Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Nangluong.news – Với mong muốn giúp các vùng biển đảo không còn thiếu rau xanh, TS Nguyễn Văn Quy (SN 1980, giảng viên Trường... Trồng rau thông minh cho vùng biển đảo

Nangluong.news – Với mong muốn giúp các vùng biển đảo không còn thiếu rau xanh, TS Nguyễn Văn Quy (SN 1980, giảng viên Trường Đại học Nông lâm Huế) đã dày công nghiên cứu để cho ra đời 2 mô hình trồng rau sạch thông minh với chi phí thấp nhưng hiệu quả kinh tế cao.

2 mô hình ưu việt

Từ trước đến nay, việc đáp ứng rau xanh cho vùng biển đảo gặp nhiều khó khăn do thời tiết khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi và thiếu nước ngọt tưới. Các mô hình trồng rau ở vùng biển đảo như trồng trên đất, khay nhựa và thủy canh trong nhà kính được áp dụng không mấy hiệu quả. Nguyên nhân là do các mô hình này tốn nhiều nước và công chăm sóc, năng suất và chất lượng rau thấp, còn thủy canh trong nhà kính bị phá sản do rau không phát triển được.

TS Nguyễn Văn Quy giới thiệu mô hình trồng rau sạch bằng phương pháp thủy canh bấc đèn.  ảnh: An Sơn

TS Nguyễn Văn Quy giới thiệu mô hình trồng rau sạch bằng phương pháp thủy canh bấc đèn.  ảnh: An Sơn

Thực tế đó khiến TS Nguyễn Văn Quy trăn trở và quyết tâm nghiên cứu cho ra đời 2 mô hình trồng rau sạch thông minh hiệu quả cao cho vùng biển đảo- thủy canh nhỏ giọt tự động và thủy canh bấc đèn. Thủy canh nhỏ giọt phù hợp để trồng rau tại vùng đảo nổi, còn thủy canh bấc đèn thích hợp để trồng rau ở vùng đảo chìm.

TS Quy cho hay, hệ thống thủy canh nhỏ giọt tự động gồm thùng chứa nước và phân bón hòa tan, ống nhỏ giọt và hệ thống lọc. Nước và phân bón hoà tan sau khi đi qua hệ thống lọc sẽ được đưa vào hệ thống nhỏ giọt cung cấp cho cây rau; đảm bảo phân bố độ ẩm đều trong đất, tạo điều kiện thuận lợi về không khí, dinh dưỡng, quang hợp… cho cây rau phát triển nhanh.

Hệ thống thủy canh bấc đèn gồm thùng chứa nước và dinh dưỡng, bộ phận đựng hỗn hợp hữu cơ để trồng rau và hệ thống sợi bấc (tương tự sợi bấc đèn dầu). Sợi bấc này làm nhiệm vụ đưa nước và dinh dưỡng từ thùng chứa lên cung cấp cho cây rau. Đây là 2 mô hình thủy canh tiết kiệm nước, chi phí lắp đặt thấp, cho năng suất và chất lượng rau cao, không tốn nhiều diện tích và công chăm sóc.

Lọc nước biển thành nước tưới

Để giải quyết thực trạng khó khăn về nước ngọt ở các vùng biển đảo, các mô hình trồng rau thủy canh này của anh Quy sử dụng nguồn nước ngọt được chưng lọc từ nước biển. Đây là sự áp dụng kết quả đề tài “Nghiên cứu ứng dụng hệ thống lọc nước ngọt từ nước biển bằng năng lượng mặt trời” do một đồng nghiệp của anh Quy đang công tác tại Trường Đại học Nông lâm Huế thực hiện. Bằng thiết bị chưng lọc nước ngọt từ nước biển sử dụng năng lượng mặt trời để cung cấp nước tưới cho rau, các vùng biển đảo của nước ta khan hiếm nguồn nước ngọt, rất dễ dàng áp dụng mô hình này.

Thời gian qua, 2 mô hình trồng rau bằng phương pháp thủy canh của TS Nguyễn Văn Quy đã triển khai thực tế tại vùng đất cát ven biển xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, Thừa Thiên- Huế) và cho hiệu quả rất cao. Các loại rau cải, rau muống, bí, mùng tơi… được trồng bằng những mô hình này phát triển rất nhanh và cho năng suất gấp 3 lần so với canh tác thông thường.

Nguồn: Danviet