Trung Quốc và thách thức của « tăng trưởng xanh »
Tin Tức Năng Lượng Tháng Mười Một 12, 2015 News Energy
Trung Quốc vừa là nguồn phát khí thải carbon lớn nhất hành tinh, vừa là nạn nhân của hiện tượng không khí bị ô nhiễm. Bắc Kinh bắt buộc phải tìm kiếm một mô hình tăng trưởng mới. Nhưng không dễ dung hòa hai mục tiêu : phát triển và bảo vệ môi trường.
Bốn tuần trước thượng đỉnh quốc tế về khí hậu, Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố : « Chống biến đổi khí hậu là một trách nhiệm với nhân loại ». Phát biểu này của lãnh đạo số 2 Trung Quốc khi tiếp Tổng thống Pháp François Hollande tại Bắc Kinh có lẽ ông Lý Khắc Cường muốn nói tới trách nhiệm trên hết của chính quyền Trung ương đối với 1,37 tỷ dân Trung Quốc : 80 % các mạch nước, sông ngòi trên toàn quốc bị nhiễm chất độc hại, và ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho người dân Trung Quốc.
25 % khí carbon làm hâm nóng trái đất do các ống khói Trung Quốc phun ra. Năm 2012, nước đông dân nhất trên địa cầu thải hơn 10 tỷ tấn CO2, nhiều gấp đôi so với Mỹ (5,2 tỷ tấn CO2). Để so sánh, trong toàn khối 28 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu, trong cả năm 2013 đã thải ra 4,7 tỷ tấn carbon, tương đương với 14 % lượng thải khí toàn cầu.
Theo một công trình nghiên cứu của Viện khoa học Đức Max Planck được công bố vào tháng 10/2015, ô nhiễm không khí là nguyên nhân vây tử vong cho 3,3 triệu người trên thế giới hàng năm, 3/4 nạn nhân sống tại Châu Á. Chỉ riêng tại Trung Quốc mỗi năm có 1,4 triệu người chết vì các bệnh đường hô hấp. Con số này cao hơn cả số lượng người tử vong vì tai nạn giao thông hay lây nhiễm HIV.
Trong báo cáo vừa được công bố hồi tháng 10/2015, tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace ghi nhận : 80 % các thành phố của Trung Quốc “bị ngạt thở” vì ô nhiễm không khí. Trung bình lượng phân tử độc hại được Greenpeace đo lường tại 367 thành phố cao gấp 4 lần so với quy định của Tổ chức Y tế Thế giới. Theo lời của người đại diện Greenpeace tại Bắc Kinh : quá trình công nghiệp hóa trong hai thập niên qua là nguyên nhân dẫn tới hậu quả tai hại này. Mức ô nhiễm không khí tại Bắc Kinh cao hơn gấp 20 lần so với các chuẩn mực của quốc tế.
Nhu cầu tạo một môi trường sạch hơn, cho gần một tỷ rưỡi người dân ở nông thông và thành thị ngày càng trở nên cấp bách. Thế giới không thể hoàn thành mục đích ghìm nhiệt độ của trái tất tăng không quá 2°C từ nay đến cuối thế kỷ 21 nếu không có những nỗ lực của Trung Quốc.
Trả lời đài phát thanh quốc tế Pháp RFI ban Pháp ngữ, giáo sư Jean-François Huchet, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Á Châu thuộc Học viện Ngôn ngữ và Văn minh Phương Đông – INALCO nêu bật một khó khăn mà chính bản thân các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh đang vấp phải :
« Không chỉ riêng gì vấn đề khí hậu, Bắc Kinh luôn rất khó chịu mỗi khi quốc tế nhòm ngó vào các hoạt động hay đời sống ở bên trong phần lãnh thổ Trung Quốc. Bên cạnh đó không ai có thể xác định một cách chính xác về khối lượng khí carbon Trung Quốc thải ra hàng năm. Chênh lệch giữa những thông số chính thức với thực tế rất lớn. Chênh lệch đó tương đương với khối lượng CO2 của cả một nền công nhiệp như Nhật Bản thải ra hàng năm, tức là vào khoảng 1,5 giga tonne/năm. Khác biệt to lớn này có thể giải thích như sau : một là công cụ đo lường của Bắc Kinh không chính xác. Hai là bản thân chính quyền trung ương cũng không biết một cách chính xác về tình hình phát thải khí gây ô nhiễm không khí, bởi vì các chính quyền ở cấp địa phương không thông báo thống kê phản ánh đúng sự thực. Đơn giản là vì Bắc Kinh đòi chính quyền cấp tỉnh, cấp vùng giảm phát thải khí carbon làm hâm nóng trái đất, giảm bớt bụi, khói mù từ các nhà máy nhiệt điện sử dụng than thải ra. Nhưng giảm lượng phát thải, tức là giảm các hoạt động sản xuất. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp tới công ăn việc làm, tới tăng trưởng kinh tế của các tỉnh thành ».
