Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
TP. Hồ Chí Minh là một đô thị đặc biệt, tập trung đông dân cư và có nhiều DN đang hoạt động sản xuất,... Sử dụng năng lượng tái tạo hiệu quả

TP. Hồ Chí Minh là một đô thị đặc biệt, tập trung đông dân cư và có nhiều DN đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, nên nhu cầu tiêu thụ năng lượng rất lớn. Chỉ tính riêng năng lượng điện, bình quân mỗi năm thành phố tiêu thụ khoảng 22 tỷ kWh điện, chiếm 15% so với cả nước.

TP. HCM và khu vực ĐBSCL là vùng có tiềm năng lớn nhất cả nước về phát triển năng lượng mặt trời

Với nhu cầu tiêu thụ như vậy, trong khi nguồn điện cung cấp cho cả nước luôn đứng trước nguy cơ bị thiếu hụt thì việc triển khai nhiều giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhằm đảm bảo đủ điện để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của thành phố là vô cùng quan trọng.

Ông Phạm Trần Hải, đại diện Viện Nghiên cứu Phát triển TP. HCM cho biết, để có thể sử dụng năng lượng hiệu quả và phát triển năng lượng tái tạo, thì vấn đề này cần được lồng ghép một cách phù hợp vào các chiến lược, quy hoạch khác nhau của thành phố để huy động sự tham gia đóng góp của các ban ngành, lĩnh vực.

Năm 2018, TP.HCM triển khai các hạng mục quan trọng trong Đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Điều này rất phù hợp trong xu hướng phát triển đô thị thông minh đang tăng tốc rất nhanh bởi những tác động từ sự bùng nổ mạnh mẽ của CMCN 4.0 trên thế giới.

Riêng đối với vấn đề sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, TP.HCM đã triển khai hệ thống máy nước nóng năng lượng mặt trời. Với sự hỗ trợ của ngành điện, thành phố đã triển khai chương trình hỗ trợ cho người dân khi lắp đặt máy nước nóng năng lượng mặt trời với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/máy. Đến nay, toàn thành phố đã lắp đặt được hơn 12.000 máy nước nóng năng lượng mặt trời, với tổng công suất quy đổi khoảng 36MW.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Quyết định này được xem là sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự đầu tư vào các dự án điện mặt trời, đặc biệt là dự án điện mặt trời trên mái nhà.

Sau khi quyết định được ban hành, trên địa bàn thành phố đã có 274 khách hàng lắp đặt điện mặt trời nối lưới với tổng công suất là 3,6 MWp, trong đó 245/274 khách hàng đăng ký bán lại phần điện dư cho ngành điện đã được kiểm tra thử nghiệm các yêu cầu kỹ thuật nối lưới và gắn điện kế 2 chiều.

Tuy nhiên, đáng chú ý là hiện nay, toàn thành phố mới chỉ có nhà máy phát điện từ công nghệ đốt rác là Nhà máy điện Gò Cát đã phát điện với công suất khoảng 3MW, còn lại là đang xây dựng và sắp đưa vào vận hành như nhà máy điện rác Đa Phước với công suất khoảng 12MW. Vì vậy, TP. HCM đang kêu gọi đầu tư xử lý rác bằng công nghệ đốt để phát điện với mong muốn có những nhà máy xử lý rác thông minh, vừa xử lý rác, vừa cung cấp năng lượng và bảo vệ môi trường.

Theo nhận định của các chuyên gia, TP. HCM nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung là vùng có tiềm năng lớn nhất cả nước cho các dự án về phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời và sinh khối với số giờ nắng cao, mùa nắng kéo dài và nguồn phụ phẩm nông nghiệp dồi dào như rơm rạ, cám, trấu, bã mía, phân gia súc…

Quy hoạch điện 7 điều chỉnh do Thủ tướng Chính phủ ban hành  đã nhấn mạnh tầm quan trọng của năng lượng tái tạo trong việc đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng đang ngày càng gia tăng tại Việt Nam, với tỷ trọng 10% trong cơ cấu nguồn điện vào năm 2030.

Hiện nay, Việt Nam cùng 47 quốc gia khác của Diễn đàn các Quốc gia dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu đã ký vào cam kết hướng tới mục tiêu sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2050. Việt Nam cần xem xét tăng thêm tỷ trọng năng lượng tái tạo trong Quy hoạch điện 7 điều chỉnh để Việt Nam có thể đạt được cam kết này. TP. HCM, với các lợi thế về địa lý, khí hậu, cùng với các tiềm năng về kinh tế, công nghệ, con người, cũng như tư duy cấp tiến chính quyền và người dân, sẽ đi tiên phong trong quá trình phát triển năng lượng tái tạo.

Trong đó, việc lắp các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà sẽ là một việc làm thiết thực. Tổ chức Change cũng vừa chia sẻ kế hoạch và đề xuất về dự án sắp tới của mình là “Put Solar On It” (Nóc nhà mặt trời), với mục tiêu khuyến khích người dân, DN lắp pin năng lượng mặt trời trên nóc nhà, trụ sở nơi làm việc.

Dự án sẽ vận động các công ty năng lượng tái tạo, các ngân hàng hỗ trợ về các gói vay ưu đãi, cũng như vận động EVN và các cơ quan ban ngành hỗ trợ về chính sách cho cộng đồng lắp đặt điện mặt trời nối lưới.

“Sử dụng năng lượng thông minh cũng là một trong các trụ cột hướng tới đô thị thông minh, bao gồm cả yếu tố sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm, hiệu quả… Hơn thế, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang là thách thức nghiêm trọng đối với một thành phố có địa hình thấp như TP. HCM, thì khi phát triển thành phố thông minh cần phải giải quyết tốt các thách thức về môi trường, trong đó năng lượng sạch đóng vai trò quan trọng”, ông Hải chia sẻ.

Nguồn: Thời Báo Ngân Hàng