Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Sáng kiến “Cải tiến dàn quạt tạo oxy để tiết kiệm điện trong nuôi tôm” đã được trao giải Nhất trong cuộc thi “Sáng... Nhiều sáng kiến sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có tính ứng dụng cao

Sáng kiến “Cải tiến dàn quạt tạo oxy để tiết kiệm điện trong nuôi tôm” đã được trao giải Nhất trong cuộc thi “Sáng kiến vì cộng đồng” lần 2.

Vượt qua gần 400 sáng kiến của các tác giả và nhóm tác giả tham dự cuộc thi “Sáng kiến vì cộng đồng” lần thứ 2 (được phát động từ ngày 25/5/2017 đến ngày 28/2/2018), sáng kiến “Cải tiến dàn quạt tạo oxy để tiết kiệm điện trong nuôi tôm” đã thuyết phục hoàn toàn Ban tổ chức chương trình và được trao giải Nhất bởi tính ứng dụng cao, cho hiệu quả cụ thể thiết thực. Tham dự cuộc thi lần thứ 2 này có rất nhiều sáng kiến đề xuất việc tận dụng các nguồn năng lượng tái tạo cũng như đưa ra các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp và đời sống của đồng bào dân tộc ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa.

Sáng kiến “Cải tiến dàn quạt tạo oxy để tiết kiệm điện trong nuôi tôm” được được bắt đầu nghiên cứu từ các cán bộ công nhân trực tiếp làm việc tại Công ty điện lực Sóc Trăng – đơn vị thành viên của Tổng Công ty Điện lực miền Nam. Sau khi thu thập kinh nghiệm từ các hộ dân nuôi tôm ở 4 huyện, thị có vùng nuôi tôm ở tỉnh Sóc Trăng, các cán bộ ngành điện đã phát triển ý tưởng với mục tiêu làm sao để cho ra được các giải pháp sử dụng điện hiệu quả hơn so với các biện pháp mà người dân đang áp dụng.

Theo ông Đặng Nguyên Phương – Trưởng ban kiểm tra giám sát mua bán điện, Tổng Công ty Điện lực miền Nam – đại diện nhóm nghiên cứu, qua tìm hiểu quy trình sản xuất của người dân cho thấy việc sử dụng nhiều điện nhất của các hộ nuôi tôm chính là ở dàn quạt nước sục khí oxy trong ao nuôi. Đa số người dân sử dụng các thiết bị không đảm bảo chất lượng, tận dụng các thiết bị đã qua sử dụng, kinh phí đầu tư thấp hơn. Cơ cấu truyền động dùng theo tập quán, không được tối ưu hóa về mặt truyền động. Điều này hoàn toàn có thể thay thế được thông qua sử dụng ổ trục con lăn để nâng đỡ trục truyền động của quạt, đồng thời thay đổi lắp đặt vị trí mô tơ cho đồng trục sẽ đỡ mất lực trong truyền động. Ông Đặng Nguyên Phương cho biết, theo tính toán về mặt kinh tế kỹ thuật chỉ cần cải tiến 2 cách làm này so với với những gì hiện hữu cũng có thể cho lượng điện tiết kiệm điện lên tới hơn 30%. Và qua thực tế 1 năm thử nghiệm (2017) với 161 hộ nuôi tôm tại Sóc Trăng, lượng điện tiết kiệm được hơn 1.450.000 kWh/năm, tương đương gần 2,5 tỷ đồng.

“Mỗi một ao nuôi theo quy trình sản xuất của họ là khoảng từ 2000-3000m2, một ao như thế họ xài 4 dàn quạt, mỗi dàn quạt công suất là 3 ngựa (HB), tương đương với khoảng 2,1KW. Chúng tôi mới chỉ khảo sát tổng thể thí điểm ở 4 đơn vị hành chính của tỉnh Sóc Trăng thôi. Nếu được đầu tư bài bản chắc chắn sẽ cho hiệu quả rất lớn vì về mặt kỹ thuật đã cải tiến tiết kiệm được trên 30% rồi. Thực ra giải pháp của chúng tôi ở đây cũng mới chỉ là tối ưu hóa, sắp xếp lại thôi chứ cũng chưa đưa các thiết bị chất lượng cao vào. Nếu có những tính toán sát hơn, đưa thiết bị chất lượng cao vào chắc chắn sẽ hiệu quả hơn rất nhiều”.

