Ngưỡng mộ người nông dân làm giàu từ cây mía
Tin Tức Năng LượngỨng Dụng Năng Lượng Mặt Trời Tháng mười 13, 2016 Năng Lượng News
Nangluong.news – Khởi nghiệp chỉ với 8 sào đất rẫy, vốn liếng không nhiều, nhưng với tinh thần ham học hỏi, mạnh dạn đầu tư, đưa cơ giới hóa và ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất cây mía, anh Lê Đình Chiến (thôn Triệu Phong 1, xã Quảng Sơn, Ninh Sơn) đã trở thành nông dân làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất của mình.
Khoảng thời gian trước những năm 2000, với gần 1ha đất rẫy mỗi năm chỉ canh tác được 1 vụ mỳ, thu nhập không bao nhiêu. Với suy nghĩ “tích tiểu thành đại”, mỗi năm làm lụng, dành dụm được bao nhiêu tiền anh lại sang nhượng thêm đất để mở rộng sản xuất. Thời điểm này, anh cũng bắt đầu bén duyên cùng cây mía. Với đức tính cần mẫn lao động, tính toán đầu tư một cách hợp lý nên anh đạt hiệu quả cao trong sản xuất. Đến nay, anh đã có hơn 10ha đất trồng mía, kết hợp chăn nuôi đàn bò sinh sản 30 con mang lại nguồn thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm, nguồn thu nhập đáng mơ ước của nhiều nông dân.
Anh Lê Đình Chiến trao đổi với cán bộ Công ty Mía đường Phan Rang về sử dụng hệ thống tưới bằng năng lượng mặt trời.
Khi đã xác định nông nghiệp là nguồn thu nhập chủ yếu thì việc cơ giới hóa sản xuất là điều bắt buộc phải hướng tới. Kể từ khi chuyển sang canh tác cây mía, bên cạnh việc tìm tòi qua sách báo, mạng Internet hoặc mỗi khi có cơ hội anh lại vào tỉnh Tây Ninh tham quan học hỏi cách đưa cơ giới vào canh tác cây mía của nông dân nơi đây. Sau khi trở về, anh Chiến đã mạnh dạn thế chấp ngân hàng, vay vốn đầu tư 520 triệu đồng mua 1 máy cày làm đất; 1 máy cày vồn, róc hàng trồng mía; 1 máy kéo để vận chuyển vật tư nông nghiệp và 1 máy làm cỏ. Từ năm 2010 đến nay, 10ha mía của gia đình anh đều chuyển sang canh tác theo hướng cơ giới hóa toàn bộ. Ngoài ra, trong năm 2016, từ nguồn vốn hỗ trợ ưu đãi của Dự án IFAD, anh tiếp tục đầu tư 3 hệ thống pin năng lượng mặt trời phục cho việc vận hành hệ thống bơm tưới nước cho toàn bộ 10ha mía.Việc mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua máy móc, đưa cơ giới hóa vào sản xuất đã góp phần giúp gia đình anh giảm mức chi phí đầu tư, gia tăng lợi nhuận trên cùng đơn vị diện tích rõ rệt.
Trao đổi với chúng tôi, anh Chiến cho biết: “Việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp rất cần thiết, tuy nhiên cũng tùy vào điều kiện thổ nhưỡng mỗi vùng đất mới đưa vào áp dụng hợp lý. Bản thân tôi luôn nỗ lực để học hỏi kinh nghiệm của những nông dân làm ăn có hiệu quả, từ đó tiếp cận và ứng dụng thực tiễn trên mảnh đất của mình để mang lại hiệu quả…”. Hiện nay, mô hình đưa cơ giới hóa vào sản xuất kết hợp chăn nuôi của gia đình anh đã trở thành địa chỉ tham quan, học hỏi của nhiều hộ dân trồng mía tại địa phương. Qua đó, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua sản xuất giỏi của xã Quảng Sơn ngày càng đi lên.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn, cho biết: Địa phương là vùng nguyên liệu mía đường trọng điểm của tỉnh, trong những năm qua, chính quyền xã luôn đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất giỏi, xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả trong canh tác cây mía. Từ phong trào này, đã giúp cho nông dân thay đổi cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn áp dụng nhiều biện pháp canh tác sáng tạo, đưa khoa học-kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất mang lại thu nhập cao. Anh Lê Đình Chiến là một trong những tấm gương cần cù, vượt khó vươn lên trong cuộc sống, đi đầu trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao tại địa phương hiện nay…
Nguồn: Vfpress