Phát triển năng lượng tái tạo, bao giờ mới được quan tâm?
Tin Tức Năng Lượng Tháng tám 28, 2017 Năng Lượng News
Tuần lễ Năng lượng tái tạo (NLTT) vừa được Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam tổ chức tại Hà Nội và Cần Thơ, trong đó có các cuộc hội thảo về phát triển NLTT, diễn ra ngày 24 và 25-8. Tại đây, các nhà khoa học nhận định, nước ta có nhiều tiềm năng phát triển NLTT. Tuy nhiên, công suất của NLTT ở Việt Nam mới chỉ được khai thác khoảng 3,4% so với tiềm năng và còn không ít rào cản để phát triển lĩnh vực khá mới này.
Năng lượng tái tạo chưa phát triển
Nước ta có nhiều địa phương thuận lợi cho phát triển NLTT (năng lượng thu được từ mặt trời, gió, dòng chảy, sinh khối…), như: Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Định, Thừa Thiên-Huế, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh Tây Nguyên. TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, chia sẻ: “Tính từ Vĩ tuyến 17 trở vào Nam, bức xạ mặt trời nhiều và ổn định trong suốt thời gian của năm, chỉ giảm 20% vào mùa mưa. Nguồn năng lượng mặt trời là rất lớn.
Lượng rác thải khoảng gần 20 triệu tấn/năm cũng là nguồn đáng kể để biến thành NLTT”. Mặc dù giàu tiềm năng nhưng đến nay NLTT vẫn chưa phát triển khiến các nhà quản lý và doanh nghiệp trăn trở, nhất là khi nhu cầu sử dụng năng lượng ở nước ta ngày càng lớn.
Theo TS Hoàng Xuân Quốc, Giám đốc Công ty Cổ phần Dầu khí Nhơn Trạch 2 (Tổng công ty Khí Việt Nam), thời điểm hiện tại, chi phí cho dự án phát triển NLTT khá cao, lại phải lựa chọn khu vực thuận lợi để khai thác hiệu quả nguồn cung, xây dựng cơ sở hạ tầng thích hợp…
Đây là rào cản khiến doanh nghiệp chưa mặn mà với NLTT. Ông Steven VonEife, Quản lý Chương trình tái tạo năng lượng tại Việt Nam thì cho rằng, giá NLTT hiện vẫn thấp trong khi giá thành đầu tư cho NLTT lại cao hơn so với giá năng lượng khác. Nhà nước cần có lộ trình điều chỉnh khung giá thích hợp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực đầy tiềm năng này.
Thực tiễn ở Bình Định-nơi có tiềm năng phát triển NLTT lớn nhất nhì cả nước, hiện có hai dự án phong điện là Dự án Nhà máy Phong điện Phương Mai III và Dự án Nhà máy Phong điện Phương Mai I, dù đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư cả chục năm nay nhưng vẫn chưa triển khai xây dựng. TP Hồ Chí Minh mới chỉ có một dự án xử lý chất thải rắn có kết hợp với thu hồi năng lượng để phát điện.
Còn ở Bình Thuận, dù đã có tới 9 dự án điện gió được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhưng đến nay cũng mới chỉ có 3 dự án đi vào hoạt động. Các dự án còn lại đang được triển khai với tiến độ rất chậm. TS Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm NLTT (Viện Năng lượng, Bộ Công Thương) cho rằng: “Cơ chế, chính sách và các quy định hành lang cho lĩnh vực NLTT còn nhiều vướng mắc, thiếu đồng bộ. Việc chi phí đấu nối vào hệ thống điện quốc gia cũng gặp khó khăn.
Ngoài ra, chúng ta còn thiếu kinh nghiệm phát triển đội ngũ kỹ sư và công nhân lành nghề cho các dự án NLTT; thiếu thông tin và cơ sở dữ liệu không đủ tin cậy… đã ảnh hưởng tới tiến độ và việc mở rộng dự án phát triển NLTT trong cả nước”.
Cần có giải pháp đồng bộ
Nước ta đang phải đối mặt với những thách thức trong lĩnh vực năng lượng. Nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng tăng do áp lực tăng trưởng kinh tế, đô thị hóa và công nghiệp hóa, trong khi đó, những ràng buộc về môi trường đối với các dự án cũng chặt chẽ hơn.
Điều này gây áp lực lớn cho việc bảo đảm an ninh năng lượng. Nếu không sớm có kế hoạch chi tiết phát triển và sử dụng NLTT thì trong tương lai không xa, việc thiếu năng lượng phục vụ sản xuất, đời sống, sinh hoạt ở nước ta sẽ khó tránh khỏi.
Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Ánh sáng xanh (Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam), phân tích: “Trong bối cảnh thách thức an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu toàn cầu, ngành công nghiệp sạch như NLTT sẽ làm giảm ô nhiễm môi trường, thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế-xã hội, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, góp phần củng cố an ninh-quốc phòng và hạn chế nhập khẩu năng lượng với giá cao.
Vậy, tại sao chúng ta không đầu tư phát triển NLTT để sử dụng trong khi có tiềm năng, lợi thế và đủ điều kiện triển khai? Chỉ khi nào những ngành công nghiệp sạch mạnh lên thì các ngành công nghiệp ô nhiễm mới bị đẩy lùi”.
Tuy nhiên, để phát triển NLTT cần một chiến lược tổng thể, dài hơi, kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp với sự chung tay của Chính phủ, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp theo hướng kết hợp công-tư. Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhìn nhận: “Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần rà soát, loại bỏ những dự án không hiệu quả, đồng thời vực dậy, tăng tốc cho các dự án có tính khả thi cao và điều chỉnh giá điện ở mức hợp lý. Cùng với đó, các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư có quỹ đất triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ dự án NLTT”.
NLTT phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên như nước, nắng, gió, vị trí địa lý, công nghệ và giá thành sản xuất. Do đó, để thúc đẩy phát triển NLTT, TS Lê Anh Tuấn (Trường Đại học Cần Thơ) khuyến nghị: “Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp NLTT, như: Cơ chế hạn ngạch, giá cố định, cơ chế đấu thầu và cần có sự công bằng giữa các tập đoàn kinh tế nhà nước với thành phần kinh tế tư nhân, tránh sự độc quyền; hỗ trợ nghiên cứu chuyển giao công nghệ từ các nước tiên tiến để sản xuất các sản phẩm sử dụng NLTT, từ đó nội địa hóa các sản phẩm này; đồng thời thu hút đối tác nước ngoài tham gia đầu tư vào lĩnh vực NLTT tại Việt Nam”.
Nguồn qdnd.vn