Xe máy ‘đội lốt’ xe đạp siêu độc, siêu lạ của cậu học trò lớp 9
Pin Năng Lượng Mặt TrờiTin Tức Năng LượngỨng Dụng Năng Lượng Mặt Trời Tháng năm 24, 2018 Năng Lượng News
Xe đạp có hệ thống đo vận tốc, đèn pha, xi nhan, hệ thống định vị GPS. ‘Đỉnh’ hơn, chủ nhân của nó còn muốn tích hợp hệ thống tự động dừng khi buông tay, hay nghiêng xe.
Chiếc xe đạp “độc” và “lạ” này là của Mai Quốc Huy, học sinh lớp 9 trường THCS Bàn Cờ, Quận 3, TP.HCM.
Sinh ra trong một gia đình con nhà “nòi” khi cha của Huy là một thợ sửa chữa xe máy. Vì thế, Huy sở hữu sự đam mê với các thiết bị điện tử, các đồ điện trong gia đình minh.
Chị Trương Thị Thu Nga, mẹ Huy chia sẻ, mới 5 tuổi nhưng Huy đã mày mò tìm hiểu các thiết bị điện tử cũ. Sau đó, em tháo các thiết bị như tivi, cassete, đầu video…
Mai Quốc Huy thuyết trình về sản phẩm xe đạp thông minh của mình tại Hội thi tin học trẻ TP.HCM năm 2018, tổ chức tại trường CĐ Viễn Đông.
“Lớn lên chút nữa, Huy bắt đầu đòi mẹ đi tham quan và mua những thiết bị cũ. Tôi dù bận nhưng cũng phải sắp xếp thời gian để đưa đón con. Thấy con ham thích như vậy tôi cũng vui”- chị Nga kể.
Khi là học sinh trường THCS Bàn Cờ, Quận 3, Huy đã biết tự chế các loại đồ chơi bằng những vật dụng trong nhà. Chiếc máy nghe nhạc MP3 phát âm thanh quá nhỏ. Huy bắt đầu lùng sục tại chợ đồ cũ Nhật Tảo để chế thêm “bộ amply” nhằm làm cho chiếc máy MP3 có thể nghe âm thanh bốc lửa hơn.
Cứ như vậy, niềm đam mê sáng tạo cứ lớn dần trong Huy. Bằng chứng là không tháng nào em không ghé qua chợ đồ cũ Nhật Tảo để tìm những món đồ điện tử, board mạch về làm thiết bị.
Cho đến một lần, khi thăm người thân trong bệnh viện, Huy bị mất xe đạp. Đó là lý do để chiếc xe đạp thông minh của cậu bạn này ra đời.
“Nhiều người nghĩ xe đạp là phương tiện không mấy giá trị nên không mất cắp. Sự thật thì chính bản thân em cũng chủ quan khi nghĩ như vậy. Vì thế, em nghĩ mình phải tìm một cách nào đó để biết được vị trí của xe, và xe có thể phát tín hiệu cảnh báo khi ai đó đến gần” – Huy kể.
Anh Ngô Minh Hải, Phó Bí thư Thành đoàn TP.HCM trao giải nhất ứng dụng cho sản phẩm xe đạp thông minh của Huy.
Cháy hàng chục board Arduino mới ra xe đạp thông minh
Hằng ngày gắn bó với chiếc xe đạp để đến trường, Huy vẫn nghĩ về một ngày nào đó, chiếc xe đạp của mình như… xe máy. “Tại sao xe máy có các thiết bị điện tử hỗ trợ đắc lực cho người dùng mà xe đạp lại không có. Thiết kế tích hợp những thiết bị điện tử sẽ giúp chiếc xe đạp thông minh hơn, thuận lợi hơn cho người điều khiển”- Huy chia sẻ.
Nghĩ là làm, bằng chút kinh nghiệm của bản thân, cùng với học hỏi kiến thức trong sách vở, internet, Huy đã mất nhiều tháng để tạo ra chiếc xe đạp thông minh.
“Dù bố là thợ sửa chữa xe máy nhưng rất bận bịu với công việc. Mọi công việc thiết kế xe đạp thông mình đều do tự em làm. Nhiều lần thử nghiệm kết nối các thiết bị điện tử, em đã làm cháy cả mấy chục board mạch Arduino. Nhưng không vì vậy mà em nản chí, thử nhiều cách khác nhau rồi em cũng thành công”- Huy kể.
Chiếc xe đạp của Huy được trang bị hệ thống đèn, cảnh báo, khóa xe… như “xe máy”. Phía trước xe được trang bị một đèn pha, bên cạnh đèn pha có hệ thống xi nhan báo chuyển hướng. Phía trước tay lái xe đạp thông minh được trang bị một màn hình led hiển thị vận tốc chạy và số km đi được.
Đuôi xe được gắn cảm biến khoảng cách. Khi có người ở phía sau di chuyển tới quá gần, cảm biến sẽ truyền tín hiệu cảnh báo bằng còi để người lái xe đạp biết và phòng tránh. Đặc biệt, chiếc xe của Huy còn có hệ thống định vị GPS, tức là chủ xe có thể biết chính xác vị trí xe của mình trên smartphone.
Toàn bộ nguồn năng lượng của xe được cung cấp bởi bộ ắc quy và hệ thống pin năng lượng mặt trời gắn trên xe.
“Sắp tới em sẽ tích hợp hệ thống cảnh báo tay lái. Nếu người lái buông tay thì hệ thống còi sẽ báo hiệu. Vấn đề này có thể phát triển cao hơn ở chỗ là xe có thể tự dừng khi người dùng có biểu hiện lạng lách, thả tay… Tuy nhiên vấn đề này sẽ phải đầu tư nghiên cứu nhiều” – Huy nói.
Mỗi lần hoàn thiện một chi tiết, hay chức năng của xe, Huy đều mang xe ra đường chạy thử để kiểm tra chức năng. Khi chúng tôi hỏi, chạy một chiếc xe khác lạ ra đường, em không ngại ánh mắt tò mò, soi mói của mọi người sao?
Huy cười “mình gắn thiết bị để đi đường được an toàn hơn, chiếc xe trở nên lạ mắt hơn thì mình càng cảm thấy tự tin hơn, không có gì ngại cả”.
Arduino là một board mạch vi xử lý, nhằm xây dựng các ứng dụng tương tác với nhau hoặc với môi trường được thuận lợi hơn. Phần cứng bao gồm một board mạch nguồn mở được thiết kế trên nền tảng vi xử lý AVR Atmel 8bit, hoặc ARM Atmel 32-bit. Những Model hiện tại được trang bị gồm 1 cổng giao tiếp USB, 6 chân đầu vào analog, 14 chân I/O kỹ thuật số tương thích với nhiều board mở rộng khác nhau.
Được giới thiệu vào năm 2005, Những nhà thiết kế của Arduino cố gắng mang đến một phương thức dễ dàng, không tốn kém cho những người yêu thích, sinh viên và giới chuyên nghiệp để tạo ra những thiết bị có khả năng tương tác với môi trường thông qua các cảm biến và các cơ cấu chấp hành (động cơ dùng để di chuyển hoặc điều khiển một cơ cấu hay hệ thống).
Nguồn: Vietnamnet