Do vậy, cho tới nay, Trung Quốc mới chỉ đưa ra những cam kết khá chung chung, để thể hiện thiện chí chống biến đổi khí hậu, nhưng đồng thời những cam kết đó không mang tính quá ràng buộc. Dù vậy ở đây cần lưu ý là từ thượng đỉnh về khí hậu COP15, tổ chức tại Copenhagen-Đan Mạch năm 2009 tới nay, cơ cấu kinh tế của Trung Quốc đã có nhiều thay đổi lớn. Giáo sư Jean-François Huchet Học viện INALCO so sánh những khác biệt về lập trường của Trung Quốc hiện nay so với hồi năm 2009 :
« Vào thời điểm 2009, tức mới chỉ cách nay 6 năm, kinh tế Trung Quốc chủ yếu dựa vào ngành xây dựng và công nghiệp nặng. Hiện tại vẫn có hơn 4.000 nhà máy xi-măng tiếp tục hoạt động – tức là chỉ một mình Trung Quốc có nhiều nhà máy xi-măng hơn phần còn lại của toàn thế giới. Các nhà máy này thải ra đến 4 % khí carbon của toàn cầu. Trong vỏn vẹn 2 năm, Trung Quốc đã tiêu thụ nhiều xi-măng hơn cả Mỹ trong suốt thế kỷ XX. Điều đó cho thấy tăng trưởng của Trung Quốc hồi năm 2009 là yếu tố gây ô nhiễm không khí tới mức độ nào. Nhưng phải nhìn nhận là khi đã phát thải nhiều khí carbon như vậy thì Trung Quốc không khó gì hoàn thành mục tiêu giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và hướng tới một mô hình “tăng trưởng xanh”. Dù là giảm ít, giảm chậm, Trung Quốc bắt buộc phải xét lại mô hình phát triển và cũng không thể tiếp tục với những tỷ lệ tăng trưởng ‘trên trời’ như trong giai đoạn 10 hay 20 năm trở lại đây. Nhu cầu về nhà ở, về cơ sở hạ tầng đã bão hòa. Ở đây cũng cần nhấn mạnh rằng Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào công nghệ năng lượng tái tạo, thế nhưng than đá vẫn là nguồn cung cấp điện lực chính cho cả một đất nước với hơn 1,4 tỷ dân, và một cỗ xe công nghiệp đồ sộ như của Trung Quốc. Trong ít nhất 15 năm nữa nhu cầu năng lượng của Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào than đá ».
Tới nay than đá bảo đảm 67 % năng lượng cho toàn quốc.
« Chuyển tiếp năng lượng »
Năm 2011 Trung Quốc đề ra mục tiêu « xây dựng một xã hội vững bền và tôn trọng môi trường ». Kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội 5 năm cho giai đoạn 2011 -2015 dành ra đến 1,4 % tổng sản phẩm nội địa để “làm sạch môi trường”.
Đây cũng là lần đầu tiên Bắc Kinh ghi rõ mục tiêu giảm bớt nhịp độ thải khí và chất hóa học độc hại cho sức khỏe công cộng. Cũng với kế hoạch 5 năm lần thứ 12 Trung Quốc bắt đầu « giai đoạn chuyển tiếp năng lượng ». Cụ thể là cùng lúc phát triển các loại năng lượng tái tạo như thủy điện, pin năng lượng mặt trời hay năng lượng gió ; đẩy mạnh chính sách dùng khí đốt và năng lượng hạt nhân thay thế cho than đá hòng giảm bớt khí thải carbon.
Trong khuôn khổ chính sách năng lượng mới đó, vào tháng 11/2014, Trung Quốc ký hợp đồng khổng lồ hơn 400 tỷ đô la với Nga cho công trình xây dựng đường ống dẫn khí, đưa khí đốt của Nga từ vùng Siberia qua núi Altai đến tận Tân Cương. Một khi đi vào hoạt động – trễ nhất là vào năm 2020, Trung Quốc sẽ trở thành khách hàng quan trọng nhất của các tập đoàn khí đốt Nga. Đường ống được mệnh danh là “Power of Siberia” có khả năng cung cấp cho các khách hàng Trung Quốc đến 30 tỷ mét khối/năm.
