Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Thách thức khi chuyển từ nhiệt điện than sang năng lượng tái tạo Thách thức khi chuyển từ nhiệt điện than sang năng lượng tái tạo
Năng lượng được xem là đầu vào quan trọng của các ngành sản xuất, kinh doanh cũng như đóng vai trò thiết yếu trong... Thách thức khi chuyển từ nhiệt điện than sang năng lượng tái tạo

Năng lượng được xem là đầu vào quan trọng của các ngành sản xuất, kinh doanh cũng như đóng vai trò thiết yếu trong sinh hoạt và tiêu dùng. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, nền kinh tế nước ta phát triển theo chiều rộng, thâm dụng năng lượng rất lớn và mô hình tăng trưởng dựa quá nhiều vào các ngành khai thác tài nguyên, công nghệ lạc hậu đã tiêu tốn, lãng phí nhiều năng lượng. Chính điều này đã đặt ra không ít thách thức cho an ninh năng lượng quốc gia trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội.

Năng lượng tái tạo-tiềm năng lớn nhưng còn gặp khó

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong 15 năm trở lại đây, mức tăng trưởng điện năng thương mại đã liên tục tăng cao, dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới. Nhu cầu điện năng cũng tăng nhanh với mức 13% giai đoạn 2006-2010 và 11% trong 5 năm gần đây. Dự kiến, ít nhất trong 10 năm tới, nhu cầu điện năng sẽ tăng trưởng trên dưới 10%.

Cụ thể, năm 2015, tổng năng lượng tiêu thụ toàn quốc vào khoảng 55 triệu tấn dầu quy đổi (TOE). Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2050 cũng đề ra mục tiêu phấn đấu bảo đảm đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội với sản lượng cụ thể là đến năm 2020, nhu cầu năng lượng sẽ vào khoảng 100-110 triệu TOE và 310-320 triệu TOE vào năm 2030.

Nước ta đang ở trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng các dạng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, hướng tới một nền kinh tế các-bon thấp, thân thiện với môi trường. Để tạo điều kiện cho sự phát triển năng lượng tái tạo trong tương lai, ngày 11-4-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, trong đó quy định giá mua đối với toàn bộ sản lượng điện từ các nhà máy điện mặt trời nối lưới là 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).

Đây được xem là một trong những quyết định được chờ đợi nhất đối với sự phát triển của năng lượng mặt trời tại Việt Nam do từ trước tới nay chưa có một cơ chế giá riêng cho điện năng sản xuất từ năng lượng mặt trời. Các nhà hoạch định chính sách năng lượng đang hy vọng vào sự “bùng nổ” của các dự án năng lượng mặt trời, trước hết ở những khu vực có tiềm năng tốt như các tỉnh duyên hải miền Trung. Đặc biệt, sự phát triển của năng lượng mặt trời sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển của hàng loạt nguồn năng lượng tái tạo trong thời gian tới như điện gió, điện sinh khối…

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc đầu tư cho năng lượng tái tạo không hề đơn giản, đặc biệt là suất đầu tư cao khiến giá điện ở mức cao. Ở thời điểm hiện tại, khi năng lượng mặt trời chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng sản lượng điện năng, yếu tố này ảnh hưởng không lớn đến giá điện. Nhưng trong cân bằng dài hạn, đây sẽ là yếu tố có ảnh hưởng nhất định đến giá điện.

Hướng đi nào cho ngành nhiệt điện than?

Tại Quy hoạch phát triển điện lực đến năm 2030 đã dự kiến đến năm 2020, tổng công suất nhiệt điện than khoảng 26.000MW, sản xuất khoảng 131 tỷ kWh điện, chiếm khoảng 49,3% điện sản xuất và tiêu thụ khoảng 63 triệu tấn than. Năm 2030, tổng công suất nhiệt điện than là khoảng 55.300MW, sản xuất khoảng 304 tỷ kWh, chiếm khoảng 53,2% điện sản xuất, tiêu thụ khoảng 129 triệu tấn than. Mặc dù quy hoạch đã điều chỉnh tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, song nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu nguồn điện, là giải pháp chủ đạo bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trong dài hạn.

Để bảo đảm an ninh năng lượng, nước ta đang chuyển đổi từ nước xuất khẩu năng lượng sang nhập khẩu năng lượng. Nếu trước đây, nước ta đã từng xuất khẩu năng lượng, điện sang Cam-pu-chia, Lào; xuất khẩu than lớn với cao điểm lên đến 20 triệu tấn/năm thì từ năm 2016, nước ta đã nhập khẩu gần 10 triệu tấn than và mua điện từ Trung Quốc. Các chuyên gia dự báo, đến năm 2020, nước ta cũng sẽ phải nhập khẩu khoảng gần 20 triệu tấn than và tăng mạnh hơn vào những năm sau đó.

