Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Trước nhu cầu về năng lượng tái tạo ở Việt Nam không ngừng tăng lên Tập đoàn Superblock PCL của Thái Lan, một trong... Phát triển dự án điện gió 700 MW ở Việt Nam: Tập đoàn Thái Lan nhạy bén hay liều lĩnh?

Trước nhu cầu về năng lượng tái tạo ở Việt Nam không ngừng tăng lên Tập đoàn Superblock PCL của Thái Lan, một trong những nhà sản xuất năng lượng tái tạo lớn nhất ở Đông Nam Á cho biết đã ký kết thỏa thuận phát triển 6 dự án điện gió tại Việt Nam.

Tham vọng lớn

Tập đoàn Superblock PCL của Thái Lan, một trong những nhà sản xuất năng lượng tái tạo lớn nhất Đông Nam Á, đã lên kế hoạch chi tới 20 tỷ baht (602 triệu USD) mỗi năm để mở rộng sản xuất trong và ngoài nước nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng xanh ngày càng gia tăng.

Theo kế hoạch, trong vòng 3 – 4 năm tới, Superblock PCL sẽ nâng công suất phát điện của mình lên khoảng 2.000 MW. Trong đó, các dự án điện gió dự kiến được phát triển tại Việt Nam sẽ có công suất khoảng 700 MW.

“Đầu tư trực tiếp nước ngoài đang chảy vào Việt Nam nên nhu cầu về điện sẽ tăng mạnh. Năng lượng hạt nhân bị cấm ở Việt Nam và nguồn năng lượng từ than đá không được ưa chuộng, vì vậy họ sẽ chuyển sang các năng lượng tái tạo”, ông nhận định.

Ngoài điện gió, công ty cũng có kế hoạch đầu tư vào năng lượng mặt trời tại Việt Nam, ông cho biết thêm.

Việt Nam đang phải chật vật để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng điện, tăng lên khoảng 11% mỗi năm. Việt Nam muốn tăng sản lượng năng lượng tái tạo trong bối cảnh nguồn tài nguyên ngày càng khan hiếm và các vấn đề môi trường ngày càng được quan tâm.

Cũng như Việt Nam và Trung Quốc, Superblock cũng có kế hoạch đầu tư vào Nhật Bản, Campuchia, Lào và Myanmar.

Được biết, Superblock trước đây hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, và là một trong số các công ty Thái Lan chuyển sang năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và năng lượng gió, nhằm hưởng lợi từ chính sách thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo của chính phủ nước này.

Thái Lan đang dẫn đầu sự bùng nổ trong sản xuất năng lượng tái tạo ở Đông Nam Á, theo xu hướng ở các nước từ Trung Quốc đến Ấn Độ và Nhật Bản.

Superblock dự kiến đầu tư 15 tỷ đến 20 tỷ baht/năm, chủ yếu cho năng lượng tái tạo.

CEO của Superblock nói: “Chúng tôi đang xem xét một số hợp đồng điện, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Các nguồn tài chính sẽ bao gồm một quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 10 tỷ baht mà công ty dự định ra mắt vào cuối năm nay”.

Công ty này đang nhắm mục tiêu doanh thu 9 đến 10 tỷ baht trong năm nay, gấp đôi con số 3,8 tỷ baht mà họ đã đặt vào năm ngoái.

Jormsup cũng cho biết, Superblock dự kiến thành lập một công ty con là Super Solar Energy tại thị trường Thái Lan vào năm tới.

Bài toán cần lời giải

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam có tiềm năng về phát triển điện gió lớn nhất trong khu vực, vượt qua Lào, Campuchia và Thái Lan. Trữ lượng gió của Việt Nam ước tính đạt 513.360 MW, gấp hơn 6 lần tổng công suất ước tính của toàn ngành Điện vào năm 2020. Nghiên cứu của WB còn cho thấy 8,6% diện tích đất liền của Việt Nam rất giàu tiềm năng, thuận lợi cho việc lắp đặt các tuabin gió lớn. Con số tương ứng của Campuchia là 0,2%, Lào là 2,9% và Thái Lan là 0,2%.

Trong khi đó, Tổ chức Năng lượng Thế giới (IEA) dự báo rằng, gió trên đất liền sẽ là một trong những nguồn năng lượng thay thế nhanh chóng nhất so với các nguồn năng lượng khác như điện than, địa nhiệt hay điện hạt nhân.

Tuy nhiên, Theo báo cáo mới nhất từ Bộ Công Thương, đến thời điểm này, tổng công suất lắp đặt của các dự án điện gió ở Việt Nam mới chỉ đạt được hơn 159 MW. Trong gần 50 dự án điện gió đăng ký tại Việt Nam, hiện chỉ có 4 dự án chính thức vận hành thương mại.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tại 3 dự án điện gió đang hoạt động cho thấy, chi phí xây dựng trung bình là 2 triệu USD cho 1 MW điện gió và chi phí vận hành hàng năm là 35.000 USD cho 1 MW điện gió. Như vậy, với giá bán cho EVN hiện nay là 7,8 UScent/kWh, tuy cao hơn so với giá điện tới tay người tiêu dùng, nhưng các nhà đầu tư điện gió vẫn lỗ nặng.  Dù giá mua điện gió đã được Chính phủ ưu tiên trợ giá  nhưng còn rất thấp. Từ việc giá điện gió thấp, tính khả thi của các dự án khai thác nguồn năng lượng sạch này lại không cao, nên các nhà đầu tư gặp khó khăn khi vay vốn để triển khai dự án.

Thêm vào đó, chi phí thuê đất, xây dựng cột điện gió, cơ sở hạ tầng,… sẽ là những bài toán lớn đối với nhà đầu tư.

Như vậy, để đầu tư và “thu quả ngọt” từ điện gió Superblock PCL phải giải các bài toán trên một cách bài bản.

Nguồn enternews.vn