Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Nangluong.news – Thủ tướng đồng ý về chủ trương để Bạc Liêu thành lập Trung tâm sản xuất tôm thâm canh Việt Nam ở... Thủ tướng đồng ý lập Khu công nghệ cao phát triển tôm ở Bạc Liêu

Nangluong.news – Thủ tướng đồng ý về chủ trương để Bạc Liêu thành lập Trung tâm sản xuất tôm thâm canh Việt Nam ở Bạc Liêu.

Sáng 20/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Bạc Liêu. Cùng dự có lãnh đạo một số Bộ. Tại buổi làm việc, Thủ tướng đồng ý về chủ trương để tỉnh thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu.

thu_tuong_2_NOOKThủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu

Thế mạnh lớn nhất của Bạc Liêu là có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất vùng Đồng bằng Sông Cửu Long với gần 1.280km2, tương đương gần một nửa diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Năm nay, dù tác động xấu từ biến đổi khí hậu, nhưng dự tính, xuất khẩu thủy sản vẫn đạt khoảng 3,2 tỷ USD. Bạc Liêu còn là tỉnh có sản lượng tôm đứng thứ hai cả nước, với sản lượng khoảng 105.000 tấn/năm, mang lại giá trị kinh tế khoảng 500 triệu USD/năm với nhiều mô hình nuôi đa dạng như thâm canh, siêu thâm canh, quảng canh cải tiến, tôm – luá, tôm – rừng… Bạc Liêu cũng là trung tâm sản xuất tôm giống của cả khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và cả nước. Tuy nhiên, kinh tế của tỉnh vẫn dựa chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp, với trên 45,7%. Do đó, biến đổi khí hậu những tháng qua khiến tăng trưởng kinh tế nửa đầu năm của tỉnh chỉ đạt 5,09%. Sản xuất diêm nghiệp cũng khó khăn do mưa trái mùa.

Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện các Bộ đánh giá cao đề xuất của Bạc Liêu về việc kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương cho tỉnh thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu. Theo tỉnh Bạc Liêu, nếu có mô hình này, sản lượng tôm có thể tăng gấp 10 lần so với trước, từ 10 – 15 tấn lên 100 đến 150 tấn/héc ta.

Tuy nhiên, đại diện các Bộ cho rằng, tỉnh cần lưu ý đầu tư trọng tâm, trọng điểm, xây dựng mô hình nuôi tôm công nghệ cao khép kín từ khâu sản xuất tôm giống, sản xuất thức ăn, khu nuôi tôm và nhà máy chế biến, tránh gây ô nhiễm môi trường. Các Bộ cũng đề nghị tỉnh cần đẩy mạnh giải ngân vốn xây dựng cơ bản, vì hiện tỷ lệ giải ngân mới đạt 30%; thu hút các dự án năng lượng tái tạo dựa vào năng lượng gió và năng lượng mặt trời.

thu_tuong_1_IAGIThủ tướng kết luận tại buổi làm việc

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng đánh giá cao Bạc Liêu đã tìm ra hướng đi rõ nét để khắc phục khó khăn của tỉnh, trong bối cảnh tỉnh chịu tác động sâu của biến đổi khí hậu. Tỉnh đã có nhiều cố gắng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nỗ lực thu ngân sách, thu hút vốn đầu tư FDI; có vùng nuôi tôm công nghệ cao; công tác an sinh xã hội đảm bảo. Tuy nhiên Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh giải ngân vốn xây dựng cơ bản, thúc đẩy khởi nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển.

Về kiến nghị của tỉnh Bạc Liêu, thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, Thủ tướng đồng ý về mặt chủ trương.

Thủ tướng đề nghị: “Tinh thần xây dựng Trung tâm sản xuất tôm thâm canh Việt Nam, xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam gắn với bảo vệ môi trường trường bền vững là vấn đề đặt ra. Cho nên đồng ý với tỉnh sẽ quy hoạch Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu. Đây là hướng đi tỉnh đề xuất đúng, các bộ ngành và Thủ tướng cũng nhất trí. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì cùng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có chuyên đề để hỗ trợ chủ trương quan trọng này. Cần thực hiện đề án này ở địa bàn khó khăn. Lối ra đó địa phương đã tìm ra mà không tập trung hỗ trợ thì không giải quyết được”.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì đưa ra các giải pháp tổng thể ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung và Bạc Liêu nói riêng, trong đó có các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu về trung hạn.

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bạc Liêu đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án chế biến sâu, dự án công nghiệp. Thủ tướng yêu cầu tỉnh phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính toán giảm sản lượng muối, chỉ nên tiếp tục ngành muối truyền thống có thị trường tiêu thụ tốt, tránh sản xuất ra không bán được hoặc hiệu quả thấp.

Đối với các đề nghị của Bạc Liêu về hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ, Thủ tướng giao Bộ Giao thông – Vận tải phối hợp với tỉnh nghiên cứu tìm các nguồn vốn, thay vì trông chờ vào vốn ngân sách.

Cũng tại buổi làm việc, Bạc Liêu đề nghị Thủ tướng chấp thuận rút dự án Nhiệt điện Cái Cùng trên địa bàn tỉnh ra khỏi Quy hoạch Tổng sơ đồ điện 7, vì đây là nhà máy nhiệt điện than, có thể gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến định hướng phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản của tỉnh. Thủ tướng đồng ý về chủ trương và giao Bộ Công thương nghiên cứu, có giải pháp thay thế dự án khác bổ sung vào Quy hoạch Tổng sơ đồ điện 7. Trong đó, Thủ tướng lưu ý đến việc phát triển các nhà máy điện gió trên địa bàn Bạc Liêu, vì là tỉnh có tài nguyên gió lớn.

Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ cần quan tâm hỗ trợ Bạc Liêu thu hút được các dự án mang tính động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh.

“Các bộ ngành phải quan tâm đặc biệt đến Bạc Liêu, một tỉnh khó khăn ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Cần hỗ trợ để Bạc Liêu có những dự án động lực để hỗ trợ cho Bạc Liêu. Hiện đã có dự án nhà máy may 1.500 công nhân ở đây, và cần phải nghiên cứu để có thêm các dự án. Các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước cần nghiên cứu đầu tư vào Bạc Liêu và Đồng bằng Sông Cửu Long. Nếu có điều kiện thuận lợi thì nghiên cứu xem có thể có làm được cụm dệt may hoặc da giầy tại tỉnh không, nhất là các dự án chế biến sâu về sản phẩm tôm và giải quyết việc làm về tôm./.

Nguồn: VOV