Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Tại các Thủ đô Xanh của châu Âu như Lisbon (Bồ Đào Nha), Oslo (Na Uy), Nijmegen (Hà Lan)… năng lượng tái tạo được... Sử dụng năng lượng tái tạo – Nhìn từ các Thủ đô Xanh

Tại các Thủ đô Xanh của châu Âu như Lisbon (Bồ Đào Nha), Oslo (Na Uy), Nijmegen (Hà Lan)… năng lượng tái tạo được sử dụng một cách rộng rãi và linh hoạt, bên cạnh các biện pháp bảo vệ hệ sinh thái, hướng đến phát triển bền vững.

Thành phố Lisbon (Bồ Đào Nha) – Thủ đô Xanh của châu Âu 2020

Lisbon là thủ đô xinh đẹp nằm bên bờ Đại Tây Dương tiên phong trong hành trình giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm năng lượng và nước, bảo vệ môi trường. Sau khi Lisbon đạt mức giảm 50% lượng khí thải CO2, giảm 23% tiêu thụ năng lượng và 17% tiêu thụ nước, năm 2016, Thị trưởng Lisbon đã ký kết giao ước về biến đổi khí hậu và năng lượng, giúp Lisbon là thủ đô đầu tiên của châu Âu ký kết giao ước này. Tại Lisbon, năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời, được phát triển mạnh, không chỉ ở các nhà máy điện mặt trời, các hệ thống điện mặt trời trên mái nhà mà cả ở các phương tiện giao thông.

Lisbon đã đưa ra các biện pháp hạn chế sử dụng xe hơi và ưu tiên xe đạp, giao thông công cộng và đi bộ. Xe điện được khuyến khích, hiện chiếm 39% lượng xe của thành phố. Mạng lưới các trạm sạc năng lượng được xây dựng giúp người dân sử dụng miễn phí. Đặc biệt, người dân Lisbon đã sáng tạo ra những xe scooter chạy bằng điện (xe hai bánh có chỗ đứng cho 1 chân, chân còn lại sẽ đẩy xe). Chính quyền Lisbon cũng như tại Bồ Đào Nha khuyến khích người dân lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời và hệ thống năng lượng tái tạo với chi phí thấp để tạo điện sạch sử dụng cũng như bán lại điện cho ngành điện. Bồ Đào Nha đang có kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng điện tạo ra từ nguồn năng lượng tái tạo, đặt mục tiêu đến năm 2030 năng lượng sạch cung cấp cho 80% lượng điện năng tiêu thụ tại quốc gia này.

su-dung-nang-luong-tai-tao-nhin-tu-cac-thu-do-xanh-1Các tấm pin mặt trời tại Tòa thị chính của Lisbon – một trong những tòa nhà di sản quan trọng nhất ở Bồ Đào Nha (Ảnh internet)

Thành phố Oslo (Na Uy) – Thủ đô Xanh của châu Âu 2019

Có thể nói Oslo là thành phố truyền cảm hứng về các sáng kiến phát triển bền vững giúp giảm phát thải khí CO2, sử dụng năng lượng tái tạo, đa dạng sinh học, giao thông… Đây là thành phố có lượng xe điện thân thiện môi trường nhiều nhất trên thế giới, nơi có hàng loạt công viên cây xanh trải đều khắp thành phố, không gian xanh mát, trong lành. Tổng diện tích 500km2 nhưng Oslo chỉ xây dựng nhà cửa cao tầng trên diện tích 115km2, còn lại dành cho công viên, nhà vườn, rừng, ao hồ… Tại Oslo có một nhà máy điện được xây dựng dưới tầng hầm của khu ẩm thực lớn nhất thành phố, sản xuất điện bằng hệ thống thu hồi nhiệt từ khu ẩm thực, các giếng địa nhiệt và tấm pin năng lượng mặt trời, cung cấp cho hơn 80% lượng điện sinh hoạt cho toàn bộ khu phố.

Năm 2019, Oslo Airport City (nằm bên cạnh sân bay Oslo) được khởi công xây dựng, là thành phố sử dụng hoàn toàn năng lượng sạch với những công nghệ mới như ứng dụng công nghệ giao thông xanh: xe tự lái, đèn chiếu sáng tự động, hệ thống xử lý rác thải thông minh hoạt động bằng năng lượng tái tạo… Oslo đang hướng tới mục tiêu cắt giảm 95% lượng khí thải vào năm 2030 sau khi đạt mốc 36% vào cuối năm 2019.

su-dung-nang-luong-tai-tao-nhin-tu-cac-thu-do-xanh-2Oslo – thành phố hiện đại từng được xếp hạng nhất về chất lượng sống trong các thành phố lớn của châu Âu (Ảnh internet)