Song song với bước đột phá nói trên, Trung Quốc trong 5 năm qua đã đầu tư nhiều để tiết kiện điện sử dụng cho khu vực sản xuất và nhà ở của tư nhân. Vẫn trong thời gian nay, Bắc Kinh đã khuyến khích các tập đoàn nhà nước và tư nhân hợp tác với các đối tác nước ngoài từ lĩnh vực xử lý nước thải, đến rác. Về điểm này, nhiều tập đoàn Pháp đã dễ dàng được chọn để chuyển giao công nghệ cho các đối tác Trung Quốc. Thí dụ như tại Bắc Kinh đã có nhiều tòa nhà cao ốc được xây dựng với những chuẩn mực “xanh”, tức ít tốn năng lượng nhờ sử dụng hệ thống cách nhiệt của tập đoàn Saint Gobain, hay nhờ dùng hệ điều hành điện nước, để tiết kiệm đến 30% hóa đơn điện nước hàng năm.
Trong bài nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học và môi trường VertigO giáo sư Olga V. Alexeeva và Yann Roche đại học Québec, Canada ghi nhận những nỗ lực của Trung Quốc trong tiến trình « chuyển tiếp năng lượng », phát triển mạnh các năng lượng tái tạo. Bài nghiên cứu này lưu ý : Bắc Kinh đã chuyển hướng đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo từ những năm 1990. Nhưng với kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm trong giai đoạn 2011-2015, lĩnh vực này mới thực sự “cất cánh”.
Như trong nhiều lĩnh vực khác, Trung Quốc đã ồ ạt đầu tư, nhanh chóng nắm bắt công nghệ mới qua hàng loạt các hợp tác liên doanh với các tập đoàn nước ngoài, để rồi ngày nay, các tập đoàn sản xuất pin mặt trời của Trung Quốc áp đặt luật chơi trên thị trường và Trung Quốc đã không còn cần đến các đối tác ngoại quốc để sản xuất đầu máy cánh quạt tạo năng lượng gió. Theo thẩm định của Viện nghiên cứu về môi trường Mỹ Worldwatch, trụ sở tại thủ đô Washington, vào năm 2006 tổng đầu tư cho năng lượng tái tạo của thế giới là hơn 50 tỷ đô la thì chỉ riêng Trung Quốc bỏ ra đến 10 tỷ đề làm chủ năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Bắc Kinh dự trù đầu tư đến 1.500 tỷ nhân dân tệ tức khoảng 150 tỷ đô la trong 15 năm để hai loại năng lượng tái tạo này có thể bảo đảm đến 16% nhu cầu tiêu thụ của toàn quốc.
Theo phân tích của giáo sư Jean-François Huchet, Học viện INALCO, chiến lược phát triển xanh nói trên của Trung Quốc phần nào do công luận trong nước thôi thúc :
« Giờ đây chính quyền không thể làm ngơ trước những đòi hỏi được sống trong một môi trường trong sạch của người dân. Đặc biệt là tầng lớp trung lưu ở thành thị rất chú trọng đến việc này và công luận không còn dễ dàng chấp nhận khi thấy môi trường bị tàn phá, không khí thì bị ô nhiễm đến nỗi không còn trông thấy trời xanh. Thế rồi các nguồn nước sạch ngày càng trở nên khan hiếm. Đừng quên rằng, các mạch nước chung quanh các nhà máy nhiệt điện đều bị nhiễm chất độc. Từ những năm 1990 và ngay cả cho tới tận thời điểm này, xung đột thường xuyên xảy ra vì những tranh chấp đất đai, hay do ô nhiễm môi trường.
Trong kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội 5 năm cho giai đoạn 2011-2015, Bắc Kinh đã xem các vấn đề bảo vệ thiên nhiên là một ưu tiên. Hai năm sau đó, Trung Quốc đề ra hẳn một “kế hoạch chống ô nhiễm”. Thực ra, Bắc Kinh chú trọng nhiều đến vấn đề ô nhiễm không khí và đã đặt ra một số chỉ tiêu cho các tỉnh phải giảm tiêu thụ than đá trước năm 2017. Một tỉnh như Sơn Đông, sát cạnh ngay với thủ đô Bắc Kinh chẳng hạn, hiện nay mức tiêu thụ than đá của Sơn Đông tương đương với khối lượng của Đức và Nhật Bản gộp lại. Cần biết là Trung Quốc mỗi năm tiêu thụ 3.500 triệu tấn than đá, tức tương đương với 40% khối lượng của toàn cầu. Trong điều kiện đó, nếu như Trung Quốc đa dạng hóa các nguồn tiêu thụ và bớt lệ thuộc vào than thì sẽ là một tin vui cho nhân loại ».
