Số dự án năng lượng tái tạo tăng nhanh trong 10 tháng qua
Năng Lượng Tái TạoTin Tức Năng Lượng Tháng tư 10, 2018 Năng Lượng News
Sau khi giá bán điện mặt trời tăng lên từ tháng 6/2017, số lượng dự án năng lượng tái tạo đăng ký cũng nhanh chóng tăng theo.
Theo báo cáo về “Năng lượng tái tạo tại Việt Nam năm 2018” của StoxPlus, sau khi giá bán điện mặt trời được Chính phủ điều chỉnh tăng lên mức 9,35 cent một kWh, trung bình có 9 dự án phát và phân phối điện tái tạo được đăng ký mỗi tháng, trong vòng 10 tháng qua.
Chuyên gia của đơn vị này nhận định, các nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài đang ở trong tâm trạng rất hào hứng với ngành năng lượng tái tạo, dự kiến sẽ tăng trưởng 23,2% trong giai đoạn 2020 – 2030.
Dữ liệu tập hợp được của StoxPlus cho biết, hiện cả nước đang có 245 dự án năng lượng tái tạo, bao gồm điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối đang được triển khai ở nhiều giai đoạn khác nhau.
Nếu tất cả các dự án này vận hành thực tế thì tổng công suất của nguồn năng lượng tái tạo này phải đến 23,2 GW, tức gấp 10 lần mục tiêu tổng công suất của điện tái tạo là 2,65 GW vào năm 2020, theo Quy hoạch điện VII.
Tuy nhiên, thực tế trên tổng công suất đã đăng ký, chỉ mới có 19% đã đi đến giai đoạn xây dựng và 8% là đã vận hành. Trong khi đó, hầu hết dự án vẫn trong giai đoạn chuẩn bị.
“Không có thông tin toàn diện là thách thức đầu tiên của các nhà đầu tư và phát triển dự án năng lượng tái tạo. Mặc dù thông tin về các dự án năng lượng tái tạo đang trôi nổi trên thị trường nhưng không có thông tin rõ ràng về số dự án, tiến độ triển khai… Điều này có thể tạo sự nhầm lẫn và do dự cho các nhà đầu tư, nhà phát triển và các bên liên quan”, bà Vũ Mỹ Dung – Chuyên viên phân tích cao cấp của StoxPlus nhận định.
Ngoài ra, cũng theo chuyên gia này, việc các dự án được công bố nhiều nhưng chuyển động thực tế còn chậm bởi một số thách thức tiềm tàng trong giai đoạn vận hành như khả năng thanh toán hợp đồng mua bán điện (PPA), thiếu xếp hạng tín dụng của EVN và những rủi ro vận hành khác.
Để giải quyết điểm nghẽn và thúc đẩy nhiều dự án được hoàn thiện trong giai đoạn trước tháng 6/2019, theo bà Dung, mô hình hợp tác liên doanh nội – ngoại có thể được cân nhắc.
Trong khi đối tác trong nước thiếu công nghệ kỹ thuật, kinh nghiệm và năng lực tài chính thì các đối tác nước ngoài có thể bù đắp vào khoản hụt này. Đối tác nước ngoài có thể lựa chọn tăng đầu tư theo từng giai đoạn triển khai dự án cho đến khi nắm giữ 100% vốn liên doanh để quản lý tốt nhất.
Câu chuyện hợp tác của BIM Group và Ayala’s AC Energy (Philippines) là một ví dụ. Liên doanh này đang triển khai dự án 300 MW điện mặt trời ở Ninh Thuận. Trong khi BIM Group lo liệu các vấn đề về giấy tờ, pháp lý thì AC Energy cung cấp giải pháp công nghệ và tài chính. Dự án này dự kiến sẽ xây dựng xong vào tháng 7 tới và hoàn thiện trong năm nay.
Nguồn: Vnexpress.