Trạm không gian quốc tế ISS chào tuổi thứ 15
Năng Lượng Mặt TrờiTin Tức Năng Lượng Tháng mười một 7, 2015 News Energy
Ngày 2/11 vừa qua, trạm không gian quốc tế ISS đã long trọng kỷ niệm 15 năm kể từ ngày đưa con người lên làm việc tại đây. Đây được cho là sự kiện đánh dấu bước đi đầu tiên của nhân loại trong việc hợp tác khám phá vũ trụ.
Ba phi hành gia đầu tiên lên làm việc tại trạm ISS: Sergei Krikalev (bên trái), Bill Shepard (ở giữa) và Yuri Gidzenko (bên phải)
Mặc dù được phóng lên ngoài không gian từ năm 1998 nhưng phải tới ngày 2/11/2000, ISS mới đón ba phi hành gia đầu tiên của đội thám hiểm số 1 lên làm việc. Ba phi hành gia đầu tiên bao gồm phi hành gia Bill Shepard (NASA) và 2 phi hành gia người Nga có tên Sergei Krikalev và Yuri Gidzenko.
Kể từ đó tới nay, ISS đã trở thành một ngôi nhà chung cho rất nhiều các phi hành gia và nhà du hành vũ trụ đến từ các cơ quan vũ trụ lớn như: NASA (Mỹ), Roscosmos (Nga), ESA (Châu Âu), JAXA (Nhật Bản) và CSA (Canada). Đây đồng thời là những cơ quan đã tham gia xây dựng nên ISS.
Một trong những mục đích chính của ISS là cung cấp một địa điểm để giám sát thực hiện các thí nghiệm và đòi hỏi một hoặc nhiều điều kiện đặc biệt hiện nay trên trạm cho công việc này.
Mỗi chuyến thám hiểm thường kéo dài 6 tháng và tất các thành viên trên trạm vũ trụ ISS sẽ tham gia vào những thí nghiệm khoa học, ví dụ như trồng rau, in ấn các vật thể 3D và quan sát sự phát triển của các loài động vật ở ngoài không gian. Thậm chí, các phi hành gia cũng phải thường xuyên thực hiện các chuyến du hành ngoài không gian để bảo trì các thiết bị ngoài trạm.
Nhờ các thí nghiệm tiến hành ngoài không gian, các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều cách thức mới để chống lại bệnh tật, làm sạch nước hay siêu âm ở khoảng cách xa. Một số thí nghiệm trên tế bào cũng giúp các nhà khoa học dễ dàng tìm hiểu cơ chế hình thành và cách điều trị bệnh ung thư.
Bên cạnh đó, sự biến đổi trong cơ thể phi hành gia còn là những bằng chứng sống, cung cấp những phát hiện quan trọng về sự sống ngoài không gian. Chưa kể, những dữ liệu sinh học thu thập được từ cơ thể sẽ góp phần đánh giá được tâm lý của con người khi thực hiện các sứ mệnh lâu dài trên Sao Hỏa trong tương lai.
Tuy nhiên, vận mệnh của ISS đang ở thế treo lơ lửng. Bởi lẽ nguồn tài trợ hoạt động cho trạm sẽ sớm cạn kiệt vào năm 2025, khi trạm không gian này bước sang tuổi 25.
Tờ Russia Today từng tiết lộ hồi tháng Ba rằng, Nga và Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác xây dựng trạm vũ trụ thế hệ mới. Tuy nhiên, NASA sau đó đã phủ nhận mối quan hệ hợp tác này với Roscosmo.
Từ 2007, ISS đã trở thành vệ tinh nhân tạo lớn nhất trong quỹ đạo Trái Đất, lớn hơn bất kỳ trạm không gian nào từng được xây dựng. ISS di chuyển trong không gian với vận tốc trung bình là 27.743,8 km/giờ, ứng với 15,79 lần bay quanh Trái Đất mỗi ngày.
Hiện tại ở trên trạm là 6 phi hành gia thuộc phi hành đoàn số 45. Trạm vũ trụ được cung cấp các nhu yếu phẩm, thiết bị cần thiết từ tàu vũ trụ Soyuz, Tàu vận tải Tiến bộ (Progress) của Nga và các phi thuyền con thoi của Mỹ.
Cung cấp năng lượng hoạt động cho toàn bộ trạm vũ trụ là hệ thống điện mặt trời hai mặt có thể vận hành hiệu quả trong điều kiện nhiệt độ thấp hơn ở Trái Đất. Một mặt của tấm cell pin sẽ thu thập năng lượng mặt trời và mặt kia sẽ thu thập ánh sáng phản chiếu từ bề mặt Trái Đất ra ngoài không gian.
Tính đến nay sau 15 năm hoạt động, trạm vũ trụ quốc tế ISS đã đón hơn 200 người từ 17 quốc gia trên thế giới. Đã có hơn 1.200 ấn phẩm khoa học dựa trên 1.760 nghiên cứu trên trạm được phát hành. Quan trọng hơn, 42 triệu học sinh trên Trái Đất đã được hưởng lợi nhờ những hoạt động giáo dục được thực hiện từ trạm ISS.
Tiến Thanh
Theo NASA, Engadget và Wikipedia