Ông Lê Ngọc Lâm – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học công nghệ cho rằng, từ thực tế thành công trong việc ứng dụng thử nghiệm sáng kiến “Cải tiến dàn quạt tạo oxy để tiết kiệm điện trong nuôi tôm” ở 4 huyện, thị của tỉnh Sóc Trăng, nếu được ứng dụng rộng rãi sẽ cho hiệu quả tiết kiệm điện lớn trong sản xuất, nuôi tôm ở đồng bằng sông cửu Long, khu vực miền Nam cũng như cả nước.

“Hiện sáng kiến đã được ứng dụng ở Sóc Trăng – là vùng ngập mặn để nuôi tôm, và nhiều vùng khác nữa có các điều kiện tương tự. Nếu như thiết bị này được sản xuất hàng loạt, được áp dụng đại trà ở các vùng khác thì chắc chắn hiệu quả về tiết kiệm năng lượng là rất rõ rệt”.

Hai giải Nhì cũng đã được trao cho các sáng kiến “Bếp lò đun tạo nước nóng phục vụ sinh hoạt cho học sinh bán trú vùng cao” và “Đèn học tiết kiệm đa năng”; Giải 3 thuộc về sáng kiến sản xuất muối tự động và tận thu nước ngọt với “Lều sấy ghép bẫy nhiệt năng lượng mặt trời”. Nhiều sáng kiến khác như “Đèn học sinh tiết kiệm đa năng”, “Xây dựng hệ thống năng lượng mặt trời áp mái và sử dụng xe điện, trạm sạc nhanh tại Tổng Công ty điện lực miền Trung”, “Thiết bị điện năng nhờ sử dụng năng lượng gió có công suất lớn” cũng được vinh danh. Ông Ngô Sơn Hải- Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ghi nhận và đánh giá cao các sáng kiến này bởi khả năng đem lại hiệu quả ứng dụng rộng rãi trên thực tế.

“Chúng tôi rất vui mừng khi nhiều sáng kiến đề cập, liên quan đến việc sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm. Hiện nay, nhu cầu sử dụng điện cũng như năng lượng nói chung của đất nước ta vẫn đang ngày càng cao. Vì vậy, việc có nhiều sáng kiến để góp phần sử dụng năng lượng tiết kiệm sẽ cho những đóng góp hiệu quả, thiết thực. Với chủ trương của chính phủ trong việc chuyển đổi trồng lúa sang nuôi tôm thì sáng kiến “Cải tiến dàn quạt tạo oxy để tiết kiệm điện trong nuôi tôm” hết sức thực tế. Trong chương trình này cũng đã có nhiều sáng kiến đem lại hiệu quả cho cộng đồng nói chung. Thực tế trong các sáng kiến nêu ra hôm nay đã được ứng dụng thực tiễn. Trong thời gian tới, chúng ta tập trung vào công tác tuyên truyền để lan tỏa các sáng kiến này. Ví dụ như sáng kiến “Cải tiến dàn quạt tạo oxy để tiết kiệm điện trong nuôi tôm” này mới được thực tế ở một vài địa bàn, làm sao để trong thời gian tới được ứng dụng rộng rãi trong khu vực ĐBSCL là nơi đang phát triển ngành nuôi tôm này”.

Theo tính toán của Tổng công ty Điện lực miền Nam, với hơn 238 MW công suất đỉnh cần thiết để cấp điện cho các hộ nuôi tôm Đồng bằng sông Cửu Long, chi phí đầu tư sẽ khoảng 4.760 tỷ đồng. Trong khi hiện nay, để đầu tư để sản xuất ra 01MW điện cần khoảng 20 tỷ đồng (thậm chí cao hơn đối với các nguồn điện năng lượng tái tạo). Do đó, giải pháp tiết kiệm điện trong nuôi tôm không chỉ giúp ngành điện tiết kiệm được chi phí đầu tư cũng như rút ngắn thời gian đầu tư nguồn và lưới điện phục vụ trong nuôi tôm, việc nghiên cứu và ứng dụng các sáng kiến, giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất và đời sống sẽ góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Nguồn: Icon.com.vn