việt do số lượng ở đây tương đối lớn, chẳng hạn như các cây ATM hiện đều có tiếng Việt; thứ hai là các tổ chức hữu nghị có nhiều sự kiện văn hóa thân thiện với Việt Nam, thứ ba là các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đang tăng đầu tư vào thị trường Việt Nam. Nhờ đó, các thành viên của Quỹ có thể vận động nhiều người Hàn Quốc tham gia ủng hộ.
Với Phạm Hải Chiến, thành viên sáng lập Qũy VCQBDVN, giờ phút “căng thẳng” nhất trong chuyến đi là khi nhóm đang lắp các thiết bị ở đá Cô Lin thì nghe thông báo nước sắp cạn, có thể xuồng không ra được tàu.
“Khi ấy mấy anh em xác định sẽ phải bơi ra chỗ xuồng đỗ được, nhưng may mắn khi hoàn thành công việc thì vẫn kịp”, anh Chiến nói.
Đề cập tới các phong trào vì chủ quyền biển đảo ở Hàn Quốc, anh ví von ở đây có “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Ngoài các chính sách thông thoáng của chính phủ Hàn Quốc, cộng đồng người Việt không phức tạp như ở các địa bàn khác, chủ yếu là sinh viên, lao động và phụ nữ Việt Nam lấy chồng ở đây.
Trong cuộc biểu tình của cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc phản đối Trung Quốc quân sự hóa trên Biển Đông cuối tháng ba vừa qua, các chị em người Việt đã kêu gọi các ông chồng Hàn mua áo in logo “Vì chủ quyền biển đảo”. Bản thân anh Chiến cũng được nhiều bạn bè nước ngoài trong Đại học Chung Ang hỏi thăm, khi họ thấy hình ảnh biểu tình trên các phương tiện truyền thông Hàn Quốc. Nhờ đó anh có cơ hội nói chuyện thêm với họ về tình hình ở Biển Đông và chủ quyền của Việt Nam.
Hiện là Tiến sĩ chuyên ngành quản lý xây dựng ở Chung Ang, anh Chiến đánh giá Quỹ VCQBĐVN là một hoạt động chung giúp các hội đoàn người Việt ở Hàn Quốc gắn kết hơn rất nhiều.
Là thành viên nữ duy nhất trong nhóm nên chị Lê Thị Anh Thư “được miễn” tham gia việc vận chuyển các thiết bị đến các đảo trong hành trình. Chị chia sẻ trước đây chỉ biết về Trường Sa qua tin tức, việc tận mắt chứng kiến cuộc sống khó khăn của các chiến sĩ trên các đảo khiến chị càng thêm quyết tâm tham gia nhiều hoạt động hơn nữa.
Đến Hàn Quốc từ năm 1996 khi kết hôn với người Hàn Quốc, chị Thư hiện đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội phụ nữ người Việt tại nước này. Hơn 30.000 phụ nữ Việt là thành viên của Hội cũng đóng góp tích cực cho Quỹ VCQBĐVN.
“Trường Sa đối với chồng và con gái tôi là một khái niệm khá xa xôi, hai người chỉ quan tâm đến các vấn đề kinh tế xã hội của Việt Nam. Sau chuyến đi này, tôi sẽ nói chuyện thêm để mọi người trong gia đình hiểu hơn về chủ quyền của đất nước”, chị Thư nói.
Theo anh Linh, sau chuyến đi năm nay, nhóm Hàn Quốc sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm để tăng dung tích máy chuyển độ ẩm thành nước ngọt lên, có thể lên 500 đến 1.000 lít mỗi ngày, máy phát điện có thể thêm biến áp để tăng quy mô sử dụng và cải tiến thêm các giàn rau chống hạn.
Đặc biệt, anh Linh và các thành viên của Quỹ đã nhận được sự trao đổi của nhiều Việt kiều ở các nước khác cùng tham gia chuyến đi, ngỏ ý muốn cùng xây dựng các dự án mới hỗ trợ các cán bộ, chiến sĩ trong thời gian tới.
Nhớ lại lúc trở lại tàu của đoàn vào buổi tối, sau khi lắp xong máy phát điện ở đá Cô Lin, anh Linh miêu tả việc thấy các chiến sĩ chớp đèn lên chào là một “niềm hạnh phúc vô bờ”.
“Đó thực sự là những kỷ niệm khó quên trong đời, những khoảnh khắc như thế khiến chúng tôi càng có thêm động lực để làm nhiều hơn nữa”, Linh nói.
5 thành viên nhóm trên đảo Trường Sa Đông, từ trái qua: Kiên, Chính, Linh, Thư và Chiến. Ảnh: VA
Nguồn: VnExpress