Tìm hướng đi cho điện mặt trời
Năng Lượng Mặt TrờiTin Tức Năng Lượng Tháng Hai 15, 2017 Năng Lượng News
Nangluong.news – Theo đánh giá của giới chuyên gia, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng phát triển điện mặt trời rất lớn với cường độ bức xạ mặt trời trung bình khoảng 5kWh/m2/ngày và số giờ nắng cao 1.700-2.500 giờ/năm. Tuy nhiên, có một thực tế, việc phát triển điện mặt trời của Việt Nam lại rất khiêm tốn.
Kết quả khiêm tốn
Năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng luôn được xem là yếu tố nền tảng cho sự phát triển an toàn, ổn định cho mọi quốc gia, vùng lãnh thổ. Vậy nên, trong bối cảnh các nguồn năng lượng truyền thống ngày càng cạn kiệt, phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời được xem là giải cho bài toán năng lượng đối với mọi nền kinh tế.
Ở Việt Nam, với những tiềm năng lớn về năng lượng gió, năng lượng sinh khối… và đặc biệt là năng lượng mặt trời, phát triển năng lượng tái tạo đã được đặt ra là vấn đề cấp bách, là nhiệm vụ trọng tâm đối với ngành điện và được Chính phủ cụ thể hóa bằng Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo. Điều này cũng được khẳng định trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh khi Việt Nam đặt mục tiêu đưa tổng công suất nguồn điện mặt trời từ mức không đáng kể hiện nay lên khoảng 850MW vào năm 2020; khoảng 4.000MW vào năm 2025 và khoảng 12.000MW vào năm 2030. Tỷ trọng điện mặt trời tương ứng là 0,5%, 1,6% và 3,3%.
Hệ thống điện mặt trời tại Vườn quốc gia Yok Don(do SolarV Vũ Phong lắp đặt năm 2014)
TS Nguyễn Huy Hoạch – chuyên gia của Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam khi đề cập đến vấn đề này đã khẳng định: Phát triển năng lượng tái tạo đang là vấn đề được cả thế giới quan tâm, đặc biệt là điện mặt trời. Việc tiếp cận để tận dụng nguồn năng lượng mới này không chỉ góp phần cung ứng kịp nhu cầu năng lượng cho xã hội mà còn giúp tiết kiệm điện năng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mà Việt Nam lại là đất nước rất giàu tiềm năng về điện mặt trời khi có cường độ bức xạ mặt trời thuộc diện tốt nhất thế giới, trung bình tổng bức xạ năng lượng mặt trời dao động 4,3-5,7kWh/m2. Số giờ nắng trung bình được khi nhận ở mức cao, trung bình 2.000-2.600 giờ/năm ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ…
Mặc dù có nhiều tiềm năng như vậy, nhưng theo TS Hoạch, việc khai thác nguồn năng lượng mặt trời ở Việt Nam cho đến nay lại rất khiêm tốn, không đáng kể. Hầu hết các dự án điện mặt trời chỉ ở quy mô nhỏ, tập trung chủ yếu vào việc khai thác nhiệt năng từ năng lượng mặt trời. Trong khi đó, việc phát triển năng lượng mặt trời ở Việt Nam đã bắt đầu từ năm 1998 với các ứng dụng điện mặt trời cho hộ gia đình, các trung tâm dịch vụ, hệ thống đun nước mặt trời, hệ thống đèn điện…
Trong khi đó, theo nghiên cứu của Trung tâm Năng lượng tái tạo và Cơ chế phát triển sạch (Viện Năng lượng, Bộ Công Thương), hầu hết các dự án năng lượng mặt trời tại Việt Nam chỉ có quy mô nhỏ, kết hợp với các nguồn điện khác và tập trung chủ yếu ở khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. Đáng chú ý là Dự án phát điện ghép giữa pin mặt trời và thủy điện nhỏ với công suất 125kW, trong đó công suất của hệ thống pin mặt trời là 100kW, được đưa vào vận hành từ cuối năm 1999, cấp điện cho người dân xã Trang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Dự án lai ghép giữa điện mặt trời (7kW) và điện gió (2kW) được đưa vào sử dụng từ tháng 11-2000, cấp điện cho 42 hộ gia đình tại làng Kongu 2, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum. Tại một số xã, huyện đảo như Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu), Phú Quý (Bình Thuận) kết hợp sử dụng điện mặt trời với nguồn diesel.
