Phát triển bền vững – nâng cao vị thế cho doanh nghiệp ngành da giày
Năng Lượng Tái TạoTin Tức Năng Lượng Tháng Mười 7, 2022 Năng Lượng News
Ngành công nghiệp da giày Việt Nam đang có mức tăng trưởng khá tốt. Tuy nhiên, vị thế của doanh nghiệp nội địa so với các doanh nghiệp FDI vẫn thấp khi tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Hướng đến phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, giải quyết bài toán về công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất… được nhận định sẽ là động lực giúp nâng cao vị thế cho các doanh nghiệp.
Xuất khẩu da giày phục hồi tích cực
Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu da giày các loại của Việt Nam tăng trưởng bình quân 7%/năm trong giai đoạn 2016 – 2020, trong đó tăng liên tục ở giai đoạn 2016 – 2019, giảm vào năm 2020 do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Từ năm 2021, xuất khẩu da giày đã phục hồi tích cực. 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt trên 14 tỷ USD, tăng trưởng 15,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu giày dép tăng 13,3% (đạt 11,79 tỷ USD); vali, túi, cặp tăng 20% (đạt 2,02 tỷ USD). Dự kiến tăng trưởng toàn ngành da giày – túi xách năm 2022 sẽ tăng 10-15% so với năm 2021, đạt khoảng 23-25 tỷ USD.
Mỹ, châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc là 5 thị trường xuất khẩu da giày lớn nhất của Việt Nam. Với kim ngạch trên 6 tỷ USD, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất. Đáng chú ý, xuất khẩu giày dép sang các thị trường có hiệp định thương mại tự do (FTA) với nước ta cũng đang tăng trưởng, như sang khối thị trường thành viên của EVFTA tăng 18,2%; UKVFTA tăng 10,9%; CPTPP tăng 10,5%…
Kim ngạch xuất khẩu da giày 2011 – 2021 (Đơn vị tỷ USD, Nguồn: Lefaso)
Các doanh nghiệp ngành da giày Việt Nam đang có nhiều cơ hội để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, có thể nói, vị thế của doanh nghiệp nội địa so với các doanh nghiệp FDI vẫn thấp. Trong tổng số trên 1.700 doanh nghiệp da giày tại Việt Nam, doanh nghiệp nội địa chiếm tỷ lệ 80 – 90% nhưng hầu hết đều là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong khi đó, tuy chỉ chiếm hơn 10% về số lượng doanh nghiệp nhưng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI lại chiếm đến 70 – 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành. 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI cũng chiếm đến 79,56%, tương đương 10,99 tỷ USD.
Theo các chuyên gia trong ngành, để sản phẩm da giày có sức cạnh tranh, phải nâng cao năng lực sản xuất, đặc biệt là chất lượng. Cùng với đó, hướng đến phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, giải quyết bài toán về công nghệ, nguyên phụ liệu… sẽ là những động lực giúp nâng cao vị thế cho các doanh nghiệp ngành da giày.
Giải pháp nào cho doanh nghiệp ngành da giày?
Nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển bền vững hơn, nâng cao vị thế và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp ngành da giày nên tham gia trực tiếp vào quá trình thiết kế, R&D – công đoạn mang lại giá trị gia tăng rất lớn trong sản phẩm. Cùng với đó, cần bảo đảm được nguồn nguyên liệu, tập trung dòng nguyên phụ liệu hướng tới phát triển bền vững, sản xuất xanh, sạch. Chẳng hạn, lớp TPU mới thay thế cho EVA trong sản xuất phụ kiện giày dép đang được nhiều thương hiệu giày lớn trên thế giới sử dụng. Các doanh nghiệp da giày có thể tận dụng cơ hội nhập khẩu từ các quốc gia có FTA với Việt Nam, đặc biệt từ EU – thị trường có nguồn nguyên phụ liệu tốt, giá trị cao. Các doanh nghiệp cũng nên đầu tư nhập khẩu công nghệ, thiết bị mới trong bối cảnh hướng đến sản xuất bền vững, sử dụng công nghệ xanh và sạch.
Hiện nay, nhiều thương hiệu lớn toàn cầu đều cam kết giải quyết các vấn đề liên quan đến hệ sinh thái tự nhiên, đưa tính bền vững vào mục đích kinh doanh, quy trình sản xuất cũng như thông điệp xuyên suốt trong các hoạt động của doanh nghiệp. Các yêu cầu về phát triển bền vững dần trở thành các yêu cầu chung của cả thị trường xuất khẩu lẫn thị trường nội địa. Do đó, các doanh nghiệp ngành da giày cũng cần tính toán bài bản và lâu dài trong việc đầu tư và chuẩn bị các nguồn lực cần thiết nhằm đáp ứng các yêu cầu về môi trường, phát triển bền vững.
Để giải quyết bài toán tài chính, các doanh nghiệp ngành da giày có thể chủ động tiếp cận các chính sách ưu đãi, nguồn vốn tín dụng, tín dụng xanh, tận dụng các mô hình hợp tác linh hoạt như mô hình BLT (Build – Lease – Transfer) điện mặt trời. Nhiều doanh nghiệp FDI đang tận dụng mô hình hợp tác này để sử dụng năng lượng sạch mà không phải đầu tư hệ thống điện mặt trời, giúp đáp ứng các tiêu chí về xanh hóa sản xuất, bảo vệ môi trường trong khi vẫn có thể ưu tiên dòng vốn cho việc đầu tư công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất.
Hệ thống điện mặt trời trên mái nhà máy Golden Victory Việt Nam – một doanh nghiệp FDI đang tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu ngành da giày
Ở mô hình hợp tác BLT, Vũ Phong Energy Group và đối tác là các quỹ đầu tư sẽ đầu tư hệ thống điện mặt trời chất lượng cao trên mái nhà của doanh nghiệp, bán điện hoặc cho thuê hệ thống lâu dài với chi phí hợp lý. Doanh nghiệp chỉ cần tận dụng mái nhà máy đang nhàn rỗi, được sử dụng năng lượng sạch phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Kết thúc hợp đồng, hệ thống điện mặt trời sẽ được chuyển giao toàn bộ miễn phí (0 đồng) cho doanh nghiệp, cam kết hiệu suất hệ thống khi chuyển giao trên 80-90% tùy điều kiện.
Tận dụng tốt cơ hội từ các FTA cũng như các chính sách ưu đãi, các mô hình hợp tác linh hoạt sẽ giúp doanh nghiệp ngành da giày nâng cao vị thế và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Xem thêm:
- Hệ thống điện mặt trời chất lượng cao từ mô hình hợp tác BLT
- Sản xuất xanh tăng lợi thế cho doanh nghiệp ngành nhựa
- Điện mặt trời trên mái nhà máy dệt may
Nguồn: Vuphong.vn