Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Nangluong.news – Trong bối cảnh các nguồn năng lượng truyền thông đang ngày càng cạn kiệt, phát triển năng lượng tái tạo đang được... Những thách thức đối với năng lượng tái tạo

Nangluong.news – Trong bối cảnh các nguồn năng lượng truyền thông đang ngày càng cạn kiệt, phát triển năng lượng tái tạo đang được xem là lời giải quan trọng nhằm đảm bảo nguồn năng lượng cho phát triển của các quốc gia, vùng lãnh thổ.

Ở Việt Nam, trong Quyết định Điều chỉnh Quy hoạch điện VII của Thủ tướng Chính phủ, năng lượng tái tạo cũng được xác định là cấu phần quan trọng nhằm đảm bảo mục tiêu “điện đi trước một bước”. Tuy nhiên, theo GS.TSKH Trần Đình Long – Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, để đạt được điều nay là không hề đơn giản, đặc biệt trong bối cảnh cơ chế giá đối với năng lượng tái tạo chưa đủ khuyến khích nhà đầu tư.

Cần giải pháp đột phá

“Điện phải đi trước một bước” để tạo nền tảng phát triển kinh tế – xã hội đất nước là mục tiêu xuyên suốt mà Đảng, Chính phủ đặt ra cho ngành điện. Và quan điểm nay một lần nữa được Chính phủ nhấn mạnh trong Quyết định điều chỉnh Quy hoạch điện VII: Phát triển “điện đi trước một bước” nhằm cung cấp đủ điện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và nhu cầu điện cho sinh hoạt của người dân.

nhung-thach-thuc-doi-voi-nang-luong-tai-taoHệ thống điện mặt trời trên đảo Trường Sa

Và để đạt được mục tiêu này, Quyết định điều chỉnh Quy hoạch điện VII nêu rõ: Sử dụng có hiệu quả nguồn năng lượng sơ cấp trong nước, kết hợp với nhập khẩu điện, nhập khẩu nhiên liệu hợp lý nhằm đa dạng hóa các nguồn năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện. Ưu tiên phát triển nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo, tạo đột phá trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần bảo tồn tài nguyên năng lượng, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường trong sản xuất điện.

Mục tiêu cụ thể được đề ra là đưa tổng công suất nguồn điện gió từ mức 140MW hiện nay lên khoảng 800MW vào năm 2020, tương đương chiếm khoảng 0,8% tổng công suất nguồn điện). Phát triển điện sử dụng nguồn năng lượng sinh khối từ các nhà máy đường, chế biến lương thực, thực phẩm, chất thải rắn… chiếm khoảng 1% tổng công suất nguồn điện vào năm 2020 và 1,2% vào năm 2025.

Đặc biệt, điều chỉnh Quy hoạch điện VII cũng đặt mục tiêu đẩy nhanh phát triển nguồn điện sử dụng năng lượng mặt trời, bao gồm cả nguồn tập trung lắp đặt trên mặt đất và nguồn phân tán lắp đặt trên mái nhà. Đưa tổng công suất nguồn điện mặt trời từ mức không đáng kể hiện nay lên khoảng 850MW vào năm 2020; khoảng 4.000MW vào năm 2025 và khoảng 12.000MW vào năm 2030. Tỷ trọng điện mặt trời tương ứng là 0,5%, 1,6% và 3,3%.

Nói vậy để thấy rằng, phát triển năng lượng tái tạo đang được xem là một trong những giải pháp trọng tâm, có tính đột phá trong việc đảm bảo cung ứng điện cũng như đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia – một trong những yếu tố được xem là nền tảng phát triển bền vững của mọi quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Và để đẩy mạnh việc phát triển năng lượng tái tạo, Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư như ưu đãi về biểu giá điện, miễn thuế nhập thiết bị, miễn thuế sử dụng đất…

Năng lượng sạch là năng lượng được sản xuất trên cơ sở chuyển hóa từ các nguồn năng lượng sơ cấp tái tạo, ít tác động tiêu cực đến môi trường như thủy năng, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng địa nhiệt, năng lượng thủy triều, nhiên liệu sinh học… Năng lượng sạch cũng là năng lượng được sản xuất, cung cấp từ các nguồn năng lượng sơ cấp hóa thạch (than đá, sản phẩm dầu, khí đốt) và hạt nhân trên cơ sở sử dụng công nghệ chuyển hóa năng lượng là công nghệ sạch, công nghệ thân thiện môi trường hay bảo vệ môi trường; đồng thời, quá trình sản xuất, cung cấp năng lượng được tiến hành trong điều kiện đảm bảo thực hiện nghiêm ngặt công tác quản lý tác động môi trường, tổ chức hoạt động có hiệu quả cao hệ thống giám sát, kiểm soát, phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm và các tác động tiêu cực khác đến môi trường.

