Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Cung cấp hơn 2/3 số tấm pin mặt trời và gần một nửa số tua-bin gió trên thế giới… Trung Quốc có tốc độ... Phát triển năng lượng tái tạo: Bài học từ Trung Quốc

Cung cấp hơn 2/3 số tấm pin mặt trời và gần một nửa số tua-bin gió trên thế giới… Trung Quốc có tốc độ phát triển năng lượng tái tạo ấn tượng, là một cường quốc của ngành về cả năng lực và thị phần.

Quốc gia xuất khẩu năng lượng tái tạo quy mô lớn

Trong cuộc đua phát triển năng lượng tái tạo (NLTT), nhất là điện mặt trời và điện gió, Trung Quốc đã có màn bứt tốc ấn tượng và đang nằm trong nhóm các cường quốc trên thế giới. Năm 2010, Đức là thị trường pin năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới nhưng đến năm 2013, Trung Quốc đã vượt qua Đức chiếm vị trí đầu. Ở thị phần năng lượng gió, từ năm 2009, Trung Quốc đã vượt Mỹ để vươn lên dẫn đầu. Đến nay, Trung Quốc đã chiếm hơn 30% thị trường NLTT của cả thế giới, kiểm soát tới khoảng 70% thị trường tấm pin mặt trời và một nửa số tua-bin gió toàn cầu. Trong 10 công ty sản xuất các mô-đun năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới, có tới 6 công ty của Trung Quốc. Trung Quốc cũng có hai trong 5 công ty dẫn đầu tua-bin gió toàn cầu. Đây cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới có công suất điện mặt trời lắp đặt vượt qua 100GW.

phat-trien-nang-luong-tai-tao-1Tại Trung Quốc có nhiều nhà máy điện mặt trời quy mô lớn (Ảnh internet)

Phát triển năng lượng tái tạo với tốc độ nhanh, Trung Quốc hiện là quốc gia xuất khẩu năng lượng tái tạo quy mô lớn cho thế giới, nhất là sang các nước Hà Lan, Tây Ban Nha, Ukraine, Hungary, Đức, Bỉ… Chỉ trong nửa đầu năm 2019, quốc gia này đã thu về 10,5 tỷ USD nhờ xuất khẩu trong ngành điện năng lượng mặt trời. Số lượng xuất khẩu các tấm pin năng lượng mặt trời trong 6 tháng này đã vượt tổng khối lượng của cả năm 2018.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng dẫn đầu số lượng bằng sáng chế liên quan đến năng lượng tái tạo. Các công ty của Trung Quốc cũng chiếm thế thượng phong về các phần mềm hệ thống quản lý điện năng trong các văn phòng và nhà máy.

Chính sách phát triển năng lượng tái tạo của Trung Quốc

Năm 2005, sau khi phát hiện “thủ phạm” của 90% lượng khí lưu huỳnh đi-ô-xít (SO2) thải ra trên toàn quốc là sản xuất năng lượng nhiên liệu hóa thạch, Chính phủ Trung Quốc đã định hướng phát triển năng lượng tái tạo, hạn chế sử dụng năng lượng hóa thạch. Ngay trong năm 2006, Trung Quốc đã ban hành Luật năng lượng tái tạo, đặt nền móng cho cuộc cách mạng phát triển năng lượng sạch ở nước này. Sau đó, hàng loạt chính sách và kế hoạch được Chính phủ Trung Quốc ban hành nhằm đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo. Có thể kể đến Dự án Golden Sun Demonstration Program (năm 2009) cung cấp cho nhà đầu tư các khoản trợ cấp để thực hiện dự án NLTT; cho ra đời giá điện FiT năm 2011 với các khoản trợ cấp trả cho các nhà sản xuất NLTT và giảm thuế năng lượng mặt trời để tạo lập thị trường riêng trong nước; chương trình Front-runner (2015) khuyến khích các cơ sở sản xuất năng lượng mặt trời sử dụng các sản phẩm tiên tiến cho hiệu suất cao hơn. Chương trình Front-runner được xem là một “mũi tên trúng 2 đích”: vừa chứng minh được sự tiến bộ công nghệ của Trung Quốc vừa giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận.

phat-trien-nang-luong-tai-tao-2Nhờ nhiều chính sách khuyến khích của Chính phủ, năng lượng tái tạo ở Trung Quốc phát triển rất mạnh mẽ (Ảnh internet)

Trong Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020, Chính phủ Trung Quốc đã nêu rõ phải ưu tiên phát triển năng lượng xanh và bảo vệ môi trường, đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải carbon. Đầu năm 2017, Ủy ban Năng lượng Quốc gia TQ đã đề ra mục tiêu bắt buộc giảm lượng than tiêu thụ. Song song đó, phải tăng nguồn năng lượng thay thế lên mức 15% tổng nhu cầu sử dụng năng lượng vào năm 2020, mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm tỷ trọng nhiên liệu hóa thạch xuống còn 20%.

Trung Quốc đã đầu tư rất lớn vào năng lượng tái tạo trong nước. Năm 2015, mức đầu tư của Trung Quốc cho ngành là 102 tỷ USD, cao gấp đôi số vốn đầu tư trong nước của Mỹ, chiếm khoảng 36% tổng số vốn trong ngành NLTT toàn thế giới. Năm 2017, nước này cam kết tiếp tục đầu tư khoảng 367 tỷ USD vào các nguồn NLTT đến năm 2020. Không chỉ đầu tư trong nước, đầu tư ra nước ngoài cũng được Trung Quốc chú trọng.

Có thể nói, từ một nước phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu hóa thạch, với những chính sách hiệu quả và hướng đi hợp lý, Trung Quốc đã vươn lên nằm nhóm dẫn đầu thế giới về năng lượng tái tạo. Sự thành công của Trung Quốc trong việc phát triển năng lượng tái tạo có thể để lại nhiều bài học tham khảo cho các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Nguồn: Tổng hợp