EVN đi tiên phong
Như đã đề cập ở trên, năng lượng mặt trời, mà cụ thể là điện mặt trời được xác định có vai trò đặc biệt quan trọng góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Trong khi đó, mặc dù được xác định là quốc gia có nhiều tiềm năng về năng lượng mặt trời nhưng Việt Nam lại hầu như chưa khai thác được đáng kể. Xuất phát từ thực tế đó, với vai trò là đầu tàu, trụ cột của ngành năng lượng, là đơn vị chủ lực đảm bảo cung điện cho nền kinh tế, với trách nhiệm xã hội của mình, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ban hành Nghị quyết về nghiên cứu phát triển điện mặt trời.
Theo đó, EVN đã giao cho Ban Quản lý Dự án Thủy điện 6 nghiên cứu triển khai dự án điện mặt trời trên cạn và nổi trên mặt hồ tại công trình Thủy điện Trị An. Cụ thể, phần trên cạn có công suất lắp đặt khoảng 100MW, diện tích đất sử dụng khoảng 120ha, đấu nối vào lưới điện 110kV hoặc 220kV hiện có trong khu vực. Phần nổi trên mặt hồ dự kiến công suất lắp đặt khoảng 10MW, diện tích sử dụng khoảng 120.000m2 diện tích hồ thủy điện, ưu tiên gần lưới điện phân phối (22kV) hiện có, không ảnh hưởng đến giao thông thủy và các hoạt động kinh tế liên quan (vận hành thủy điện, đánh bắt thủy sản…), không ảnh hưởng đến kết cấu đập.
Ngoài ra, EVN còn giao một số đơn vị phối hợp với Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 4 (PECC4) nghiên cứu bước đầu Dự án Điện mặt trời nổi trên hồ Thủy điện Đa Mi (tỉnh Bình Thuận), với công suất dự kiến khoảng 28,8MW; Dự án Nhà máy điện mặt trời nổi tại hồ Thủy điện Đồng Nai 4 (tỉnh Đồng Nai) cùng công suất 28,8MW. Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) cũng đề xuất nghiên cứu đầu tư Dự án Trang trại điện mặt trời tại Khánh Hòa. Tổng Công ty Phát điện 1 (EVNGENCO 1) cũng nghiên cứu đề xuất và triển khai lắp đặt các dự án điện mặt trời trên mặt hồ thủy điện do EVNGENCO 1 quản lý tại khu vực miền Trung.
Ông Nguyễn Khắc Sơn – Tổng giám đốc EVNGENCO 1 cho hay: “Việc nghiên cứu phát triển đầu tư xây dựng các dự án điện mặt trời trên mặt hồ thủy điện khu vực miền Trung không chỉ bổ sung nguồn điện, mà còn là một trong những giải pháp tích cực, đảm bảo thực thi chỉ tiêu về giảm phát thải khí nhà kính mà Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị COP 21 vừa qua”.
Mặc dù các nhà đầu tư đã bắt đầu đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng dự án điện mặt trời tại Việt Nam, nhưng theo tìm hiểu, hầu hết các dự án vẫn còn nằm trên giấy. Bên cạnh đó, trình tự, thủ tục xin cấp phép xây dựng, bổ sung dự án điện mặt trời vào quy hoạch điện lực của quốc gia và từng địa phương còn rườm rà. Và đây chính là những rào cản đòi hỏi các cơ quan quản lý, các cấp chính quyền vào cuộc tháo gỡ trong thời gian tới để điện mặt trời có thể phát triển, đạt mục tiêu đề ra.
Nếu là các dự án điện sinh khối thì công suất sẽ rất khiêm tốn, chi phí đầu tư lớn. Còn điện gió thì theo tính toán, để làm được 1MW điện gió phải cần đến 2ha mặt bằng và chỉ làm được ở một số khu vực. Đặt turbine gió thì cũng lo không biết có chạy được không, rồi mưa bão có hỏng không… Nhưng với điện mặt trời thì khác, để làm được 1MW điện mặt trời chỉ cần 1ha mặt bằng và có thể làm ở mọi vùng, miền trên cả nước, nhất là việc sử dụng các panel đặt trên mái nhà, chi phi lại thấp khi 1 bộ pin mặt trời nối lưới với công suất 3-4kW chỉ khoảng 80-100 triệu đồng. Và nếu nhà nào cũng đặt thì công suất thu về sẽ rất lớn. Lợi ích kinh tế mà nó mang lại cũng rất lớn, không chỉ cho ngành điện mà cả các hộ gia đình. Bởi nếu 1 nhà dùng 1 tháng khoảng 300-400kWh thì cũng chỉ mất 6-7 năm là có thể thu hồi được vốn, trong khi mái nhà được phủ pin cũng mát mẻ hơn. (GS.TSKH Trần Đình Long) |
Nguồn: Petrotimes.vn