Nijmegen (Hà Lan) – Thủ đô Xanh của châu Âu 2018

Nằm bên dòng sông Waal êm đềm, Nijmegen là đô thị cổ nhất của xứ sở hoa tulip với hơn 2.000 năm tuổi. Nét đẹp của Nijmegen đến từ những ngọn đồi bao la, cánh rừng bạt ngàn, những con đê uống quanh ven thành phố và những công trình cổ kính đan xen hiện đại. Cuộc sống thảnh thơi, chậm rãi của người dân Nijmegen chủ yếu gắn với những chiếc xe đạp, bên cạnh đó là xe buýt chạy bằng khí sinh học. Trên mái các tòa nhà trên thành phố, các tấm pin năng lượng mặt trời được lắp đặt để cung cấp năng lượng sạch. Hiện có khoảng 1.500 tấm pin mặt trời được lắp đặt trên mái các tòa nhà, với khoảng 1.400m2 mái nhà xanh. Ngoài mái nhà, người dân còn tận dụng khoảng không của sân thượng, các khu đất để lắp đặt các tấm pin mặt trời, biến mỗi ngôi nhà trở thành thành một trạm phát điện năng lượng tái tạo, tạo điện sạch cung cấp cho gia đình. Tại Nijmegen, chất thải được tái chế để tiết kiệm nguồn tài nguyên, đồng thời giảm chi phí cho việc thu gom và xử lý rác thai. Nijmegen đang đặt mục tiêu tăng tỷ lệ tái chế chất thải từ 67% lên 75% trong 2 năm tới.

Copenhagen (Đan Mạch) – Thủ đô Xanh của châu Âu 2018

Bầu không khí trong lành, không gian yên bình với nhiều công viên và khoảng xanh công cộng, đường phố nhiều xe đạp, những khách sạn thân thiện với môi trường… là những ấn tượng mà Copenhagen (Đan Mạch) – quê hương của “Nàng tiên cá” và món đồ chơi ghép hình LEGO – để lại cho những ai đã đặt chân đến đây. Copenhagen đang tiếp tục triển khai nhiều sáng kiến với mục tiêu trở thành thành phố trung hòa khí carbon đầu tiên vào năm 2025.

su-dung-nang-luong-tai-tao-nhin-tu-cac-thu-do-xanh-3Thành phố Copenhagen xinh đẹp (Ảnh internet)

Bên cạnh xe đạp là phương tiện chính, tại Copenhagen còn có hệ thống xe buýt điện, những chiếc thuyền GoBoat chạy bằng điện hoặc năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời. Ở thủ đô này còn có các nhà máy xử lý chất thải để tạo năng lượng và hơi ấm cho hệ thống sưởi. 60% phòng khách sạn ở Copenhagen có giấy chứng nhận thân thiện với môi trường. Thậm chí mỗi khách sạn đều có một quản lý phụ trách các vấn đề về môi trường để đảm bảo khách sạn đáp ứng các tiêu chuẩn hàng đầu, từ thiết kế, năng lượng, thực phẩm bền vững… Không chỉ các nhà hàng lớn, các tiểu thương cũng phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về môi trường, chẳng hạn như sử dụng bao bì tự hủy sinh học, sản phẩm từ động vật chăn thả tự do…

Xem thêm: Điện năng lượng mặt trời – một phần quan trọng trong phát triển du lịch xanh

“Thủ đô Xanh của châu Âu” là một giải thưởng uy tín của Ủy ban châu Âu. Giải thưởng này được trao cho thành phố trong khu vực châu Âu, đáp ứng tốt nhất 12 tiêu chí về môi trường và cam kết sẽ thực hiện các mục tiêu đưa ra nhằm cải thiện môi trường, hướng tới phát triển bền vững.

12 tiêu chí môi trường bao gồm: Biến đổi khí hậu, giao thông địa phương, khu vực xanh của đô thị, đa dạng sinh học, chất lượng không khí, tiếng ồn, quản lý chất thải, kinh tế thủy lợi, quản lý hệ thống thoát nước, đổi mới sinh thái, hiệu quả năng lượng và quản lý môi trường.

Các giải “Thủ đô Xanh châu Âu” qua các năm được trao cho:

  • Năm 2010: Stockholm (Thụy Điển)
  • Năm 2011: Hamburg (Đức)
  • Năm 2012: Vitoria-Gasteiz (Tây Ban Nha)
  • Năm 2013: Nantes (Pháp)
  • Năm 2014: Copenhagen (Đan Mạch)
  • Năm 2015: Bristol (Anh)
  • Năm 2016: Ljubljana (Slovenia)
  • Năm 2017: Essen (Đức)
  • Năm 2018: Nijmegen (Hà Lan)
  • Năm 2019: Oslo (Na Uy)
  • Năm 2020: Lisbon (Bồ Đào Nha)
  • Năm 2021: Lahti (Phần Lan)

Nguồn: Tổng Hợp