Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Tiềm năng về năng lượng tái tạo ở Việt Nam là rất lớn gồm: điện sinh khối, rác thải rắn, gió, năng lượng mặt... Tiềm năng năng lượng tái tạo có phải chỉ là lý thuyết?

Tiềm năng về năng lượng tái tạo ở Việt Nam là rất lớn gồm: điện sinh khối, rác thải rắn, gió, năng lượng mặt trời, thủy triều… Nhưng đó chỉ là những tiềm năng lý thuyết.

Đó là nhận định được nhiều chuyên gia đưa ra tại Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2017 do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức mgày 8/9, tại Hà Nội.

Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện Năng lượng, Bộ Công Thương, xét về tổng quan, tiềm năng về năng lượng tái tạo ở Việt Nam là rất lớn gồm: điện sinh khối, rác thải rắn, gió, năng lượng mặt trời, thủy triều… Nhưng đó chỉ là những tiềm năng lý thuyết; để đi đến tiềm năng kỹ thuật là khoảng cách rất dài.

Đơn cử như năng lượng mặt trời, với tiềm năng lý thuyết đưa ra là khoảng 6 triệu MW, tiềm năng kỹ thuật là khoảng hơn 300.000 MW. Tuy nhiên, từ tiềm năng kỹ thuật này để đi đến tiềm năng kinh tế thì con số sẽ còn giảm đi rất nhiều.

Tại diễn đàn này, các diễn giả cũng đã đưa ra nhiều quan điểm, đánh giá về bức tranh tổng thể của năng lượng quốc gia, năng lượng tái tạo và ứng dụng công nghệ mới về năng lượng để phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo.

Theo thông tin tại diễn đàn, tính đến cuối năm 2016, tiềm năng cho phát điện gió ở Việt Nam là từ 3.000-6.000 MW, nhưng thực tế chỉ đạt 159MW nối lưới; tiềm năng điện mặt trời là khoảng 10.000 MW, nhưng thực tế chỉ đạt 6 MW (riêng nối lưới chỉ đạt 0,18 MW).

Rõ ràng, hiện trạng phát triển năng lượng tái tạo chưa tương xứng với tiềm năng. Tính đến tháng 7/2017, số dự án đăng ký phát triển điện gió, mặt trời và sinh khối ước tính có hơn 250 dự án với tổng công suất khoảng gần 25.000 MW.

Các chuyên gia cũng cho rằng, phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam chưa được các nhà đầu tư quan tâm chủ yếu do vốn đầu tư ban đầu rất lớn và là một trong các trở ngại lớn nhất.

Bên cạnh đó, chi phí sản xuất quy dẫn của năng lượng tái tạo còn cao hơn so với các dạng năng lượng truyền thống khác, chưa tính đến các chi phí hệ thống khác. Hiện giá bán lẻ điện năng lượng tái tạo bình quân là 1.622 VND/kWh (7,2 US cents/kWh).

Mặt khác, cơ chế giá khuyến khích mua điện chưa cao; khó khăn và chi phí cho việc đấu nối vào hệ thống điện quốc gia; thiếu kinh nghiệm phát triển và thiếu kỹ sư và nhân công lành nghề cho các dự án…

Trong bối cảnh nhu cầu năng lượng tăng cao, để đáp ứng phát triển kinh tế-xã hội, Đảng và Chỉnh phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy sử dụng hiệu quả năng lượng, đa dạng hóa các nguồn cung cấp đồng thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các nguồn năng lượng mới, tái tạo để nâng cao năng lực, hiệu quả, tính bền vững và thích ứng cho năng lượng quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho rằng, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc đảm bảo an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững. Việt Nam đã chuyển từ xuất khẩu năng lượng sang nhập khẩu và mức độ phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu ngày càng tăng; cung-cầu năng lượng nói chung và cung-cầu điện nói riêng đang gặp nhiều khó khăn.

Do đó, để có thể đáp ứng được nhu cầu năng lượng của nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam thì vấn đề then chốt là cần làm chủ công nghệ để từng bước nội địa hóa công nghệ, thiết bị, tránh phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu.

Trong thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai nhiều chương trình nghiên cứu trọng điểm nhằm giải quyết các bài toán công nghệ trong ngành năng lượng; trong đó có Chương trình Khoa học Công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng”.

Để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, các chuyên gia tại diễn đàn cũng kiến nghị, Chính phủ cần tiếp tục có các cơ chế hỗ trợ, chính sách; thiết lập các quỹ hỗ trợ năng lượng tái tạo để hỗ trợ các dự án điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối; tổ chức tập huấn nâng cao, hợp tác với các trường và viện nghiên cứu đào tạo nâng cao năng lực cho nhân lực trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh thủy điện đã hết tiềm năng, phát triển nhiệt điện than cần hướng đến phát triển công nghệ than sạch làm cơ sở cho sự phát triển bền vững. Ngoài ra, cần tăng cường các biện pháp quản lý để nâng cao hệ số thu hồi, giảm tổn thất khai thác…/.

Nguồn bnews.vn