Trong khi đó, ghi nhận tại Hội thảo với chủ đề “Năng lượng chuyển hóa – Tương lai cho Đông Nam Á” cũng cho thấy tiền năng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của Việt Nam là rất lớn. Cụ thể, theo ông Nguyễn Đình Hiệp, Phó chủ tịch Hiệp hội KHCN về sử dụng năng lượng Tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA) tiềm năng đó là các sản phẩm hay chất thải nông nghiệp với sản lượng lên tới 10 triệu tấn/năm; là tiềm năng sinh khí học đạt gần 10 tỉ m3/năm… Và đặc biệt, Việt Nam có nguồn năng lượng mặt trời phong phú với bức xạ năng trung bình là 5 kWh/m2/ngày phân bổ trên khắp cả nước…

Lời giải từ năng lượng mặt trời

Như đã đề cập ở trên, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ đặt ra cho ngành điện trong định hướng phát triển thời gian tới. Tuy nhiên, để cụ thể hóa được điều này, theo nhận định của giới chuyên gia thì Việt Nam vẫn còn rất nhiều vấn đề cần tháo gỡ.

Trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới xung quanh vấn đề này, GS.TSKH Trần Đình Long – Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, vướng mắc đó trước hết là sự hạn chế về công nghệ khi phần lớn thiết bị, sản phẩm đều nhập từ nước ngoài. Đó còn là vấn đề năng lực quản trị hạn chế khi chưa có được một hệ thống nghiên cứu, đào tạo chuyên sâu… Và đặc biệt đó là vấn đề thu hút đầu tư khi các dự án năng lượng tái tạo đòi hỏi vốn lớn, trong khi đó, giá bán điện lại thấp, không đảm bảo khả năng thu hồi vốn của nhà đầu tư.

“Không phải đến bây giờ chúng ta mới đặt vấn đề phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo mà trong các quy hoạch điện trước nó đã được đặt ra. Đảng, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, kết quả thu về lại rất khiêm tốn. Điện gió chỉ đạt 140MW. Điện sinh khối, điện mặt trời thì gần như không đáng kể… Mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo như Quyết định điều chỉnh Quy hoạch điện VII vì vậy sẽ rất khó khăn” – GS.TSKH Trần Đình Long nói.

Từ đó, GS.TSKH Trần Đình Long kiến nghị cần phải lựa chọn một lĩnh vực năng lượng tái tạo có ưu thế để tập trung phát triển. Và lĩnh vực được vị chuyên gia này đề xuất là điện mặt trời. Ông phân tích: Nếu là các dự án điện sinh khối thì công suất sẽ rất khiêm tốn, chi phí đầu tư lớn. Còn điện gió thì theo tính toán, để làm được 1MW điện gió phải cần đến 2ha mặt bằng, chỉ làm được ở một số khu vực. Đặt turbine gió thì cũng lo không biết có chạy được không, rồi mưa bão có hỏng không… Nhưng với điện mặt trời thì khác, để làm được 1MW điện mặt trời chỉ cần 1ha mặt bằng và có thể làm ở mọi vùng, miền trên cả nước, nhất là việc sử dụng các panel đặt trên mái nhà, chi phi lại thấp khi 1 bộ pin mặt trời nối lưới với công suất 3-4kW chỉ khoảng 80-100 triệu đồng. Và nếu nhà nào cũng đặt thì công suất thu về sẽ rất lớn.

Nhưng cái lợi lớn nhất nếu phát triển được điện mặt trời theo GS.TSKH Trần Đình Long đó chính là lợi ích kinh tế mà nó mang lại cho không chỉ ngành điện mà cả các hộ gia đình. Bởi nếu 1 nhà dùng 1 tháng khoảng 300-400kWh thì cũng chỉ 6-7 năm có thể thu hồi vốn, trong khi mái nhà được phủ pin cũng mát mẻ hơn. Ngành điện thì cũng giảm được áp lực phát triển hệ thống nguồn và lưới điện hơn khi một phần nhu cầu tiêu thụ điện đã được chính người dân giải quyết. Thậm chí, nếu người dân làm ra điện dùng không hết, hoặc ban ngày đi vắng, hộ gia đình có thể bán lại cho ngành điện. Tối về thì lại mua ngược lại của ngành điện.

“Phát triển điện mặt trời vì thế là khả thi nhất. Dễ làm, dễ sử dụng và cũng chẳng đòi hỏi phải có kiến thức chuyên môn gì. Một năm chỉ lên lau chùi 1 vài lần, không quá khó như việc bảo dưỡng turbine gió hay như các nhà máy điện sinh khối. Và với những lợi ích nó có thể mang lại, chắc chắn, nếu được hỗ trợ từ phía ngân hàng hay hỗ trợ giá, nhiều hộ dân sẽ làm được. Cứ hình dung cả nước hiện có khoảng 2 triệu hộ, chỉ cần 1 triệu hộ tham gia, mỗi hộ chỉ cần làm ra 3-4kWh thì điện năng thu về đã lên tới 3.000-4.000MW, bằng 3-4 nhà máy thủy điện lớn” – GS.TSKH Trần Đình Long đưa khuyến nghị.

Nguồn: Petrotimes.vn