Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Trả lời phỏng vấn BizLIVE, một chuyên gia về năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng của GIZ cho biết Việt Nam có... Những kinh nghiệm từ Đức giúp Việt Nam phát triển năng lượng mặt trời

Trả lời phỏng vấn BizLIVE, một chuyên gia về năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng của GIZ cho biết Việt Nam có thể tham khảo các kinh nghiệm, cả thành công lẫn thất bại, của Đức trong quá trình phát triển điện mặt trời.

Theo bà Sonia Lioret, Giám đốc Dự án Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), nền kinh tế Việt Nam đang phát triền nhanh chóng và đang tạo áp lực mạnh mẽ lên quá trình sản xuất điện hiện đang dựa trên than đá và các nhiên liệu hóa thạch. Năng lượng mặt trời có thể là giải pháp đối với nhu cầu năng lượng đang ngày càng tăng ở Việt Nam.

bai-hoc-tu-duc-de-viet-nam-phat-trien-nang-luong-mat-troi

Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời, nhưng không phải tất cả đều có khả năng thương mại. GIZ đánh giá như thế nào về tiềm năng và triển vọng phát triển các nhà máy điện mặt trời ở Việt Nam?

Đúng vậy, chúng ta nên phân biệt các loại tiềm năng như tiềm năng lý thuyết (bức xạ mặt trời) và tiềm năng kỹ thuật (sau khi loại trừ những nơi có hạn chế về mặt kỹ thuật như rừng tự nhiên, hạn chế về cơ sở hạ tầng, đô thị có những nhà máy điện mặt trời trên mặt đất, những hạn chế về sử dụng đất…) cho đến tiềm năng kinh tế (những nơi có thể phát triển dự án điện mặt trời mà chi phí hợp lý). Và một tiêu chí khác cũng cần tính đến là giá mua điện.

GIZ đang đánh giá tiềm năng phát triển điện mặt trời theo yêu cầu của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo của Bộ Công thương. Nhóm tư vấn đánh giá bao gồm các chuyên gia Việt Nam của Viện Năng lượng, và chuyên gia quốc tế đến từ công ty tư vấn Becquerel Institute.

Quá trình đánh giá sẽ kết thúc vào năm 2018 và đến thời điểm đó chúng tôi sẽ có thể trả lời câu hỏi này cụ thể hơn.

Việc đăng ký giấy phép xây dựng các nhà máy điện năng lượng mặt trời tăng mạnh tại Việt Nam, hiện đã vượt xa mục tiêu của Chính phủ là 12GW vào năm 2030. Vậy Chính phủ cần dựa vào các tiêu chí nào để lựa chọn dự án để cấp phép? Liệu Việt Nam có nên điều chỉnh mục tiêu này không?

Không phải tất cả các dự án đăng ký đều sẽ được triển khai. Tuy nhiên cần có lượng dự án và công suất đăng ký vượt mục tiêu. Đặc biệt, một vài dự án còn cạnh tranh với nhau về địa điểm, một số dự án sẽ có thể không tìm được nguồn kinh phí, một số có thể cũng sẽ gặp phải những khó khăn mà họ chưa lường trước.

Giá mua điện mặt trời hiện nay (theo Quyết định 11/2017/QĐ-TTg, giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/kWh, tương đương 9,35 cent/kWh) có hiệu lực đến tháng 6/2019. Đây thực sự là thách thức cho các nhà đầu tư phát triển dự án trong việc tìm nguồn kinh phí và xây dựng lắp đặt dự án.

Số lượng dự án có thể hoàn thành trước thời hạn nói trên sẽ cho chúng ta biết thông tin về chỉ số chất lượng của các dự án đang đăng ký hiện nay.

Sau đó, Chính phủ cũng sẽ phải đưa ra một cơ chế hỗ trợ khác. Theo tôi được biết, các chuyên gia đang cân nhắc phương thức đấu thầu. Đây là một cơ chế có thể quản lý các dự án điện mặt trời nếu số lượng dự án đăng ký có công suất lớn hơn mục tiêu đã đề ra.

GIZ có khuyến nghị gì đối với Chính phủ Việt Nam để điều chỉnh chính sách cho lĩnh vực năng lượng sạch, nhất là điện mặt trời?

Cơ quan Hợp tác phát triển Đức (GIZ) mong muốn hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển về năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng.

Nước Đức đã mở cửa thị trường điện mặt trời và hiện nay là nước có công suất lắp đặt điện mặt trời lớn thứ ba trên thế giới. Nước Đức có thể chia sẻ với Việt Nam cả kinh nghiệm phát triển thành công và cả câu chuyện thất bại của mình trong quá trình phát triển điện mặt trời.

Tuy nhiên, mỗi quốc gia đều sẽ phải lựa chọn con đường phát triển năng lượng mặt trời của riêng mình và GIZ luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình này.

Nguồn bizlive.vn