Công nghệ xanh và cái giá phải trả trước mắt
Nhưng giảm thải khí CO2 sẽ đem lại những hậu quả xã hội ? Giáo sư Huchet, Học viện INALCO, trả lời :
« Đúng là đây sẽ là một mâu thuẫn rất lớn và sẽ đẩy Trung Quốc và thế kẹt. Áp dụng các biện pháp mạnh vì môi trường là điều cần thiết, nhưng đó là ý nguyện của chính quyền Trung ương. Mặt khác, ở các cấp dưới, khi phải áp dụng chính sách “xanh”, tức là phải giảm mức phát thải, phải tránh gây ô nhiễm sông ngòi … nhà máy đương nhiên phải giảm tốc độ hoạt động. Sản xuất ít đi và như vậy sẽ tạo ra thất nghiệp, hoạt động kinh tế bị trì trệ. Đừng quên rằng ở Trung Quốc ngày nay, các cán bộ ở mọi cấp có được thăng quan tiến chức hay không, điều đó đều tùy thuộc vào thành tích. Thành thử, ngay cả việc xoay trục kinh tế sang một mô hình phát triển “xanh” thì đấy là cả một vấn đề : đối với các doanh nghiệp và tư nhân ».
Về phần mình ông Pierre Cannet, phụ trách chương trình Khí hậu và Năng lượng của Quỹ bảo vệ Thiên Nhiên WWF, cũng phải nhìn nhận những bước rất dài mà Trung Quốc đã đạt được trên con đường hướng tới một mô hình phát triển xanh :
« Thật ra Trung Quốc đã bắt buộc các tỉnh sản xuất than phải giảm mức cung cấp 40%. Mục tiêu sắp tới là còn phải đi xa hơn nữa. Cũng phải nhìn nhận là Trung Quốc đã cho thí nghiệm thị trường carbon, và biện pháp này sẽ được áp dụng trên toàn quốc vào khoảng năm 2017. Mặt khác, công nghệ xanh cũng là một lĩnh vực đầy tiềm năng, đang tạo ra nhiều công việc làm cho người dân. Năm ngoái chẳng hạn, lĩnh vực năng lượng tái tạo đã tuyển dụng 3,4 triệu nhân công. Bên cạnh đó, thì Trung Quốc đang dẫn đầu thị trường chế tạo pin mặt trời, và kể cả năng lượng gió. Có khả năng là tới năm 2020, Trung Quốc là nguồn cung cấp đến 40% năng lượng tái tạo cho thế giới. Nhưng để đạt được mục đích đó, Trung Quốc cần phải đầu tư đào tạo nhân sự, tức là những công nhân giờ đây đang làm việc ở các lò than, phải chuyển ngành sang các loại năng lượng sạch ».
Chính sách “xoay trục” năng lượng của Trung Quốc đã được hình thành từ trước kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm trong giai đoạn 2011-2015 nhưng công nghệ xanh và nhất là năng lượng tái tạo của Trung Quốc mới chỉ thực thực cất cánh từ 5 năm trở lại đây, khi mà Bắc Kinh phải đối mặt với cùng lúc nhiều thách thức nội bộ : từ chính trị đến xã hội, môi trường và kinh tế.
Không thể chối bỏ những nỗ lực của Bắc Kinh để hướng tới một mô hình phát triển “xanh” nhưng đối với một nền kinh tế đồ sộ như của Trung Quốc, không dễ dung hòa các mục tiêu tăng trưởng và những đòi hỏi về môi trường. Những mục tiêu như là dùng năng lượng tái tạo để bảo đảm 16% nhu cầu tiêu thụ của toàn quốc thay vì 1,2% như hiện tại còn ngoài tầm tay của Trung Quốc. Nhưng giới trong ngành tin chắc là nếu Trung Quốc tiến hành một “cuộc cách mạng xanh” thì đó là một cuộc cách mạng xuất phát từ ở bên trong. Khúc mắc lớn nhất để thực hiện được tham vọng đó là Bắc Kinh phải có được sự đồng thuận của các cấp chính quyền địa phương.