Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
UBND tỉnh Phú Yên đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho nhà máy điện gió đầu tiên trên địa bàn. Dự... Phú Yên sắp có nhà máy điện gió đầu tiên

UBND tỉnh Phú Yên đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho nhà máy điện gió đầu tiên trên địa bàn. Dự án dự kiến sẽ hoàn thành và đi vào vận hành vào giữa năm sau.

Nhà máy điện gió xanh Sông Cầu được Phú Yên chấp thuận chủ trương đầu tư

Nhà máy điện gió xanh Sông Cầu, được xây dựng trên diện tích 11,55 ha tại hai xã Xuân Hải và Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu. Giai đoạn 1 của dự án có công suất 49,94 MW với số vốn đầu tư 1.764 tỷ đồng. Nhà máy điện gió xanh Sông Cầu sẽ có 11 trụ tuabin gió, công suất mỗi trụ là 4,54 MW. Ngoài ra, dự án còn bao gồm các hạng mục như trạm biến áp nâng áp 22/110 kV, nhà điều hành, đường dây 110kV với 2 mạch có công suất phù hợp làm nhiệm vụ đấu nối, truyền tải công suất vào lưới điện và một số hạng mục phụ trợ khác. Với giai đoạn đầu, dự án dự kiến sẽ tạo ra 131,531 GWh điện mỗi năm, phục vụ nhu cầu điện của thị xã Sông Cầu nói riêng cũng như của tỉnh Phú Yên nói chung, góp phần phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương và quá trình phát triển công nghiệp hóa đất nước. Dự án dự kiến được hoàn thành và đưa vào vận hành vào tháng 6/2021.

Ngoài Nhà máy điện gió xanh Sông Cầu, tại Phú Yên còn có một dự án phong điện được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia là Trang trại phong điện HBRE An Thọ. Ngoài ra, UBND tỉnh Phú Yên cũng đã cho phép nhà đầu tư tiếp cận nghiên cứu, khảo sát đo gió tại nhiều dự án khác.

nha-may-dien-gioẢnh minh họa – Nhà máy điện gió Bạc Liêu (Ảnh internet)

Điện gió đang phát triển tại Việt Nam

Ngoài Phú Yên, tại một số tỉnh thành khác, nhiều nhà máy điện gió cũng vừa được chấp thuận chủ trương đầu tư. Chẳng hạn như, UBND tỉnh Đắk Nông chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án nhà máy điện gió Nam Bình 1 (tại xã Nam Bình, huyện Đắk Song) có công suất thiết kế 30 MW, tổng diện tích đất sử dụng là 19,5 ha, tổng vốn đầu tư 1.023 tỉ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án là 25 năm, tính từ khi được chấp thuận chủ trương đầu tư. Dự kiến đến tháng 11/2021 dự án sẽ hoàn thành và được đưa vào hoạt động, thời gian hoạt động 25 năm. Đầu tháng 10, UBND tỉnh Đắk Nông cũng đã  chấp thuận chủ trương đầu tư với ba dự án nhà máy điện gió trên địa bàn là Dự án nhà máy điện gió Đắk N’Drung 2, dự án nhà máy điện gió Đắk N’Drung và dự án nhà máy điện gió Đắk N’Drung 3. Dự kiến cả ba dự án này sẽ đi vào hoạt động từ tháng 11/2021, có thời hạn hoạt động 50 năm (kể từ ngày 1/10/2020).

Trước đó, cuối tháng 9/2020, tại Gia Lai có hai dự án điện gió đầu tiên được khởi công xây dựng là Nhà máy điện gió Phát triển miền núi và dự án Nhà máy điện gió Chế biến Tây Nguyên. Công suất mỗi nhà máy là 50 MW, tổng số vốn đầu tư khoảng 3.600 tỉ đồng. Dự kiến hai nhà máy này sẽ hoàn thành và phát điện vào quý 4/2021 với tổng sản lượng điện hơn 319,5 triệu kWh/năm; tạo doanh thu hơn 627,6 tỷ đồng/năm; nộp cho ngân sách nhà nước hơn 125 tỷ đồng/năm. Hiện tại Gia Lai có 67 dự án phong điện đã được UBND tỉnh này trình cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt bổ sung vào quy hoạch. Tổng công suất dự kiến của 67 dự án này là hơn 4.000 MW. Trong đó, 14 dự án (tổng công suất 1.200 MW) đã được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực; 21 dự án khác cũng đã được phép khảo sát, nghiên cứu, lập hồ sơ để bổ sung vào quy hoạch.

Điện gió và điện mặt trời đang phát triển mạnh tại Việt Nam. Đây đều là các nguồn năng lượng tái tạo biến động, nhưng do đặc điểm riêng của điện mặt trời là chỉ tạo điện vào ban ngày, còn gió thường mạnh hơn vào ban đêm nên việc phát triển song song cả nhà máy điện mặt trờinhà máy điện gió sẽ giúp chúng hỗ trợ nhau, khắc phục nhược điểm của nhau để tăng hiệu quả chung. Theo một số chuyên gia, để phát triển mạnh hơn nữa điện mặt trời và điện gió ở Việt Nam, cần tiến hành một số giải pháp như tăng cường năng lực lưới truyền tải ở các vùng có tiềm năng lớn, năng lực lưới điện khu vực dự án, ưu tiên thúc đẩy điện mặt trời áp mái…

Nguồn: Tổng hợp