Trung Quốc đưa trang trại năng lượng mặt trời vào không gian năm 2025
Năng Lượng Mặt TrờiNăng Lượng Tái TạoTin Tức Năng Lượng Tháng hai 20, 2019 Năng Lượng News
Trung Quốc sẽ sử dụng trạm vũ trụ quỹ đạo là nơi thu hoạch năng lượng trực tiếp từ mặt trời.
Trung Quốc công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy điện liên sao sẽ quay quanh Trái đất ở độ cao 36.000 km. (Ảnh: NASA).
Nhu cầu sử dụng năng lượng của con người rất lớn. Trên Trái Đất, con người đang khai thác năng lượng từ mặt trời, gió, nước và nguyên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, từ lâu các nhà khoa học đã đưa ra giả thuyết thu thập năng lượng mặt trời từ không gian sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với ở Trái Đất. Mới đây, Trung Quốc tuyên bố sẽ là quốc gia đầu tiên thực hiện điều này khi công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy điện liên sao sẽ quay quanh Trái đất ở độ cao 36.000 km.
Theo Nhật báo Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, các nhà khoa học Trung Quốc có kế hoạch xây dựng và phóng các nhà máy điện nhỏ vào tầng bình lưu từ năm 2021 đến 2025, nâng cấp lên trạm megawatt vào năm 2030 và một cơ sở cấp gigawatt trước năm 2050.
Nếu không có sự can thiệp của khí quyển hoặc mất ánh sáng mặt trời vào ban đêm, các trang trại năng lượng mặt trời trên không gian này có thể cung cấp một nguồn năng lượng sạch vô tận.
Học viện Công nghệ Vũ trụ Trung Quốc tuyên bố một thiết lập trang trại năng lượng mặt trời như vậy có thể “cung cấp năng lượng đáng 99% thời gian, với cường độ gấp 6 lần” các trạm đặt năng lượng mặt trời trên trái đất.
Trung Quốc dự định chuyển đổi năng lượng mặt trời thành điện năng trong không gian, trước khi tải ngược trở lại Trái đất bằng sóng siêu vi (micro wave) hoặc laser và đưa vào lưới điện thông qua hệ thống tiếp nhận mặt đất.
Tất nhiên, có rất nhiều thách thức liên quan đến kế hoạch khoa học viễn tưởng này. Một nhà máy điện như vậy sẽ có trọng lượng khoảng 1.000 tấn, vì vậy việc đưa thiết bị vào quỹ đạo sẽ khá khó khăn. Do đó, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đang xem xét liệu trạm có thể được xây dựng trong không gian bằng cách sử dụng robot và in 3D hay không.
Khai thác năng lượng mặt trời trên các trạm vũ trụ có thể đạt hiệu suất đến 99%. (Ảnh: NASA).
Ngoài ra, những ảnh hưởng của bức xạ micro wave lên bầu khí quyển cũng sẽ cần được nghiên cứu.
Nhưng rõ ràng điều này không nằm ngoài khả năng, với loạt những công nghệ mới robot, in 3D, trí tuệ nhân tạo (AI) hiện nay.
Ngoài Trung Quốc, Nhật Bản cũng đã tiếp cận với ý tưởng này trong suốt hơn một thập kỷ qua, với nhiều chương trình không gian và nghiên cứu các công nghệ cần thiết để truyền năng lượng hiệu quả trở lại Trái đất.
Năm 2015, Nhật Bản đã đưa ra giải pháp sử dụng truyền dẫn không dây, trong khi Viện Công nghệ California năm ngoái cũng tuyên bố rằng họ đã tạo ra một nguyên mẫu có khả năng khai thác và truyền năng lượng mặt trời từ không gian bằng cách sử dụng gạch nhẹ.
Trung Quốc đã thực sự đẩy mạnh chương trình không gian của mình trong thời gian gần đây. Mới nhất là trồng những cây xanh đầu tiên trên bề mặt mặt trăng.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, thời gian Trung Quốc đặt ra để thực hiện kế hoạch này có thể là cực tham vọng. Tuy nhiên với mục tiêu trở thành siêu cường không gian của mình, Trung Quốc đang thể hiện cho thế giới thấy giấc mơ khoa học viễn tưởng này đang hiện thực hóa hơn bao giờ hết.
Nguồn: VoV