Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Ấn Độ vừa đưa vào thử nghiệm tàu hỏa sử dụng năng lượng mặt trời đầu tiên trên thế giới nhằm giảm ô nhiễm... Ấn Độ ra mắt tàu năng lượng mặt trời đầu tiên trên thế giới

Ấn Độ vừa đưa vào thử nghiệm tàu hỏa sử dụng năng lượng mặt trời đầu tiên trên thế giới nhằm giảm ô nhiễm môi trường.

an-do-ra-mat-tau-nang-luong-mat-troi-dau-tien-tren-the-gioi

Trong nỗ lực giảm ô nhiễm môi trường, Ấn Độ vừa cho chạy thử nghiệm tàu hỏa hoạt động bằng năng lượng mặt trời đầu tiên ở New Delhi – một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

Được khánh thành vào ngày 14 tháng 7, chiếc tàu hỏa DEMU mới đây đã có cuộc chạy thử nghiệm thành công từ nhà ga Sarai Rohilla ở New Delhi đến Farukh Nagar ở Haryana.

Ông Anil Saxena – giám đốc báo chí của công ty đường sắt Ấn Độ, cho biết đoàn tàu DEMU có công suất 1.600 mã lực, gồm 6 toa, mỗi toa gắn 16 tấm pin mặt trời trên nóc để cung cấp năng lượng cho các thiết bị chiếu sáng ở trên tàu thay thế cho việc dùng máy phát chạy bằng diesel. Các toa này cũng được trang bị pin dự trữ dành để dùng vào ban đêm.

Nó sẽ chở khách từ Delhi đi bang Haryana, miền bắc Ấn Độ. Đây là tàu hỏa đầu tiên chạy bằng năng lượng mặt trời ở Ấn Độ cũng như thế giới.

Đây cũng là một phần nỗ lực của Ấn Độ nhằm đạt được các mục tiêu trong thỏa thuận về biến đổi khí hậu Paris.

Bộ trưởng Bộ Đường sắt Suresh Prabhu tuyên bố:”Ngành đường sắt Ấn Độ đang tập trung vào nhiên liệu sạch, vì vậy chúng tôi đang sửa đổi chính sách nhiên liệu. Điều này sẽ có lợi cho ngành đường sắt, xã hội cũng như cho quốc gia”.

Theo ước tính của ngành đường sắt, với tàu lửa chạy bằng năng lượng mặt trời, Ấn Độ sẽ giảm tiêu thụ khoảng 21.000 lít dầu diesel mỗi năm, tiết kiệm được 18.000 đô la Mỹ.

Dự kiến trong vòng 6 tháng tới, Ấn Độ sẽ thiết kế thêm 24 đoàn tàu tương tự, giúp giảm thiểu ô nhiễm và tiết kiệm tiền bạc.

Nguồn dantri.com.vn