Nhìn vào những con số trên có thể thấy, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn về nhu cầu năng lượng tăng cao, trong khi những ràng buộc về môi trường ngày càng chặt chẽ hơn. Điều này một mặt gây áp lực cho việc bảo đảm an ninh năng lượng, mặt khác tạo sức ép cho nền kinh tế trong việc huy động đủ nguồn vốn đầu tư cho ngành năng lượng. Trong bối cảnh các nguồn điện từ thủy điện đã khai thác hết tiềm năng, điện hạt nhân đã dừng đầu tư… thì nhiệt điện than vẫn là nguồn điện quan trọng cho đất nước trong khoảng 10-20 năm tới.

Các chuyên gia đều chung quan điểm, vấn đề không phải là có phát triển nhiệt điện than hay không mà là làm sao phát triển nhiệt điện than vừa nhằm đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng, vừa không hủy hoại môi trường. Phân tích vấn đề này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, nhiều ý kiến đang lo ngại về nhiệt điện than tác động xấu đến môi trường nhưng với bối cảnh nền kinh tế hiện nay, phát triển nhiệt điện than là “bắt buộc”. Vấn đề đặt ra là sử dụng công nghệ nào để ứng dụng trong nhiệt điện than mới là quan trọng. Để làm được điều này, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho công nghệ hiện đại bằng chính sách giá điện đủ hấp dẫn.

Hiện Chính phủ đang có những chiến lược để điều chỉnh giá điện phù hợp để vừa quan tâm đến nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của nhân dân; mặt khác tính toán điều chỉnh giá điện để khuyến khích đầu tư các nguồn cung năng lượng, đặc biệt là các nguồn cung năng lượng tái tạo trong thời gian tới. Các chuyên gia đánh giá, đã đến lúc phải phân định rõ đâu là giá điện phục vụ công ích, đâu là giá phục vụ kinh doanh theo thị trường. Với chiến lược rành mạch như trên, giá năng lượng nói chung, giá điện nói riêng sẽ theo kịp thị trường và mặt bằng chung của quốc tế là điều sớm khả thi.

Theo thống kê, hiện Việt Nam có 20 nhà máy nhiệt điện đốt than đang hoạt động, với tổng công suất lắp đặt khoảng 13.110MW. Tất cả các nhà máy nhiệt điện đang xây dựng và đã đi vào vận hành đều có Báo cáo đánh giá tác động môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định và phê duyệt. Trong số này, các nhà máy nhiệt điện than của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đều đã được xây dựng phương án xử lý khí thải, nước thải, chất thải rắn đúng theo quy định. Cụ thể, về xử lý khí thải, các dự án mới đưa vào vận hành và đang triển khai xây dựng sẽ được trang bị các hệ thống xử lý, bảo vệ môi trường đáp ứng các quy định hiện hành.

Riêng các nhà máy nhiệt điện than cũ, EVN đã tiến hành rà soát, lập phương án cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý khí thải, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2018-2019. Bên cạnh đó, toàn bộ nhà máy nhiệt điện đốt than của EVN đều được thiết kế, xây dựng hệ thống xử lý nước thải công nghiệp để đạt được quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Các hệ thống xử lý nước thải tập trung được kiểm tra định kỳ, bảo đảm hiệu suất thiết kế. Để xử lý chất thải rắn, các nhà máy nhiệt điện than ở miền Bắc và một số nhà máy nhiệt điện than miền Nam đã có hợp đồng với đơn vị tiêu thụ toàn bộ tro xỉ. Bãi xỉ được chia thành các ô lưu giữ và lắp đặt hệ thống tưới nước mạch vòng với các vòi phun tự động.

Bảo đảm môi trường trong các dự án phát triển nhiệt điện than đang là bài toán tương đối nhức nhối, đau đầu với các nhà quản lý. Phân tích vấn đề này, ông Ngô Đông Hải, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, việc bảo đảm môi trường khi triển khai các nhà máy nhiệt điện chắc chắn phải được đặt lên hàng đầu.

Kinh nghiệm từ các nước trên thế giới cho thấy, nếu quan tâm đúng mức đến công nghệ và có chiến lược ngay từ đầu khi xây dựng dự án thì các nhà máy nhiệt điện than sẽ thỏa mãn đủ các yêu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Trong bối cảnh nước ta hiện nay, nếu quá chú trọng cho phát triển nhiệt điện than sẽ phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu. Nhưng nếu không tính toán thận trọng thì an ninh năng lượng cũng là bài toán hóc búa.

Để giải bài toán an ninh năng lượng, ông Ngô Đông Hải cũng cho rằng cần phải đặt vấn đề tiết kiệm năng lượng lên tất cả các diễn đàn. Để giải quyết bài toán tiết kiệm phải xuất phát từ ít nhất 2 yếu tố là công nghệ và hành vi. Đặc biệt trong sản xuất, yếu tố công nghệ phải đặt lên hàng đầu. Tiết kiệm năng lượng phải là yêu cầu bắt buộc và được đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật, như vậy vừa bảo đảm giảm áp lực về an ninh năng lượng, đồng thời cũng là cơ hội để nền kinh tế chuyển đổi công nghệ, tiếp cận năng lượng hiện đại tiết kiệm, thân thiện môi trường, bảo đảm phát triển bền vững trong thời gian tới.