Chuyên Trang Tin Tức Năng Lượng Tái Tạo
Mỹ xuất khẩu dầu thời giảm giá: Sự tự tin của Moscow Mỹ xuất khẩu dầu thời giảm giá: Sự tự tin của Moscow
Nangluong.news – Nga tin rằng quyết định dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thô sau 40 năm của Mỹ sẽ không ảnh hưởng... Mỹ xuất khẩu dầu thời giảm giá: Sự tự tin của Moscow

Nangluong.news – Nga tin rằng quyết định dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thô sau 40 năm của Mỹ sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak được TTXVN dẫn lại. Lý do ông Novak đưa ra là Mỹ là một quốc gia nhập khẩu, chứ phải mua dầu trên thị trường.

Giá dầu mỏ thế giới hiện đã giảm xuống dưới 40 USD/thùng, ở gần mức thấp nhất trong 11 năm, do sức ép của tình trạng dư cung dai dẳng và việc các nước sản xuất hàng đầu, trong đó có Nga, từ chối cắt giảm sản lượng.

Nga tin rằng thị trường dầu thế giới không bị ảnh hưởng bởi quyết định dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu của Mỹ

Nga tin rằng thị trường dầu thế giới không bị ảnh hưởng bởi quyết định dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu của Mỹ

Ông Novak cũng nói rằng các công ty của Nga đang đánh giá các kịch bản xấu với giá dầu (ở mức khoảng 30-35 USD/thùng) và sản lượng theo ước tính sơ bộ của Nga trong năm 2015 là khoảng 533 triệu tấn, hay 10,70 triệu thùng/ngày.

Giá dầu thấp cùng với các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã gây sức ép lên đồng rúp của Nga từ năm ngoái, giúp ngành dầu mỏ của Nga trở thành một trong những ngành có chi phí thấp nhất.

Theo ông Novak, đầu tư cho sản xuất dầu mỏ của Nga đạt khoảng 1.100 tỷ rúp (15,7 tỷ USD) trong năm nay, so với mức 980 tỷ rúp của năm ngoái. Sản lượng dầu mỏ của Nga trong năm 2016 ước tăng lên mức cao kỷ lục 10,78 triệu thùng/ngày thời hậu Xôviết, khi các mỏ mới được khai thác và các nhà sản xuất được hưởng lợi với chi phí thấp hơn

Cuối tuần trước, Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thô được áp đặt trong 40 năm qua. Hồi đầu những năm 1970, lệnh cấm vận dầu mỏ của các nước Arab đã làm giá dầu tăng mạnh, góp phần đẩy lạm phát lên cao.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, nước này mỗi ngày tiêu thụ khoảng 19 triệu thùng sản phẩm dầu mỏ vào năm 2014, chiếm 1/5 tổng mức tiêu thụ của toàn cầu. Trong đó lượng nhập khẩu ròng dầu/các sản phẩm dầu chiếm trên 1/4 tổng mức tiêu thụ ở Mỹ.

Giới quan sát tin rằng, động thái dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thô của Mỹ bên cạnh nguyên nhân là sức ép của các công ty kinh doanh dầu còn mang nhiều tính toán về địa chính trị, trong đó có cả ý định “ép chết” Nga, quốc gia sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới, giống như cách họ đã làm với Liên Xô trước đây và góp phần quan trọng trong việc khiến Liên Xô tan rã.

Ths Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng có hai thứ vũ khí quan trọng Mỹ đang nắm trong tay, đó là công nghệ khai thác dầu đá phiến và sự chuẩn bị sẵn sàng cho việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Theo một tính toán, chỉ cần giá dầu ở mức 40 USD/thùng là doanh nghiệp sản xuất dầu của Mỹ đã có lãi tới 10%. Tuy nhiên, trên thực tế, doanh nghiệp Mỹ còn có thể lãi cao hơn bởi những tiến bộ trong công nghệ khai thác dầu đá phiến có thể hạ chi phí xuống thấp hơn nữa. Chính vì thế, nếu doanh nghiệp Mỹ được xuất khẩu dầu với giá đắt hơn giá bán trong nước, họ sẽ được lợi thêm và sẽ tiếp tục cầm chịch thị trường.

Cũng theo ông Sơn, tác động của giá dầu giảm đối với kinh tế Mỹ lợi nhiều hơn hại. Mặc dù họ có thể bị thừa ra bao nhiêu lao động từ khu vực khai thác dầu đá phiến bị đóng cửa nhưng tổng lao động trong toàn quốc gia vẫn tiếp tục tăng lên. Một cái lợi khác, đó là Mỹ dùng rất nhiều năng lượng, khi nguồn năng lượng đó rẻ hơn thì người ta được lợi, số tiền tiết kiệm được từ giá xăng dầu giảm sẽ được dành cho tiêu dùng trong nước Mỹ.

“Người Mỹ không làm hôm nay tính ngày mai ra sao mà tính toán cả chục năm sau sẽ thế nào, do đó họ không hề mạo hiểm khi gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thô. Mỹ “ra đòn” vào lúc này là thích hợp. Xét về mặt địa chính trị, nước Nga đang tìm cách lấy lại vị thế, triển khai nhiều hoạt động, trong khi tiềm lực của họ chỉ trông vào dầu lửa. Khi giá dầu xuống đáy, liệu Nga còn tung hoành ở các nơi được bao lâu với túi tiền ngày càng hao hụt của mình?”, ông Sơn nhấn mạnh.

Trong khi đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, Khoa Tài chính Quốc tế (Học viện Tài chính) nhận định, ngày nay Mỹ khó lặp lại cách làm trong quá khứ bởi thế giới đã không còn ở trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh mà là hội nhập, các quốc gia phụ thuộc vào nhau nhiều hơn. Chính vì thế, khi “một người đau kéo theo nhiều người khác đau theo”, rất nhiều quốc gia, ngay cả Mỹ cũng bị ảnh hưởng mạnh mẽ khi giá dầu tiếp tục giảm sâu.

Nguồn: Báo Đất Việt