Mỹ sử dụng hệ thống chiếu sáng bằng năng lượng bước chân để bảo vệ môi trường
Tin Tức Năng Lượng Tháng tư 4, 2016 Năng Lượng News
Nangluong.news – Bên cạnh năng lượng mặt trời, năng lượng gió, thì năng lượng đến từ bước chân cũng đang được xem xét để trở thành một nguồn năng lượng sạch cho cuộc sống hàng ngày của con người.
Las Vegas – thành phố được dựng nên từ ước mơ, hy vọng, và cả một chút sự điên rồ – giống như một tấm gương phản chiếu lại chính thái độ sống của những con bạc thường xuyên lui tới nơi đây. Và có lẽ, chút “điên rồ” đó cũng đã lan tỏa tới cả chính những nhà chức trách của thành phố.
Cụ thể hơn, Las Vegas đang bắt tay vào tiến hành thay thế toàn bộ đèn đường chiếu sáng của thành phố bằng một hệ thống mới, sử dụng động lực học làm nguồn cung cấp điện năng. Dự án này được thực hiện bởi công ty công nghệ xanh EnGoPLANET, và khu vực Boulder Plaza của thành phố Las Vegas sẽ là nơi đầu tiên trên thế giới áp dụng công nghệ chiếu sáng mới này.
Ý tưởng đằng sau dự án này hết sức đơn giản. Hệ thống đèn sử dụng các tấm cảm biến động năng được lắp xung quanh làm nguồn năng lượng chính. Khi các phương tiện giao thông lưu thông trên các tấm cảm biến, động năng sẽ được chuyển hóa thành điện năng cung cấp cho đèn đường. Sẽ có các cảm biến chuyển động được lắp đặt để đảm bảo đèn chỉ được bật khi cần thiết, ngoài ra còn vô số các cảm biến khác để kiểm tra chất lượng không khí, độ ẩm, mật độ giao thông, v…v…
Đây tỏ ra là một dự án hết sức táo bạo và đầy tham vọng của các nhà chức trách thành phố Las Vegas, bởi trước đây ý tưởng sử dụng động năng làm nguồn năng lượng vẫn chưa xuất hiện nhiều. Đồng thời, dự án này còn khiến mọi người nhớ tới hệ thống đèn năng lượng mặt trời ở Pháp – đã từng thu hút sự chú ý của rất nhiều trang tin trước đây.
Hệ thống chiếu sáng của EnGoPLANET sẽ được sử dụng để thay thế đèn đường tại một số khu vực thử nghiệm, và nếu chúng thành công, có lẽ ban lãnh đạo thành phố sẽ áp dụng dự án này lên toàn bộ Las Vegas. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa rõ hiệu quả của hệ thống chiếu sáng điện năng ra sao, nhất là khi so sánh với một nguồn năng lượng tái tạo khác phổ biến hơn – điện mặt trời.
Theo tính toán của các nhà khoa học, các tấm cảm biến động năng có thể tạo ra năng lượng cho đèn đường chiếu sáng trong vòng 30 giây đối với mỗi một bước chân. Điều này đồng nghĩa với việc, để đèn có thể chiếu sáng liên tục 12 giờ đồng hồ, sẽ cần 1440 bước chân qua lại trên mỗi tấm cảm biến. Điều này nghe chừng có vẻ đơn giản đối với những khu vực sầm uất tập trung mật độ dân số cao, nhưng đối với các khu vực khác, tính khả thi sẽ thấp hơn rất nhiều.
Dự án của EnGoPLANET dựa trên nền tảng cơ bản rằng, hệ thống đèn đường mới có thể giảm thiểu chi phí bảo trì, trong khi làm được những điều có lợi hơn đối với môi trường của chúng ta. Điều này nghe có vẻ rất hấp dẫn – nếu như nó thực sự chính xác.
Bởi lẽ, do sử dụng công nghệ cao hơn hẳn so với hệ thông chiếu sáng cũ, với vô số các thiết bị và cảm biến khác nhau, xác suất xảy ra tình trạng lỗi, hỏng một hoặc một vài bộ phận theo đó cũng tăng cao hơn rất nhiều. Hơn nữa, việc bảo trì cũng sẽ phức tạp và khó lường hơn – chẳng hạn như nếu các tấm cảm biến động năng bị hỏng thì thay thế chúng như thế nào? Theo dõi tính ổn định của các thiết bị cũng sẽ khó khăn hơn, chứ không đơn giản như việc quan sát xem bóng đèn có bị cháy hay không.
Tất nhiên, kết quả cuối cùng của “canh bạc” mà ban lãnh đạo thành phố Las Vegas tham gia vào, cần rất nhiều thời gian nữa mới có câu trả lời.
(Tham khảo TechInsider) / Nguồn: Genk